Phát triển du lịch Hà Giang trong liên kết vùng Đông - Tây Bắc
12/04/2024 | 15:14Thời gian qua, tỉnh ta không ngừng đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bảo đảm chất lượng hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh, tạo sức hút cho du khách và các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc
Nằm ở vị trí thuận lợi, nơi giao thoa giữa hai vùng văn hóa Đông - Tây Bắc, Hà Giang có nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc nhất Việt Nam. Địa hình chia cắt rất mạnh và có tính phân bậc cao đã tạo nên nhiều đèo cao, vực thẳm kết hợp với các thung lũng mở rộng và thác nước hùng vĩ, độc đáo. Những giá trị cao về mặt khoa học, thẩm mỹ kết hợp với văn hóa độc đáo, phong phú của 19 dân tộc là điều kiện, yếu tố căn bản làm nên giá trị đặc sắc của không gian văn hóa Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Sau nhiều năm nỗ lực, du lịch của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu kể đến như: Tạp chí New York Times (Mỹ) bình chọn nằm trong top 52 điểm đến hấp dẫn nhất Thế giới năm 2022; tờ báo The Travel (Canada) bình chọn Hà Giang là một trong 10 điểm đến đẹp nhất Việt Nam; Tổ chức World Travel Awards 2023 (WTA) đã vinh danh, trao giải thưởng “Hà Giang điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” năm 2023; giữ vững Danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn sau 3 lần tái đánh giá.
Bên cạnh đó, Hà Giang là tỉnh giáp biên với nước bạn Trung Quốc, có cửa khẩu quốc tế, thuận lợi để phát triển kinh tế biên mậu và du lịch. Đặc biệt, nằm ở vị trí trung chuyển giữa cung đường du lịch Đông Bắc và Tây Bắc, tỉnh cũng có những yếu tố thích hợp để hình thành các sản phẩm du lịch liên tỉnh và liên vùng. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tỉnh thuộc khu vực động lực cùng tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lào Cai phát triển các sản phẩm du lịch chủ yếu, gồm: Du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng núi; tìm hiểu văn hóa lối sống cộng đồng; tìm hiểu lịch sử cách mạng và du lịch thể thao mạo hiểm. Dự thảo quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng định hướng đầu tư, phát triển Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn thành khu du lịch Quốc gia.
Sản phẩm du lịch của tỉnh được phát triển đa dạng, mới mẻ và có sức hấp dẫn từ trải nghiệm, khám phá, mạo hiểm, sinh thái, nghỉ dưỡng đến lịch sử, tâm linh. Nhiều sản phẩm du lịch được hình thành và phát triển dựa trên thế mạnh của địa phương như: Du thuyền lòng hồ Thủy điện Nho Quế; du lịch thể thao chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi, cung đường Hạnh phúc; dù lượn trên Cao nguyên đá và ruộng bậc thang; Lễ hội hoa Tam giác mạch, Lễ hội khèn Mông… Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng phát triển mô hình du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN và mô hình Làng văn hóa du lịch gắn với phát triển các sản phẩm OCOP. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hàng chục nhà hàng được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch và có khoảng 30 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lữ hành, đại lý du lịch.
Năm 2023, lượng khách du lịch đến với tỉnh đạt 3,2 triệu lượt người, gấp 2,15 lần so với năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch đạt 7.050 tỷ vượt 20% chỉ tiêu đề ra. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt trên 850 nghìn lượt du khách. Mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; xây dựng thành công khu du lịch trọng điểm Quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn; Hà Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn, đặc sắc đối với du khách trong nước và quốc tế. Qua đó, góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng, phát triển của tỉnh, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương.
Xây dựng thương hiệu cho điểm đến du lịch
Mới đây, tại Hội thảo định vị và xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh trong liên kết vùng Đông - Tây Bắc, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhận định, thương hiệu du lịch nhằm định vị giá trị, hình ảnh và nâng cao sự nhận biết của thị trường đối với các sản phẩm, dịch vụ du lịch của tỉnh. Do vậy, tỉnh cần xây dựng và triển khai chiến lược, kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm gắn với chiến lược, kế hoạch phát triển sản phẩm, thị trường và thương hiệu du lịch. Đồng thời, việc xây dựng thương hiệu du lịch phù hợp với định hướng phát triển thương hiệu du lịch Quốc gia, đi liền với các giá trị về lịch sử, danh tiếng, đặc thù chất lượng và công tác tổ chức quản lý, sử dụng các thương hiệu du lịch cho các sản phẩm, dịch vụ của tỉnh.
Tiến sỹ Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cho rằng: “Tỉnh cần có giải pháp về đầu tư và thu hút du lịch, đảm bảo sức chứa, khả năng đón tiếp phục vụ khách du lịch quốc tế. Trong đó, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, có những chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Xây dựng, phát triển thương hiệu và sản phẩm du lịch riêng của tỉnh dựa trên giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc, các di tích, danh lam thắng cảnh, nhất là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn”.
Theo chia sẻ của Thạc sỹ Nguyễn Thị Kim Ngân, khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: “Du lịch Hà Giang mang bản sắc riêng với những di sản thiên nhiên và giá trị văn hóa độc đáo đã và đang có sức hút rộng lớn đến du khách. Để hoạt động du lịch phát triển lâu dài và bền vững, thương hiệu điểm đến cần được xây dựng đồng bộ gắn với các tiêu chí về phát triển kinh tế, đảm bảo lợi ích của cộng đồng địa phương, bảo tồn giá trị truyền thống, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đem lại sự hài lòng cho du khách”.
Đa số các ý kiến chuyên gia khẳng định, bộ nhận diện thương hiệu du lịch của tỉnh phải thể hiện được những xu hướng và triển vọng trong tương lai như một điểm đến du lịch xanh và bền vững, điểm đến mang tầm khu vực và quốc tế, tương xứng với các giải thưởng. Do đó, việc định vị và xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh cần được tiến hành một cách bài bản với các nghiên cứu sâu trong việc xác định các giá trị, hình ảnh và sản phẩm cốt lõi của điểm đến, các yếu tố tạo ra các lợi thế cạnh tranh cho du lịch Hà Giang so với các điểm đến trong khu vực và quốc tế.