Phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hóa: Yếu tố đặc biệt quan trọng
20/09/2022 | 07:59Để phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có, việc khai thác, phát huy tối đa sức mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao có nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi nhân lực là "nguồn vốn", nguồn "tài nguyên" quan trọng của CNVH.
Thời gian qua, chính sách phát triển nhân lực ngành CNVH luôn được quan tâm, chú trọng, đạt được những kết quả nổi bật. Tuy nhiên so với yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn thì vẫn chưa đáp ứng với kỳ vọng, mục tiêu đề ra.
Nguồn nhân lực- yếu tố đặc biệt quan trọng
Công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa; đóng góp tích cực vào quá trình tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu. Đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Trong các thành tố cấu thành CNVH, nguồn nhân lực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
TS Nguyễn Huy Phòng- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: "Những năm qua, để phát triển CNVH, nguồn nhân lực luôn được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng, nâng cao chất lượng, trình độ và năng lực chuyên môn, có nhiều đóng góp tích cực, làm nên thành công bước đầu của ngành CNVH".
Theo Tổng cục Thống kê, đến ngày 31/12/2021, dân số Việt Nam là hơn 98,51 triệu người. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV/2021 ước tính là 50,7 triệu người. Tính chung năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 50,5 triệu người. Việt Nam đang ở giai đoạn "dân số vàng", tỷ lệ dân số trong độ tuổi có khả năng lao động (15-64 tuổi) rất cao, dao động từ 66% đến 70%. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển CNVH khi nguồn nhân lực sáng tạo, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ văn hóa dồi dào; khả năng sáng tạo, thích ứng và chuyển giao công nghệ nhanh nhạy, linh hoạt, sẽ mang lại những cơ hội, điều kiện để CNVH tăng tốc, bứt phá.
Nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào quá trình sáng tạo văn hóa, nghệ thuật ngày càng trưởng thành và lớn mạnh về cả và số lượng chất lượng. Theo thống kê của ngành văn hóa trong Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực nhóm ngành văn hóa, thể thao giai đoạn 2011-2020 thì nhân lực trực tiếp (gồm những người làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các đơn vị sự nghiệp, sự nghiệp có thu và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, gia đình, thể dục thể thao) là hơn 72 nghìn người và nhân lực gián tiếp (nhân lực làm việc trong các ngành, các quá trình liên quan đến hoạt động văn hóa nghệ thuật, gia đình và thể dục thể thao) ước tính khoảng 150 nghìn người.
Cần đánh giá đúng hiện trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực sáng tạo, dự báo chính xác sự biến động của nguồn nhân lực này để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp
Theo TS Nguyễn Huy Phòng, có thể phân loại các nguồn nhân lực trong CNVH như sau: Nguồn nhân lực quản lý;Nguồn nhân lực sản xuất, kinh doanh và Nguồn nhân lực sáng tạo.
"Có thể thấy trong những năm qua cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, lực lượng tham gia vào quá trình sáng tác văn hóa, nghệ thuật ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về số lượng lẫn chất lượng, đóng góp nhiều ý tưởng sáng tạo để tạo ra những sản phẩm, hoạt động văn hóa, văn nghệ đa dạng, phong phú, giàu bản sắc, mang lại những món ăn tinh thần bổ ích cho cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên so với yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn thì nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng với kỳ vọng, mục tiêu đề ra"- TS Nguyễn Huy Phòng nhận định.
Đồng quan điểm, ThS. Hoàng Thị Thu Thuỷ- Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, công tác đào tạo nhân lực ngành CNVH đã có những cố gắng, song vẫn còn nhiều bất cập.
Theo ThS. Hoàng Thị Thu Thủy, hiện, hệ thống cơ sở đào tạo, huấn luyện nhân lực của nhóm ngành văn hóa đang tăng về số lượng và quy mô đào tạo. Theo thống kê năm 2011, có 108 cơ sở tham gia đào tạo văn hóa nghệ thuật (33 trường đại học, 1 viện, 47 trường cao đẳng, 27 trường trung cấp) được phân bổ khắp cả nước.
Kết quả đào tạo và phát triển nhân lực ngành văn hóa cũng đã có nhiều khởi sắc. Trong đó, quy mô đào tạo tăng nhanh ở cấp cao đẳng và đại học. Theo số liệu năm 2010, Ngành văn hóa nghệ thuật đã tuyển sinh được 14.720 học sinh, sinh viên, đạt 60 - 70% chỉ tiêu; Chất lượng đào tạo được cải thiện từng bước, 70 - 80% số sinh viên ngành văn hóa - nghệ thuật ra trường có việc làm. Một số trường còn đào tạo được các tài năng đạt giải trong các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp cấp quốc gia và quốc tế; Cơ cấu ngành nghề từng bước được cải thiện, đáp ứng nhu cầu thị trường. Riêng ngành văn hóa - nghệ thuật đã có 66 ngành và 152 chuyên ngành; Việc đào tạo lại công nhân viên chức được chú ý. Mỗi năm có gần 1000 công chức tham gia các lớp đào tạo tin học, ngoại ngữ trong và ngoài nước. Thông qua các hội thảo, trại sáng tác, tập huấn, nhân sự của ngành cũng được tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ và kiến thức chuyên ngành.
"Những năm gần đây xuất hiện nhiều những cơ sở đào tạo tài năng nghệ thuật do khối kinh doanh ngoài nhà nước phụ trách. Đó có thể là các công ty đào tạo diễn viên, ca sĩ v.v… đang mọc lên ngày càng nhiều ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hay các trung tâm chuyên mở các khóa học đào tạo về kiến thức marketing, truyền thông có giảng viên là những thuyết trình gia uy tín của nước ngoài đứng giảng v.v…Chưa có con số thống kê cụ thể, song số lượng các công ty dạng này rất nhiều và gia tăng không ngừng. Trong khi đó, số lượng học viên đăng ký tham gia các khóa học đào tạo này cũng tăng đột biến"- ThS. Hoàng Thị Thu Thủy nhận định.
Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNVH
Để phát huy những thuận lợi, khắc phục những khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, TS Nguyễn Huy Phòng cho rằng, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhất thức của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về vai trò, vị trí của ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Nhận thức đúng về vai trò, vị trí của công nghiệp văn hóa sẽ giúp các cơ quan, bộ ngành và chính quyền địa phương ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả qua đó huy động tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào quá trình vận hành và phát triển đất nước.
Cần đánh giá đúng hiện trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực sáng tạo, dự báo chính xác sự biến động của nguồn nhân lực này để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Có chính sách phù hợp trong đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện tài năng văn hóa, nghệ thuật; xây dựng cơ chế đặc thù trong tuyển dụng, đãi ngộ, thu hút, tôn vinh, khen thưởng những cống hiến, đóng góp của các cá nhân. Tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền tác giả và các quyền liên quan.
Cũng theo TS Nguyễn Huy Phòng, cần phải hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Tuân thủ quy luật cung cầu, đảm bảo sự minh bạch, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, lấy lợi ích của nhân dân là mục tiêu phấn đấu. Tăng cường nguồn lực đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là thiết lập mạng lưới các không gian sáng tạo, các thành phố, đô thị thông minh, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mang lại môi trường thực sự lành mạnh, tự do, dân chủ, nhân văn, khoa học để phát triển ngành công nghiệp văn hóa.
Còn theo ThS. Hoàng Thị Thu Thuỷ, để thực hiện công nghiệp văn hóa, cần xây dựng cơ chế, chính sách, hệ thống quy phạm văn bản pháp luật phù hợp với tình hình mới, tạo môi trường thuận lợi để tăng mức độ hoạt động và số lượng tổ chức dịch vụ ngành CNVH. Tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo ngành văn hóa nghệ thuật với các đơn vị quản lý và các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNVH; gắn kết giữa hoạt động đào tạo với nhu cầu phát triển văn hóa nghệ thuật theo cơ chế thị trường. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế, chính sách bảo đảm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho ứng dụng và phát triển công nghệ trong lĩnh vực đào tạo văn hóa nghệ thuật.
Cùng với đó là xây dựng và hoàn thiện chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có những giải pháp đặc thù cho nhân lực chất lượng cao ngành CNVH ở nước ta.
Cần có chính sách thỏa đáng để tạo nguồn lực và khai thác có hiệu quả nguồn lực mới. Đồng thời tăng cường sự hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật để thúc đẩy sự phát triển một số ngành chọn lọc, sản sinh ra những nhân lực có chất lượng. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức, cập nhật phổ biến kiến thức về công nghệ 4.0 đối với đội ngũ nhân viên, cán bộ lãnh đạo ngành, nhằm nâng cao chất lượng quản lý, giáo dục đào tạo và hoạt động văn hóa nghệ thuật. Có chính sách đào tạo tài năng sáng tạo, hỗ trợ sáng tạo cá nhân.
Nhà nước cần dành nguồn ngân sách cố định cho việc triển khai nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cần coi trọng vai trò của doanh nghiệp và các tổ chức tư nhân trong việc đào tạo và hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Cần phải xây dựng thêm các chính sách cải thiện thủ tục hành chính và thuế trong lĩnh vực CNVH nhằm tạo điều kiện ưu đãi cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các tổ chức tư nhân. Và phải triển khai mạnh mẽ các chính sách này trên thực tế./.