Văn hóa

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phát triển du lịch – Hướng đi hiệu quả góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

22/07/2025 | 13:20

Với những lợi thế về cảnh quan tự nhiên và văn hóa độc đáo, những năm gần đây, Cao Bằng đã có những bứt phá trong phát triển du lịch, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Cao Bằng là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa với gần 95% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nơi đây có nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, hình thành quần thể di sản văn hóa với 271 di tích.

Thiên nhiên cũng ưu ái Cao Bằng với nhiều thắng đẹp như: Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Mắt Thần núi, Quần thể hồ Thăng Hen với hệ thống hang động ngầm có giá trị quốc tế cao. Nổi bật là các giá trị về hệ sinh thái, với sự hiện diện của nhiều loài quý hiếm.

Phát triển du lịch – Hướng đi hiệu quả góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Cao Bằng - Ảnh 1.

Cao Bằng có hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh phong phú, đa dạng.

Đặc biệt, tháng 4/2018, Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng đã được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu. (CVĐC) Non nước Cao Bằng hội tụ hơn 200 điểm di sản độc đáo, phản ánh lịch sử hình thành trên 500 triệu năm của Trái đất với diện tích hơn 3.683 km2 cùng bốn "tuyến đường trải nghiệm"; mở ra nhiều cơ hội và triển vọng mới cho phát triển du lịch địa phương, phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế của người dân.

Trong những năm gần đây, ngành du lịch luôn được Đảng bộ, chính quyền tỉnh Cao Bằng quan tâm phát triển với các cơ chế chính sách phù hợp, cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương và Nhân dân. Kế thừa kết quả đạt được của giai đoạn trước, cùng tâm thế và khát vọng tạo thương hiệu du lịch Cao Bằng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã cụ thể hóa hành động, xác định Du lịch - Dịch vụ bền vững là 01 trong 03 nội dung đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với lịch sử, cách mạng, văn hóa dân tộc và môi trường tự nhiên; các khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch được cải thiện cả về chất lượng và quy mô, Cao Bằng dần khẳng định vị trí, hình ảnh, thương hiệu là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn, đặc sắc; mở ra nhiều cơ hội và triển vọng mới cho phát triển kinh tế - xã hội và tạo sinh kế cho người dân.

Tỉnh đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân địa phương về công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế; đồng thời đưa vào triển khai 04 dự án đầu tư của Dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Dự án số 6).

Phát triển du lịch – Hướng đi hiệu quả góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Cao Bằng - Ảnh 2.

Nhiều điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã và đang được đưa vào khai thác, thu hút đông đảo du khách.

Đặc biệt, tỉnh rất quan tâm đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng nhằm mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân bản địa, góp phần cho việc xóa đói giảm nghèo của địa phương. Cụ thể, HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết số 78/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND các huyện (cũ) tiến hành khảo sát, đánh giá, thẩm định, lựa chọn đối tượng thực hiện hỗ trợ du lịch cộng đồng theo quy định của Nghị quyết 78/2021/NQ-HĐND; Tổ chức khảo sát, thẩm định đối tượng và triển khai chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh năm 2025; Tổ chức khóa đào tạo nâng cao năng lực về du lịch cộng đồng cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch, homestay, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh; tập huấn cung cấp cho người dân những thông tin cần thiết về phát triển du lịch bền vững, phổ biến những cách làm hay, mô hình sáng tạo trong phát triển du lịch; …

Trên cơ sở đó, nhiều điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã và đang được đưa vào khai thác, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước như: Làng đá cổ Khuổi Ky, xã Đàm Thủy; xóm Khuổi Khon, xã Hưng Đạo (xã Kim Cúc cũ); làng rèn xóm Pác Rằng, làng nghề làm hương xóm Phja Thắp, xã Quảng Uyên (xã Phúc Sen cũ)… Trong đó, Làng đá cổ Khuổi Ky là một trong những điểm đến vô cùng hút khách.

Theo chị Trần Hà Linh – du khách đến từ Hà Nội: "Đây là lần đầu tiên, gia đình tôi đến Khuổi Ky. Nơi đây không chỉ đẹp mà còn rất sạch sẽ, trong lành. Tại đây, chúng tôi đã được tham gia các công việc hàng ngày của người dân như gặt lúa, bắt cá suối, thưởng thức các làn điệu then say đắm và được thưởng thức rất nhiều món ăn truyền thống. Chuyến đi này thực sự là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời".

Phát triển du lịch – Hướng đi hiệu quả góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Cao Bằng - Ảnh 3.

Cùng chung cảm nhận với chị Trần Hà Linh, nhiều du khách đến Cao Bằng nói chung và Làng đá cổ Khuổi Ky nói riêng đã và đang có những đánh giá rất tích cực về dịch vụ du lịch nơi đây. Không chỉ có nhiều cảnh đẹp, người dân Cao Bằng còn rất thân thiện và gần gũi. Chất lượng các dịch vụ phục vụ khách du lịch từng bước được nâng cao. Công tác vệ sinh môi trường cũng rất được chú trọng. Điều đó đã cho thấy những chuyển biến rõ rệt trong công tác quản lý du lịch của tỉnh, đặc biệt là du lịch cộng đồng.

Kết quả này cũng được thể hiện rõ nét qua các con số. 6 tháng đầu năm 2025, tổng lượt khách đến Cao Bằng ước đạt: 1.520.063 lượt, tăng 47,7% so với cùng kỳ. Trong đó: Khách du lịch quốc tế ước đạt 57.922 lượt, tăng 176,8% so với cùng kỳ; Khách du lịch nội địa ước đạt 1.462.141 lượt, tăng 44,3% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch ước đạt: 1.543 tỷ đồng, tăng 95,8% so với cùng kỳ (đạt 77,1% kế hoạch năm).

Song song với đó, tỉ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh đã giảm đáng kể. Việc khai thác, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch đã tạo cơ hội tạo việc làm, tạo thu nhập cho người dân địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng tỉ trọng dịch vụ, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững cho cộng đồng dân cư. Qua đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường và giữ vững quốc phòng, an ninh./.

P.V

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×