Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Ninh Bình
26/07/2024 | 09:39Ninh Bình có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, bao gồm cả rừng, núi, sông, hồ, biển; các hệ sinh thái đa dạng (rừng nguyên sinh, đất ngập nước…); hệ thống các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng. Trong đó nổi bật là Quần thể danh thắng Tràng An – di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới (di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam), khu du lịch tâm linh Chùa Bái Đính – ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á; Cố đô Hoa Lư; vườn quốc gia Cúc phương; khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, nhà thờ đá Phát Diệm…
Đây là những lợi thế lớn của Ninh Bình trong phát triển du lịch, có thể tạo nên sự khác biệt, những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh và tạo nên thương hiệu riêng cho du lịch Ninh Bình. Ninh Bình đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, với vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ, riêng có, cùng những có gắng nỗ lực tạo ra những điểm đến du lịch độc đáo, hấp dẫn và sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng, môi trường du lịch thân thiện, hiếu khách, những năm gần đây, Ninh Bình đã liên tục được các tổ chức trong nước và thế giới xếp top cao trong danh sách bình chọn của nhiều chuyên trang du lịch quốc tế uy tín. Năm 2020, Trips to Discover (Mỹ) điền tên Ninh Bình vào danh sách 14 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á. Năm 2022, Tạp chí Du lịch và giải trí (Mỹ) xếp Ninh Bình vào danh sách 12 địa điểm quay phim đẹp nhất châu Á. Năm 2023, Ninh Bình đoạt Giải thưởng Đánh giá của khách du lịch, là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới. Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn Ninh Bình là một trong 23 điểm đáng đến nhất thế giới. Mới đây nhất năm 2024, Ninh Bình đứng vị trí thứ 4 trong "Top 10 kỳ quan thế giới dành cho những người không thích đám đông", lọt "Top 10 trải nghiệm cuốn hút nhất năm 2024" do TripAdvisor (Mỹ) công bố.
Du lịch ở nông thôn là loại hình du lịch được tổ chức tại vùng, khu vực nông thôn với quy mô hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ. Du lịch ở nông thôn không gian mở, ưu ái sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên gắn với đặc điểm nổi bật, văn hóa vùng miền và địa phương. Du lịch nông thôn ở Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng dùng để khai thác giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc tại địa phương. Loại hình này đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách về nhiều khía cạnh như: văn hóa, ẩm thực, tinh thần, trải nghiệm,… Du lịch nông thôn mang đậm tính đặc trưng về văn hóa, lối sống tại nông thôn đi đôi với sản xuất nông nghiệp. Du lịch nông thôn góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững thông qua việc nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho người dân ở nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản... Ngược lại, chương trình xây dựng nông thôn mới đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch nông thôn trong việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… Các loại hình du lịch nông thôn chủ đạo hiện nay tại Ninh Bình là du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Các sản phẩm du lịch nông thôn khai thác tập trung vào giá trị cảnh quan sinh thái nông thôn, hoạt động sản xuất nông nghiệp, giá trị văn hóa truyền thống của khu vực, sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn chất lượng cao…
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 77 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận (trong đó có 04 làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; 13 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, 46 làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; 11 làng nghề sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; 03 làng nghề dịch vụ, phục vụ đời sống dân cư nông thôn). Các làng nghề có thể tạo ra khá nhiều các sản phẩm thủ công độc đáo như: Gốm, cói, mây tre đan, gỗ mỹ nghệ, sản phẩm thêu ren… Ở mỗi khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh ta đều đã hình thành và phát triển các mặt hàng du lịch đặc trưng của các vùng miền. Đó là những gian hàng bán các sản phẩm thêu tay ở Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động; các mặt hàng cói ở Nhà thờ đá Phát Diệm; các gian hàng gốm sứ mỹ nghệ, thêu ren ở Phố Cổ Hoa Lư, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính... Tuy nhiên, thị trường sản phẩm thủ công truyền thống làm quà lưu niệm ở tỉnh ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng du lịch vốn có. Nguyên nhân là do du lịch làng nghề chưa thực sự phát triển phát triển, người dân tại các làng nghề chưa chú trọng đến việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng tạo dựng thương hiệu, lợi thế cạnh tranh bền vững. Một số sản phẩm được bày bán nhưng kiểu dáng, kích cỡ cồng kềnh, khó vận chuyển hoặc giá thành cao… chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của du khách.
Nông thôn Ninh Bình đang chuyển mình, trở thành những miền quê đáng sống, các giá trị bản sắc độc đáo, khác biệt, các sản phẩm đặc trưng riêng có đang được quảng bá, lan toả, hình thành những điểm đến về du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm, thu hút khách du lịch mỗi khi về với Ninh Bình. Những đồng lúa, đồng hoa, đồi dứa,.. của Ninh Bình đều có lợi thế để phát triển du lịch; ngoài cánh đồng lúa Tam Cốc nổi tiếng, thì Ninh Bình có nhiều cánh đồng đang triển khai các mô hình canh tác thu hút quan tâm của du khách trong và ngoài nước đến tham quan và chụp ảnh, như cánh đồng dứa Đồng Giao trải dài ngút mắt xen giữa những dãy núi trùng điệp là nơi lý tưởng cho những người thích khám phá vào dịp mùa hè từ tháng 5 đến tháng 8, cánh đồng hoa Ninh Phúc với nhiều loài hoa đua nhau khoe sắc, khoe hương, làng hoa Đào Đông Sơn Tam Điệp bừng sắc hoa Đào mỗi dịp xuân về, … Sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Bình được chuẩn hoá, phát triển từ sản phẩm đặc sắc của những làng nghề truyền thống, từ những sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, riêng có, từ những nghề gia truyền nông thôn,… thấm sâu trong những sản phẩm OCOP Ninh Bình là giá trị lịch sử, bản sắc văn hoá, truyền thống của những vùng quê Ninh Bình; sản phẩm OCOP Ninh Bình vừa có sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái (dịch vụ du lịch Vân Long Gia Viễn, khu du lịch Hang Múa Hoa Lư, du lịch cộng đồng Quèn Thờ Tam Điệp), vừa có sản phẩm phục vụ ẩm thực cho khách du lịch (thịt dê, cơm cháy, ruốc cá rô Tổng trường, mắm tép…..), sản phẩm chăm sóc sức khỏe (Trà hoa vàng Cúc Phương, cà gai leo, tinh dầu,…), vừa là lựa chọn của du khách khi mua làm quà tặng (tranh lá bồ đề, cói mỹ nghệ, gốm Bồ Bát, ….). Phát triển du lịch ở nông thôn chính là cách làm phù hợp để thúc đẩy kinh tế, góp phần gìn giữ và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của người dân bản địa. Du lịch nông thôn được tỉnh quan tâm triển khai, đặc biệt là thông qua Chương trình chuyên đề về Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
Tuy vậy, để mô hình này phát triển bền vững vẫn còn nhiều khó khăn. Du lịch nông thôn chủ yếu quy mô nhỏ, do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp. Mô hình tổ chức du lịch nông thôn chủ yếu mang tính chất tự phát, phát triển từ những dịch vụ đơn giản là tham quan trang trại, cải tạo nhà vườn thành nơi nghỉ ngơi của khách, chưa chuyên nghiệp, chưa hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn, chưa có chính sách tổng thể cho phát triển du lịch nông thôn ở cấp quốc gia.... Một số vùng nông thôn tuy đã chú ý đến cảnh quan môi trường, song vấn đề vệ sinh môi trường, ô nhiễm nguồn nước, không khí vẫn diễn ra, chưa khắc phục triệt để. Công tác quy hoạch hạ tầng cơ sở, hạ tầng nhân lực dành cho phát triển du lịch nông thôn gần như chưa có. Các cơ chế, chính sách quản lý đối với mô hình du lịch nông thôn và bảo đảm liên kết chuỗi du lịch nông thôn gắn với các công ty lữ hành còn nhiều kẽ hở. Quá trình phát triển du lịch nông thôn còn chậm và chưa đạt kết quả tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các địa phương; còn thiếu định hướng và những quy hoạch cụ thể cho các vùng lợi thế phát triển du lịch nông thôn. Công tác tuyên truyền, quảng bá chưa có chiến lược rõ ràng; các doanh nghiệp du lịch chưa quan tâm, chú trọng nhiều đến loại hình du lịch này, đầu tư cho du lịch nông thôn còn hạn chế.
Để gắn kết phát triển du lịch với chương trình xây dựng nông thôn mới thời gian tới, phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình mang đặc trưng của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, đồng thời đáp ứng mục tiêu gìn giữ, bảo tồn và phát triển nông thôn bản sắc đô thị Cố đô Di sản và phù hợp với định hướng của tỉnh quyết tâm xây dựng Ninh Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030 và trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch không gian phát triển du lịch nông thôn cần gắn với đặc trưng sinh thái vùng, miền, chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa - lịch sử. Phát triển du lịch nông thôn ở Ninh Bình hướng đến khai thác sự sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái để tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với thị trường. Đặc biệt, cần chú trọng khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết với các ngành, nghề, dịch vụ liên quan nhằm cung cấp đa dạng các trải nghiệm, thu hút, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách trong và ngoài nước,… Đồng thời, phát triển dịch vụ phụ trợ để hỗ trợ du lịch, gắn phát triển hạ tầng du lịch nông thôn với ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Hai là, tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn; đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung truyền thông du lịch nông thôn trên nền tảng công nghệ số, truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn tại các hội chợ, triển lãm. Thay đổi tư duy, kiến thức, hành động cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; người dân, cộng đồng và khách du lịch về phát triển du lịch nông thôn bền vững trong xây dựng nông thôn mới. Bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao, phát triển nguồn nhân lực địa phương phục vụ du lịch.
Ba là, huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn; trong đó: tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, nguồn tài trợ của các tổ chức hợp tác quốc tế, đầu tư của doanh nghiệp, các tổ chức hợp tác nông nghiệp, góp sức của cộng đồng và các nguồn hợp pháp khác cho phát triển du lịch nông thôn. Khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển du lịch nông thôn tại các địa bàn, môi trường khác nhau (rừng, khu bảo tồn thiên nhiên, ven biển,…) theo các quy định của pháp luật nhằm tạo ra nguồn thu ổn định từ hoạt động du lịch để đầu tư trở lại cho các công tác bảo vệ tài nguyên du lịch.
Bốn là, khuyến khích, kêu gọi các sáng kiến, ý tưởng, dự án, mô hình khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ gắn với du lịch nông thôn; các giải pháp kết nối thị trường, marketing hiệu quả cho du lịch nông thôn; Phát triển chuẩn hóa các sản phẩm du lịch nông thôn để được đánh giá, phân hạng công nhận là sản phẩm OCOP. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tổ chức các cuộc thi sáng tác ý tưởng liên quan tới du lịch nông thôn; Tổ chức giải thưởng du lịch nông thôn cấp tỉnh. Tổ chức các lễ hội (đặc biệt là lễ hội văn hóa dân gian, lễ hội sản phẩm đặc sản, đặc trưng…), hoạt động kết nối du lịch các vùng, miền.
Năm là, liên kết vùng và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn. Tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin và phối hợp giữa các tỉnh, các ngành, lĩnh vực liên quan nhằm triển khai hoạt động phát triển du lịch nông thôn đồng bộ và hiệu quả và tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm về quản lý và phát triển du lịch nông thôn (đặc biệt du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch có trách nhiệm, quản lý và thích ứng rủi ro,…). Tìm kiếm sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực triển khai của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cho các dự án, chương trình du lịch nông thôn gắn với cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái; liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch nông thôn. Xây dựng mạng lưới đối tác du lịch nông thôn để phục vụ cho kết nối đầu tư, kết nối thông tin cung - cầu du lịch.
Sáu là, gắn liền việc phát triển du lịch nông thôn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM - Chuẩn hóa các điểm du lịch cộng đồng theo bộ tiêu chí chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ngoài ra mỗi vùng miền với thế mạnh riêng về cảnh quan, văn hóa, lịch sử, con người, ẩm thực và đặc biệt với những sản phẩm nông nghiệp phong phú đa dạng nhưng mang thế mạnh địa phương và là đặc sản vùng miền. Xây dựng Đề án phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, nhằm quy hoạch lại các điểm du lịch trong một tổng thể thống nhất, liên kết cùng phát triển dựa trên tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa và giá trị bản địa tại các bản, làng, thôn, ấp. Phát huy thế mạnh các bên liên quan trong xây dựng đề án để đảm bảo đưa vào triển khai đạt hiệu quả cao và phát triển du lịch bền vững.
Phát triển du lịch nông thôn là nhu cầu cấp thiết để đưa những vùng nông thôn phát triển làm giảm sự phân tầng trong xã hội, thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn, giảm di dân từ nông thôn lên đô thị. Để làm được điều này, vẫn còn nhiều việc cần phải giải quyết. Cần phát huy hơn nữa chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch trên cơ sở phát huy giá trị nội tại của cộng đồng, bản sắc văn hoá, cảnh quan đặc trưng của vùng miền là tiền đề cho việc phát triển du lịch nông thôn. Người dân đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn phát huy nét đẹp văn hoá, phong tục tập quán, tín ngưỡng, do vậy, khi phát triển du lịch tại đây cần phải gắn kết chặt chẽ với nền tảng văn hóa của địa phương. Giải pháp quan trọng nhất cho phát triển du lịch nông thôn là nâng cao nhận thức và năng lực cho những người dân bản địa trong việc xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở những địa phương có tiềm năng. Phát huy vai trò của cộng đồng là chủ thể cho tham gia xây dựng sản phẩm du lịch, họ tham gia vào quản lý và điều hành mô hình du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó cần có những bước đi cho việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, phát huy gia sản văn hóa bản địa trở thành điểm đến lý tưởng, đặc biệt là cho những người từ khu vực đô thị để muốn trải nghiệm những thời gian quý báu hòa mình với thiên nhiên. Làm được điều này, ngoài nỗ lực của những người trong cuộc là người dân địa phương, các chính sách cũng phải xây dựng để đảm bảo tính đồng bộ để khuyến khích những địa phương khó khăn có được kế hoạch phát triển tốt nhất.