Phát triển du lịch nông nghiệp ở Cao Bằng
30/03/2021 | 09:47Ðể đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, tỉnh Cao Bằng đang tập trung phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, trong đó có loại hình du lịch nông nghiệp.
Ðịnh hướng này là nỗ lực để đạt mục tiêu "kép": Tạo ra sản phẩm du lịch mới tận dụng được thế mạnh về văn hóa, cảnh quan, con người địa phương, thu hút du khách đến trải nghiệm đồng thời hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn với tiêu thụ sản phẩm tại chỗ.
Xu hướng mới
Cao Bằng có diện tích rộng, phong cảnh sơn thủy hữu tình, còn nhiều diện tích đất nông nghiệp "sạch", chưa bị tác động bởi phân bón, thuốc trừ sâu hóa học, thích hợp phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, kết hợp phát triển du lịch. Thời gian qua, tại địa phương xuất hiện nhiều đơn vị, cá nhân đầu tư, phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, thu hút, mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách. Tiêu biểu như: Hành trình khám phá vườn hạt dẻ, thu hoạch hạt dẻ; trải nghiệm gặt lúa, bắt cá tại làng du lịch cộng đồng Khuổi Ky, xã Ðàm Thủy; trải nghiệm hái quả trong vườn quýt ở xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh; du lịch sinh thái, tham gia thu hoạch chè Kolia, ở xã Thành Công, huyện Nguyên Bình; các mô hình tham quan, hái dâu ở vườn dâu tây, hái nho ở xã Hưng Ðạo, TP Cao Bằng... thu hút đông đảo khách du lịch.
Sau quá trình học hỏi mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch ở các quốc gia phát triển, doanh nhân Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Kolia quyết định đầu tư xây dựng mô hình nông trại hữu cơ, du lịch sinh thái Kolia ở xã Thành Công, huyện Nguyên Bình. Khu du lịch sinh thái Kolia nằm trong Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Ðén, khu vực có khí hậu tiểu á nhiệt đới, các loại hoa khoe sắc quanh năm. Tại đây, nhiệt độ mùa hè cao nhất từ 18 đến 22oC; trong mùa đông, nhiệt độ khu vực đỉnh núi Phja Oắc có thể xuống tới -9oC, xuất hiện băng giá. Khu du lịch sinh thái Kolia được Công ty TNHH Kolia đầu tư trồng chè, các loại hoa, rau quả, nuôi lợn, gà, bò; xây dựng trên quan điểm tôn trọng cảnh quan, hạn chế tác động tự nhiên. Du khách đến đây có thể thỏa sức ngắm nhìn phong cảnh còn nguyên sơ, hít thở không khí trong lành, trải nghiệm tự hái chè, sao chè, đóng gói, mang về thưởng thức... Tự tay hái chè, sao chè và thưởng trà tại Khu du lịch sinh thái Kolia, du khách Nguyễn Mạnh Hiền, đến từ Thủ đô Hà Nội, hào hứng chia sẻ: "Ðây thật sự là một trải nghiệm thú vị, khó quên khi được hái chè giữa khung cảnh nên thơ của đồi núi trùng điệp, lại ngồi nhâm nhi những ly trà ấm nóng cùng gia đình trong bầu không khí trong lành của thiên nhiên. Chắc chắn tôi và gia đình sẽ còn trở lại Kolia để tiếp tục tham gia những trải nghiệm thú vị ở đây".
Dịp cao điểm, Khu du lịch sinh thái Kolia thu hút hơn 1.000 du khách/ngày. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Kolia Cao Bằng, Hoàng Mạnh Ngọc chia sẻ: "Tại các quốc gia phát triển, mô hình du lịch nông nghiệp rất thành công, bởi du khách từ các gia đình, trường học rất thích cho các em nhỏ đến trải nghiệm hòa mình vào thiên nhiên. Bởi vậy, với chúng tôi, điều quan trọng nhất là hạn chế tác động đến tự nhiên trong xây dựng, tận dụng và bảo vệ tối đa cảnh quan". Bên cạnh đó, phát triển du lịch ở đây còn gắn với lợi ích cộng đồng. Khu du lịch sinh thái Kolia có dịch vụ văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với các diễn viên từ đội văn nghệ quần chúng của đồng bào Dao Tiền, Tày ở các bản lân cận.
Tại TP Cao Bằng, vườn dâu tây của Hợp tác xã Trường Anh, ở xã Hưng Ðạo, cũng là điểm "hút" khách. Giám đốc Hợp tác xã Trường Anh Ðoàn Thu Trà, chia sẻ: Du lịch nông nghiệp đang là xu hướng phát triển mới. Hiện nay, việc tiêu thụ các sản phẩm theo kênh bán hàng truyền thống đã có điểm hạn chế do sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội và xu hướng dịch chuyển, tìm về hòa mình trong thiên nhiên ở các vùng quê thì dịch vụ trải nghiệm du lịch nông nghiệp có điều kiện phát triển bởi mang đến những điều mới lạ cho du khách. Nắm bắt xu hướng nêu trên, từ năm 2017 đến nay, Hợp tác xã Trường Anh đã đầu tư hơn năm tỷ đồng, hoàn thành phát triển trang trại dâu tây trên diện tích 1,5 ha ở xã Hưng Ðạo. Trang trại sử dụng phân hữu cơ sinh học, vi sinh, các loại phân tự ủ lên men như phân đậu tương, trứng, sữa, chuối để bổ sung cho quả ngọt, thơm, tăng chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng. Sản phẩm dâu tây của hợp tác xã có chứng nhận VietGAP, chứng nhận OCOP ba sao được thị trường ưa chuộng. Bên cạnh bán sản phẩm qua kênh truyền thống, mỗi dịp cuối tuần, vườn dâu tây của hợp tác xã đón từ 200 đến 500 lượt khách/ngày đến trải nghiệm hái dâu tây, mua sản phẩm tại vườn; doanh thu bán dâu tây tại vườn và các kênh tiêu thụ đạt hơn một tỷ đồng/năm.
Hỗ trợ phát triển
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng, gần đây, xu hướng đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái đang phát triển rộng khắp tại các địa phương trong tỉnh với nhiều mô hình mới, độc đáo như: Mô hình liên kết phát triển sản xuất dâu tây công nghệ cao và hoa hồng gắn với du lịch sinh thái, du lịch tâm linh lịch sử Chùa Viên Minh, xóm Ðà Quận, xã Hưng Ðạo, TP Cao Bằng; trồng hoa "check in" Boongfarm ở tổ Xuân Ðại, thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng; Khu du lịch sinh thái Kolia… Các mô hình du lịch nông nghiệp đều đang phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều người lao động. Năm 2020, chị Lý Thị Duyên, dân tộc Dao Tiền, ở xã Thành Công, huyện Nguyên Bình được Công ty TNHH Kolia tuyển dụng làm công nhân chế biến chè, kiêm hướng dẫn viên giới thiệu cảnh quan, hướng dẫn du khách quy trình hái chè, sao chè. Chị Lý Thị Duyên cho biết, được công ty trả lương 4,5 triệu đồng/tháng, hỗ trợ tiền ăn, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Chị Duyên và gia đình phấn khởi vì vừa có công việc với thu nhập ổn định, lại được giới thiệu cho du khách cảnh đẹp quê hương, bản quán.
Tận dụng các điều kiện tự nhiên, văn hóa của Cao Bằng, nhiều đơn vị, cá nhân đã đầu tư, phát triển du lịch nông nghiệp. Ðây là hướng phát triển chiến lược tăng sức thu hút của du lịch tỉnh, làm phong phú, hấp dẫn thêm sản phẩm du lịch của địa phương. Các sản phẩm du lịch nông nghiệp đã đưa đến cho du khách cơ hội tìm hiểu và tham gia vào các quy trình tạo ra sản phẩm, từ phương pháp canh tác, nuôi trồng, sơ chế, chế biến, làm các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời, thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh và tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa bản địa. Du lịch nông nghiệp chính là nguồn tài nguyên vô tận để tạo ra các sản phẩm hấp dẫn khi biết tổ chức và khai thác vì ngoài yếu tố thiên nhiên, đây còn là sản phẩm của trí tuệ và kinh nghiệm của cả chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân trong việc đầu tư, phát triển các làng nông nghiệp truyền thống, các trang trại trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.
Ðể tạo thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển du lịch nông nghiệp địa phương hiệu quả, bền vững, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng Trương Thế Vinh cho biết: Sở sẽ tăng cường phối hợp hỗ trợ xúc tiến, quảng bá rộng rãi du lịch nông nghiệp Cao Bằng đến du khách. Ðồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn, quản lý các cơ sở du lịch nông nghiệp trên địa bàn thực hiện và tuân thủ các quy định Luật Ðất đai, Luật Du lịch, thực hiện nghiêm các quy định đối với việc thu phí, lệ phí. Mặt khác, tham mưu xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp, gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch miền núi ở Cao Bằng. Phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp như một trụ cột để phát triển du lịch bền vững và thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng phục vụ du khách. Sở định hướng, hỗ trợ các công ty du lịch tăng cường liên kết với các tỉnh lân cận, các công ty lữ hành tạo ra các tua, tuyến du lịch, trong đó có du lịch nông nghiệp, thu hút du khách trong nước và nước ngoài.
Du lịch nông nghiệp tại Cao Bằng đã và đang có bước khởi đầu, phát triển đúng hướng, từng bước khẳng định vai trò quan trọng đa dạng hóa sản phẩm du lịch, góp phần xây dựng thương hiệu "Du lịch Non nước Cao Bằng" mang đậm bản sắc văn hóa và dấu ấn riêng của thiên nhiên, con người nơi đây.