Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phát triển du lịch nông thôn tại Quảng Ninh: Xây dựng nông thôn mới bền vững

02/11/2022 | 14:36

Phát triển du lịch nông nghiệp đang dần trở thành xu hướng phát triển kinh tế bền vững tại nhiều địa phương trong tỉnh, từ đó khai thác hiệu quả các giá trị của nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng NTM bền vững.

Phát triển du lịch nông thôn tại Quảng Ninh: Xây dựng nông thôn mới bền vững - Ảnh 1.

Vườn hoa Cao Sơn (huyện Bình Liêu) là điểm đến hấp dẫn du khách.

Khai thác lợi thế

Khai thác lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa truyền thống đặc sắc riêng, khí hậu trong lành, năm 2019, HTX Hoa Bình Liêu đã thuê gần 16.000m2 đất của các hộ dân thôn Cao Sơn (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) để thực hiện dự án trồng hoa chất lượng cao và cây cảnh. HTX đã đầu tư cơ sở vật chất, đưa cơ giới hoá, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào phục vụ sản xuất các loại hoa có giá trị kinh tế cao, như lan vũ nữ cắt cành, hoa đồng tiền nuôi cấy mô, dâu tây, hoa hồng...

Với diện tích gần 2ha, tọa lạc trên núi Cao Sơn có độ cao vài trăm mét so với mực nước biển, không khí trong lành, Vườn hoa Cao Sơn của HTX Hoa Bình Liêu là điểm đến hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp của hàng trăm loài hoa như: Hồng, lan vũ nữ, cẩm tú cầu, tam giác mạch, hướng dương... thi nhau khoe sắc. Tại đây, du khách còn được tham quan các khu ươm giống, tìm hiểu về quy trình trồng hoa, trải nghiệm hái dâu tây, hoa đồng tiền, trải nghiệm làm cô gái dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ, chụp hình bên điểm dừng chân độc đáo tại vườn.

Đặc biệt, năm 2021, HTX đã đầu tư thêm mô hình farmstay nhỏ phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách. HTX hiện tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, 15 lao động thời vụ, mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Phát triển du lịch nông thôn tại Quảng Ninh: Xây dựng nông thôn mới bền vững - Ảnh 2.

Du khách trải nghiệm dịch vụ chèo thuyền tại Am Váp Farm (xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long).

Nắm bắt xu hướng du lịch trải nghiệm ngày càng phát triển, anh Nguyễn Trung Kiên cùng các cộng sự khi triển khai mô hình du lịch cộng đồng Am Váp Farm tại xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long). Đắm chìm trong thiên nhiên trong lành, thanh bình, mát mẻ của vùng núi cao Kỳ Thượng, du khách đến đây được trải nghiệm những hoạt động gắn liền với người dân địa phương, như: Trồng trọt, sản xuất, chèo thuyền, bơi suối, tham quan rừng trúc, thưởng thức ẩm thực, đốt lửa trại, nhảy sạp, cắm trại, ngâm lá tắm...; khám phá, tham quan, tìm hiểu trang phục, nghề truyền thống, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán.

Xã Kỳ Thượng sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Am Váp Farm đã khai thác, phát huy được cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành, văn hóa dân tộc độc đáo ở vùng xa xôi mà nhiều người chưa biết đến. "Dù là hướng đi mới, nhưng mô hình phát triển du lịch cộng đồng như thế này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Khai thác được lợi thế, đồng thời quảng bá, giới thiệu, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Quan trọng mang lại thu nhập cho các thành viên tham gia, thúc đẩy kinh tế tại cộng đồng dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng NTM" - Anh Nguyễn Trung Kiên cho biết.

Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều mô hình du lịch nông nghiệp là điểm đến hấp dẫn du khách, như: Trang trại hoa lan Đồng Ho (xã Thống Nhất, TP Hạ Long); Trang trại rau an toàn của Công ty CP Đầu tư Song Hành (TX Quảng Yên); Khe Mai Farm Vân Đồn (huyện Vân Đồn); Man’s Farm (TP Hạ Long)... Các mô hình này đã khai thế thế mạnh của vùng nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng NTM.

Phát triển bền vững

Phát triển du lịch nông thôn tại Quảng Ninh: Xây dựng nông thôn mới bền vững - Ảnh 3.

Du khách trải nghiệm tại Điểm du lịch ẩm thực vườn của gia đình anh Nguyễn Ngọc Trung (xã Sơn Dương, TP Hạ Long).

Xác định vai trò quan trọng của du lịch nông nghiệp trong xây dựng NTM, cuối năm 2021 tỉnh đã giao các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các đơn vị tập trung đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp tại Quảng Ninh, xây dựng chương trình đào tạo về nghiệp vụ du lịch, xây dựng mô hình thí điểm tại TX Đông Triều, huyện Đầm Hà, TX Quảng Yên và TP Hạ Long, kết nối tuyến điểm du lịch giữa các địa phương, biên soạn cẩm nang giới thiệu sản phẩm du lịch… Từ đó, xác định sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, thúc đẩy liên kết, nâng cao đời sống nhân dân.

Phát triển du lịch nông thôn tại Quảng Ninh: Xây dựng nông thôn mới bền vững - Ảnh 4.

Du khách đốt lửa trại tại Khe Mai Farm (huyện Vân Đồn).

Việc phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM là một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh đặt ra trong chương trình xây dựng NTM đến năm 2025. Theo đó, tỉnh tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ và 6 giải pháp phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM theo Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tập trung 8 nhóm giải pháp chính theo Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025" (phê duyệt tại Quyết định số 4389/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 của UBND tỉnh). Trong đó, chú trọng các giải pháp về cơ chế chính sách, đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, phát triển nguồn lực du lịch cộng đồng, xúc tiến quảng bá, bảo vệ môi trường du lịch.

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai có hiệu quả Đề án tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô. Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ; thu hút đầu tư phát triển du lịch biển đảo cao cấp, có thương hiệu, có năng lực tạo ra chuỗi liên kết, đầu tư đồng bộ, hiện đại. Phát triển du lịch kết nối chặt chẽ giữa các địa bàn Cô Tô, Vân Đồn, Cẩm Phả, Hạ Long, Móng Cái tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch biển, biên giới sinh thái, nghỉ dưỡng.

Các địa phương miền Tây của tỉnh tiếp tục hoàn thiện Đề án phát triển du lịch, mở rộng kết nối không gian du lịch với địa phương lân cận thuộc Hải Dương, Hải Phòng… để tạo ra sản phẩm du lịch mới, khác biệt, gắn với bảo vệ sinh thái, môi trường, bảo tồn văn hóa. Tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển du lịch vùng miền đặc sắc, hiệu quả, bền vững.

Theo quangninh.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×