Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với làng nghề tại Cần Thơ
08/01/2024 | 09:50Du lịch nông nghiệp, làng nghề là những dòng sản phẩm đang được các địa phương ÐBSCL chú trọng đầu tư, bởi lợi thế tiềm năng và nét đặc trưng của vùng sản xuất lúa gạo, vườn trái cây miền Tây Nam Bộ. Tại Cần Thơ, du lịch nông nghiệp gắn với làng nghề được quan tâm và xây dựng nhiều mô hình, sản phẩm đặc trưng.
Tiềm năng
Cần Thơ có diện tích đất nông nghiệp 114.034ha (trên 79% diện tích đất tự nhiên), trong đó diện tích sản xuất lúa khoảng 76.000ha, cây ăn trái khoảng 25.000ha (chuyên canh 11.880ha), diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 10.000ha. Hằng năm, sản lượng lúa đạt trên 1,3 triệu tấn, trên 200.000 tấn trái cây, trên 250.000 tấn thủy sản. Ðây là lợi thế để Cần Thơ phát triển loại hình du lịch nông nghiệp.
Hiện Cần Thơ có nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, chủ yếu phát triển theo hình thức vườn cây ăn trái. Trong đó có trên 35 khu, điểm du lịch, khoảng 30 homestay và 2 điểm du lịch cộng đồng (cồn Sơn, cù lao Tân Lộc). Tại các điểm này đều có những trải nghiệm đặc trưng gắn với đời sống sông nước, miệt vườn Nam Bộ: giăng lưới, câu cá, đặt trúm, đặt lờ, tát mương bắt cá, trồng lúa, trồng rau, trò chơi dân gian trên đồng ruộng, vườn trái cây, chèo ghe, bắt vịt…; hay trải nghiệm làm bánh dân gian, cơm quê, làng nghề, các sản phẩm OCOP.
Một trong những địa phương phát triển mạnh du lịch nông nghiệp là huyện Phong Ðiền, nơi có gần 9.000ha diện tích trồng cây ăn trái. Tại đây có 65 điểm tham quan du lịch và di tích lịch sử - văn hóa, trong đó hơn 30 điểm là vườn, khu du lịch sinh thái; tập trung ở xã Mỹ Khánh, Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, thị trấn Phong Ðiền...
Ông Phạm Văn Hoàng, chủ vườn 9 Hồng (ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh), cho biết: “Chúng tôi trước đây làm nông, sau chuyển sang làm du lịch. Vườn nhà tôi khoảng 1,5ha trồng trái cây đặc sản của Phong Ðiền. Chúng tôi cũng liên kết với các vườn xung quanh để đảm bảo có cây trái quanh năm phục vụ du khách. Du khách tham quan vườn cây cũng có thể tát mương bắt cá, hay làm bánh dân gian, thưởng thức ẩm thực đồng quê”.
Trong khi đó, mô hình du lịch cộng đồng tại cồn Sơn (quận Bình Thủy) thu hút du khách với các mô hình nuôi cá bè trên sông, trải nghiệm vườn cây ăn trái, làng nghề, làm bánh dân gian, xem cá lóc bay, xiếc ếch, cá ăn cơm bằng muỗng… Cồn Sơn nằm giữa sông Hậu, quanh cồn là những vườn cây xanh và người dân nơi đây vẫn giữ nếp sống miệt vườn. Từ đó hình thành không gian trải nghiệm đúng chất bản địa về nông nghiệp, miệt vườn sông nước.
Không chỉ có tài nguyên về nông nghiệp, Cần Thơ còn có 12 làng có nghề, trong đó có các làng nghề đã được UBND thành phố công nhận: Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng (Thốt Nốt), Làng nghề sản xuất bánh kẹo Ba Rích (Ô Môn), Làng nghề đan lưới Thơm Rơm (Thốt Nốt), Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ (Bình Thủy). Riêng làng nghề bánh tráng Thuận Hưng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023.
Cần Thơ hiện có 140 sản phẩm OCOP, gồm 70 sản phẩm 3 sao và 70 sản phẩm 4 sao. Trong đó, Làng du lịch Mỹ Khánh được công nhận là sản phẩm OCOP du lịch 4 sao đầu tiên tại ÐBSCL. Sản phẩm OCOP Cần Thơ đa dạng từ rau sạch, trái cây tươi, thực phẩm chế biến từ nông sản, sản phẩm trà từ thực vật, gia vị, yến, đông trùng hạ thảo đến các dịch vụ du lịch cộng đồng.
Có thể thấy, Cần Thơ có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề. Tuy nhiên các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại Cần Thơ vẫn còn nhỏ lẻ, đơn điệu, các mô hình du lịch còn trùng lắp, chủ yếu là tham quan vườn cây ăn trái. Còn làng nghề cũng chưa thực sự phát huy do nhiều nguyên nhân; các hộ sản xuất còn ít, thiếu các hoạt động trải nghiệm cho du khách, chưa kết nối tour tuyến với các đơn vị lữ hành, quản lý khai thác sản phẩm du lịch từ làng nghề còn chồng chéo.
Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề
Từ thực tế trên, ngành du lịch Cần Thơ xây dựng các giải pháp để phát huy tiềm năng du lịch nông nghiệp và làng nghề. Theo đó, TP Cần Thơ đang triển khai đề án “Phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó bên cạnh loại hình du lịch nông nghiệp truyền thống, Cần Thơ phát triển thêm loại hình du lịch nông nghiệp đô thị và du lịch nông nghiệp công nghệ cao, nhằm kéo dài chuyến đi của du khách; xác định phát triển du lịch nông nghiệp tập trung ở Phong Ðiền, Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt và định hướng mở rộng dần đến các vùng ven như Thới Lai, Cờ Ðỏ, Vĩnh Thạnh vào năm 2030. Cụ thể, hai mô hình được chọn triển khai là du lịch nông nghiệp dành cho khách tham quan và lưu trú thí điểm tại Cần Thơ Farm và Bảo Gia Trang Viên.
UBND TP Cần Thơ cũng ban hành Kế hoạch số 107/KH-UBND về triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, trong đó xác định “đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, gắn với phát triển du lịch nông thôn, sản phẩm OCOP và các giá trị tài nguyên văn hóa bản địa, thế mạnh của từng địa phương; triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng mạng lưới điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới”.
Cụ thể, Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, phấn đấu có ít nhất một điểm du lịch được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch...
Ðể đạt mục tiêu, Cần Thơ sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt gắn với bản sắc của thành phố, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng; phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn chất lượng cao; xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cũng phối hợp, định hướng triển khai và hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương; tổ chức kết nối các chủ thể OCOP với các chủ thể hoạt động lĩnh vực du lịch hình thành một số điểm trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của Cần Thơ…
Riêng với các sản phẩm làng nghề, Cần Thơ đang triển khai xây dựng mô hình làng hoa kiểng, với Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ được chọn làm điểm, nhằm phục vụ du lịch, từng bước chuyển đổi cơ cấu sản xuất: kết hợp sản xuất hoa truyền thống phục vụ hàng tháng và các dịp lễ Tết với đa dạng các chủng loại hoa, cây kiểng, cây xanh, thảm cỏ quanh năm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường đồng thời tăng khả năng liên kết nông hộ để phục vụ khách du lịch; triển khai dự án khoa học công nghệ “Hoàn thiện quy trình sản xuất bánh tráng cho làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ”, hỗ trợ các hộ tham gia hoàn thiện quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, định hướng xây dựng thương hiệu gắn với du lịch.
Về lâu dài, Cần Thơ chú trọng quy hoạch tổng thể, trong đó xác định rõ phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề là giải pháp động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, Quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề cần thiết phải gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Địa phương phải chú trọng tính liên kết vùng để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng, hình thành không gian, chuỗi sản phẩm chủ đạo, tạo được điểm nhấn khác biệt. Bên cạnh đó là các đầu tư về nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở...