Phát triển du lịch cộng đồng ở Cần Thơ: Câu chuyện nhìn từ Cồn Sơn
25/09/2019 | 09:11Mặc dù chỉ mới đang dừng lại ở việc khai thác những tài nguyên sẵn có của mình, chứ chưa hẳn là sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, như đánh giá của đại diện các doanh nghiệp lữ hành, tuy nhiên, với những gì đã và đang làm được, Cồn Sơn thực sự là điểm cộng lớn trong phát triển du lịch cộng đồng ở Cần Thơ thời gian qua.
"Cồn 6 không" làm du lịch
Cồn Sơn nằm ở địa phận khu vực 1 phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, cách trung tâm thành phố khoảng 6 km. Di chuyển đường bộ hướng đường Nguyễn Trãi - Cách Mạng Tháng Tám rẽ phải vào đường Huỳnh Mẫn Đạt, đi khoảng 300 mét là tới bến tàu du lịch Cồn Sơn.
Có tới 70% khách du lịch đến với Cồn Sơn là khách Hà Nội, mỗi đoàn 30 - 40 khách.
Phương tiện chính yếu để đưa người, hàng hóa, phương tiện qua Cồn Sơn là xuồng máy hoặc tàu du lịch. Ngoài ra, khách du lịch cũng có thể lựa chọn vượt sông Hậu qua Cồn Sơn bằng ca nô. Đoàn chúng tôi (những doanh nghiệp lữ hành và báo chí) quyết định vượt sông, đến với Cồn Sơn, mặc cho cơn mưa chiều khá mạnh. Mưa quất từng hồi, gió trên sông thổi vi vút, chẳng những không làm cho các thành viên nản trí, mà ngược lại, càng khiến cho quyết tâm vượt sông, chinh phục Cồn Sơn cao hơn.
Người phụ nữ điều khiển xuồng máy đưa chúng tôi vượt sông Hậu, được những dân Cồn Sơn gọi với cái tên thân mật "cô bé". Cô bé đã có trên 30 năm làm nghề đưa đò, để kết nối người Cồn Sơn với thế giới bên ngoài (du khách). Dáng người nhỏ nhắn, nhưng rắn rỏi, nước da ngăm ngăm, cùng ánh mắt cương nghị, ít ai có thể ngờ rằng "cô bé" lại có cái tên thật rất đẹp, Tô Hoàng Dịch Thủy, đẹp như con người của cô vậy. 30 năm lái đò tại đây, "cô bé" đã chở biết bao thế hệ học sinh của Cồn Sơn đến trường, học hành, thành đạt mà không nhận bất cứ một đồng tiền công nào. Dù nắng hay mưa, đêm muộn hay sáng sớm, cứ có người Cồn Sơn cần qua đò là cô đều vui vẻ phục vụ.
Cồn Sơn nhìn từ phía Cần Thơ
Trước đây, Cồn Sơn được người ta biết đến và gọi bằng cái tên "Cồn 6 không", bởi trên cồn không có điện, đường, trường, trạm, nước (nước sạch) và không chồng – phụ nữ Cồn Sơn trước kia nhiều người không lấy chồng. Người dân trên Cồn Sơn sống chủ yếu bằng việc trồng cây trái (hoa quả) rồi qua làm thuê, làm mướn bên thành phố (Cần Thơ) vì thế thu nhập không ổn định, cuộc sống bếp bênh, gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Không ít người Cồn Sơn đã bỏ lên bờ và phiêu bạt các nơi để mưu sinh…
Khoảng năm 2014, Cồn Sơn có điện và nước sinh hoạt. Và từ năm 2015, người Cồn Sơn bắt đầu biết tới và mon men tập làm du lịch theo hướng cộng đồng... Kể từ đó cuộc sống người dân trên cồn dần thay đổi.
Mong ước của người Cồn Sơn
Đón và đồng hành cùng chúng tôi tham quan Cồn Sơn lần này là chị Út Hiền, một hướng dẫn viên người bản địa (Cồn Sơn). Theo chia sẻ của chị Út Hiền, từ ngày làm du lịch cộng đồng đến nay, cuộc sống của người dân Cồn Sơn đổi thay từng ngày. Nếu như trước đây, người Cồn Sơn có cuộc sống thiếu trước, hụt sau, chạy ăn từng bữa thì nay đã không còn hộ nghèo; bà con không còn phải thức đêm, dậy sớm bôn ba đi làm thuê, làm mướn ở thành phố mà có thể kiếm tiền ngay trên mảnh đất mình đang sinh sống.
Chị Út Hiền đưa đoàn đi tham quan Cồn Sơn
Với diện tích khiêm tốn chỉ khoảng 70ha, nhưng Cồn Sơn có lợi thế được phù sa bồi đắp, bốn mặt là sông nước mênh mông, bên này là Cần Thơ, bên kia là Vĩnh Long. Mặc dù cuộc sống đã được cải thiện, không còn hộ đói, nhưng Cồn Sơn vẫn còn không ít những khó khăn, thiếu thốn. Vậy nhưng, có lẽ chính sự thiếu thốn ấy, cùng với nếp sinh hoạt giản dị, gắn kết, hòa mình cùng thiên nhiên sông nước đã tạo ra một sức hấp dẫn đặc biệt của Cồn Sơn. Chỉ cần bước chân xuống thuyền thôi, du khách sẽ cảm giác như bước vào một thế giới khác, bỏ lại phía sau những ồn ào, nhộn nhịp của một trong những đô thị sầm uất nhất miền Tây.
Có lẽ, cũng chỉ có Cồn Sơn, du khách mới được thưởng thức một bữa ăn với tên gọi lạ kỳ "thực đơn bay". Đây là nét độc đáo trong cách làm du lịch cộng đồng của người Cồn Sơn. Theo đó, khi có nhu cầu sử dụng một bữa ăn (bữa cơm) tại Cồn Sơn, du khách có thể đặt và chọn ăn ở bất cứ hộ gia đình nào (trong số khoảng 30 hộ đang làm du lịch cộng đồng). Các món ăn đều được chế biến từ những sản vật ngay chính tại cồn. Và đặc biệt là mỗi hộ sẽ đảm nhiệm nấu một món ăn theo sở trường của mình "Món gà xé bưởi của nhà vườn Phương My, nhà Song Khánh là cá tài tử nướng lá sen, nhà chị Chín Nhỏ là ốc nướng tiêu, cá lóc nấu mẻ, nhà chị Năm Minh làm bánh xèo, bánh khọt, chị Bẩy Muôn là bánh dân gian...". Khi các món ăn được chế biến xong, sẽ mang đến hộ gia đình đang trực tiếp đón khách. Tại đây, các món ăn sẽ được tập trung, bày biện hoàn chỉnh theo đúng thực đơn mà khách yêu cầu.
"Trước kia cuộc sống khó khăn, thiếu đói nên có những gia đình không có cơm để ăn, hoặc không có đồ ăn, vì thế đến bữa ăn, các gia đình thường tập trung lại, hoặc sang nhà nhau ăn chung. Vừa vui vẻ trò chuyện, vừa san sẻ với nhau chút tình làng, nghĩa xóm", chị Út Hiền chia sẻ.
Tới Cồn Sơn, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều về cuộc sống của người dân Nam Bộ như tát mương bắt cá, hái rau, quăng chài, ngồi thuyền giăng câu, vào vườn trái cây và thưởng thức trái cây tại vườn (cam, xoài, bưởi, chôm chôm, vú sữa, nhãn…), học làm một số loại bánh dân gian vùng Nam Bộ như bánh khọt, bánh bèo, bánh chuối, bánh in, bánh tằm xe tay…Các món ăn hay những loại bánh thơm ngon, mộc mạc được tạo nên từ bàn tay lam lũ của các chị, các má trên cồn. Tất cả đều hấp dẫn và có sức hút lạ kỳ. Có lẽ, sức hấp dẫn ấy xuất phát từ sự chân phương, mộc mạc, đón khách, giao tiếp với khách như người thân trong gia đình hay những người bà con xa, lâu ngày trở về thăm quê vậy.
Trải nghiệm làm bánh và thưởng thức các loại bánh dân gian
"Trước đây, mọi người nghĩ làm du lịch chỉ để vui, vì coi làm vườn là chính. Nhưng bây giờ, thu nhập từ du lịch là chính và đảm bảo ổn định cuộc sống, cho con cái học hành, tích lũy…giúp đỡ người già neo đơn. Hiện nay, có trên 30 hộ liên kết với nhau, hỗ trợ nhau cùng làm du lịch cộng đồng, mỗi nhà một sản phẩm cây trái, một món ăn đặc trưng. Người dân trên cồn thoát nghèo cũng nhờ du lịch", nghệ nhân bánh dân gian Cồn Sơn, Pham Kim Ngân ( Chị Bảy Muôn) chia sẻ.
Cũng theo chị Bảy Muôn, các thành viên tham gia làm du lịch cộng đồng của cồn đã thành lập một quỹ nhỏ (khoảng chừng 20 -30 triệu) để hỗ trợ những người già neo đơn, hỗ trợ cho các thành viên mới muốn tham gia làm du lịch và trao tặng quà cho các em học sinh học tập tốt.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành trong đoàn, Cồn Sơn có tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng và đã có những cách làm hay, những bước đi đúng. Tuy nhiên, còn cần nhiều thứ nữa để Cồn Sơn thực sự trở thành sản phẩm du lịch đủ sức cạnh tranh. Mọi thứ của Cồn Sơn hiện tại mới chỉ dừng lại ở việc tận dụng, khai thác tài nguyên du lịch vốn có. Cơ sở hạ tầng, dịch vụ ở Cồn Sơn hiện nay chưa đáp ứng đúng quy định cũng như yêu cầu của khách du lịch như đường giao thông, cơ sở lưu trú (homestay)…
Sự bình yên, nét mộc mạc là những điều du khách sẽ cảm nhận được khi đến với Cồn Sơn
Ý thức được những hạn chế, khó khăn của mình, nên chính người Cồn Sơn đã và đang không ngừng tự học hỏi, mày mò để phát triển. "Làm du lịch nhưng chưa từng đi du lịch, vì thế mong muốn của những thành viên câu lạc bộ du lịch cộng đồng Cồn Sơn là được trở thành viên của Hiệp hội Du lịch Cần Thơ. Mong muốn được các cấp, chính quyền quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa. Hiện nay, Sở Văn hóa Cần Thơ đã tạo điều kiện cho người dân như mở các khóa tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, về giao tiếp…Người dân mong muốn Cồn Sơn phát triển về du lịch, tiến tới nhà nhà đều làm du lịch để có thể sinh sống và làm giàu trên mảnh đất cha ông đã để lại", nghệ nhân bánh dân gian Cồn Sơn, Pham Kim Ngân bộc bạch.
"Mong muốn rất nhiều, nhưng những khó khăn cũng đã tạm thời qua rồi mình không muốn nói nhiều nữa. Hiện giờ, bà con mong muốn được chính quyền hỗ trợ trong vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt và rác của du khách để lại. Ngoài ra bà con cũng mong muốn được tập huấn, trang bị kiến thức về biến đổi khí hậu để có những điều chỉnh, thích nghi theo cho phù hợp...Thời gian tới, nhà vườn Song Khánh cũng đang chuẩn bị mở rộng quy mô để có thể đón được thêm nhiều khách du lịch tới sinh hoạt, trải nghiệm cuộc sống của người dân trên cồn. Từ ngày làm du lịch cộng đồng đến nay, cuộc sống của người Cồn Sơn thay da đổi thịt từng ngày. Do đó, nguyện vọng và mong muốn lớn nhất của người Cồn Sơn là tiếp tục được phát triển mô hình làm du lịch cộng đồng như hiện nay", chị Phan Thị Kim Phước, nhà vườn Song Khánh chia sẻ./.
Cần Thơ đã có quyết định chủ trương đầu tư Khu du lịch Cồn Sơn với tổng kinh phí khoảng hơn1.500 tỷ. Mục tiêu của dự án là xây dựng khu resort, nghỉ dưỡng cao cấp đạt tiêu chuẩn 5 sao, kết hợp du lịch sinh thái và vui chơi giải trí cao cấp; bảo tồn bản sắc văn hóa của địa phương; cung cấp dịch vụ ẩm thực; xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại.