Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phát triển du lịch bền vững để kiến tạo tương lai - Bài 2: Nỗ lực "xanh hóa" các hoạt động du lịch

17/04/2024 | 07:56

Việc phát huy tiềm năng sẵn có về tự nhiên, văn hóa và con người để tạo ra sản phẩm du lịch xanh, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc giúp các địa phương quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh"

Ông Nguyễn Hải Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ hơn 10 năm trước, Quảng Ninh đã xác định chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", đưa du lịch - ngành công nghiệp "không khói" phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đặc biệt là hiện nay, trước thách thức của biến đổi khí hậu, dịch bệnh Covid-19, khi những xu hướng du lịch thay đổi, du lịch Quảng Ninh đã nhanh chóng thích ứng và phục hồi, nỗ lực "xanh hóa" các hoạt động du lịch phát triển bền vững.

Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 đã xác định: "Phát triển du lịch tỉnh theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP của tỉnh; góp phần quan trọng thực hiện 3 đột phá chiến lược, gắn với mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh"".

Phát triển du lịch bền vững để kiến tạo tương lai - Bài 2: Nỗ lực "xanh hóa" các hoạt động du lịch - Ảnh 1.

Học sinh trên đảo Cô Tô cùng tham gia thu gom rác thải, dọn sạch bãi biển - Ảnh: TTXVN

Lấy dẫn chứng về Cô Tô như một điển hình tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh trong việc gìn giữ môi trường, chuyển đổi xanh để phát triển bền vững, ông Nguyễn Hải Hà cho biết, du lịch Cô Tô những năm gần đây thực sự có những thay đổi mang tính đột phá, trở thành một trong những điểm đến đẹp nhất trên bản đồ du lịch biển đảo của Việt Nam.

Mỗi năm, huyện đảo Cô Tô đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch. Hệ thống lưu trú, hạ tầng du lịch cũng được đầu tư phát triển với 300 cơ sở lưu trú, 3200 phòng nghỉ. Trước đây, tình trạng xả rác thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm, nhất là trong mùa du lịch cũng là vấn đề đáng báo động đối với huyện. Những ngày cao điểm mùa du lịch, huyện Cô Tô phải thu gom 20 đến 30 tấn rác thải. Trong đó, riêng lượng rác thải nhựa chiếm khoảng trên 1-2 tấn/ngày.

Trước tình hình đó, Đảng bộ huyện đã phê duyệt Đề án "Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa". Phấn đấu đến năm 2025, 100% các cơ quan, đơn vị, hộ dân, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn huyện Cô Tô không phát sinh rác thải nhựa.

Từ tháng 9/2023 huyện Cô Tô áp dụng thí điểm thực hiện bắt buộc tất cả du khách không mang túi nilon và đồ nhựa dùng một lần ra đảo.

Đến thời điểm hiện tại đã có 5/5 công ty du lịch trên địa bàn huyện Cô Tô đăng ký và tổ chức các Tour du lịch xanh, các cơ sở lưu trú đang thực hiện không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Hiệp hội du lịch Cô Tô đã phát động kêu gọi hàng trăm chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tham gia các hoạt động làm sạch môi trường biển, thu gom rác thải đại dương.

Phát triển du lịch bền vững để kiến tạo tương lai - Bài 2: Nỗ lực "xanh hóa" các hoạt động du lịch - Ảnh 2.

Ca voi xuất hiện tại vùng biển Cô Tô năm 2023.

"Việc rùa biển, cá voi xuất hiện tại vùng biển Cô Tô, Hạ Long, san hô phục hồi trong vùng lõi di sản là một tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy hệ sinh thái, môi trường biển đang ngày càng tốt lên, đặc biệt từ khi tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh việc làm sạch môi trường biển, giảm thiểu rác thải nhựa", ông Nguyễn Hải Hà cho biết.

Bên cạnh đó, theo Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh trong nhiều năm qua các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân tại Quảng Ninh luôn nỗ lực chung tay, tạo dựng môi trường xanh cho hoạt động của ngành du lịch.

Ngành du lịch Quảng Ninh đã phát huy tối đa tiềm năng sẵn có về tự nhiên, văn hóa và con người để tạo ra sản phẩm du lịch xanh, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cũng đã xây dựng khung chương trình hành động về ứng dụng tiêu chuẩn Khách sạn xanh ASEAN và tập trung thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn trong hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch trên toàn bộ địa bàn tỉnh.

Thành phố Hạ Long đã tích cực thực hiện chiến dịch "Xây dựng Hạ Long-Thành phố du lịch không khói thuốc". Thành phố Móng Cái đặt mục tiêu trở thành thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn…

Giảm thiểu tối đa rác thải nhựa trong ngành du lịch

Theo bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, việc loại bỏ các túi nilon khó phân hủy, những chất thải từ các sản phẩm bằng nhựa thải ra môi trường là một trong những khó khăn, thách thức với du lịch địa phương hiện.

"Nhận thức được tác hại to lớn của rác thải nhựa đối với môi trường, cảnh quan và sức khỏe con người, và nhận thức được rằng bảo vệ môi trường rất quan trọng với phát triển du lịch, đây cũng là xu thế của nhiều quốc gia, huyện Gia Viễn nói riêng và Ninh Bình nói chung đã định hướng phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch xanh của Việt Nam", bà Vũ Thị Dược nói.

Phát triển du lịch bền vững để kiến tạo tương lai - Bài 2: Nỗ lực "xanh hóa" các hoạt động du lịch - Ảnh 3.

Khu du lịch sinh thái Đầm Vân Long, Gia Viễn, Ninh Bình

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết, ngay trong năm 2021, UBND huyện đã xây dựng và ban hành Kế hoạch tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn huyện nhằm nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp của các đơn vị có liên quan trong công tác quản lý, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn huyện.

Năm 2023 UBND huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa, tổ chức Phát động chiến dịch "Tuần lễ du lịch xanh" gắn với Đề án giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch Việt Nam. Chiến dịch lần này với mục tiêu nhằm nâng cao trách nhiệm, nhận thức của người dân, cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn môi trường, hiểu rõ tác hại của chất thải nhựa, từ đó có những hành động cụ thể góp phần giảm phát thải chất thải nhựa, phân loại chất thải tại nguồn tiến tới hoàn thiện các tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đồng thời Chiến dịch cũng nhằm quảng bá, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về hình ảnh quê hương, con người Gia Viễn thân thiện, hiếu khách, văn minh với những cảnh quan kỳ thú.

Theo bà Vũ Thị Dược, qua các chương trình như tổ chức các lễ phát động, UBND huyện Gia Viễn đã kêu gọi được sự quan tâm và tham gia tích cực của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải nhựa.

Đặc biệt, việc chọn xã Gia Vân – một xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của huyện Gia Viễn, nơi có Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là Khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam là nơi tổ chức Lễ phát động chiến dịch "Tuần lễ du lịch xanh" gắn với Đề án giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch Việt Nam.

"Với việc lựa chọn một địa điểm có nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên và chiều sâu lịch sử văn hóa, làm nơi tổ chức Lễ phát động cũng là cơ sở để Đảng bộ xã Gia Vân, Uỷ ban MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận xã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào chống rác thải nhựa; Từng hộ gia đình tổ chức tốt việc thu gom và xử lý rác thải, không vứt rác và túi nilon bừa bãi; sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, góp phần bảo vệ môi trường hướng tới du lịch xanh bền vững", bà Vũ Thị Dược chia sẻ.

>>> Còn tiếp

Đăng Nguyên

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×