Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phát triển công nghiệp văn hóa: Từ góc nhìn du lịch văn hóa

11/01/2022 | 17:13

Du lịch văn hóa không còn xa lạ với Quảng Nam, nhưng để được thừa nhận đầy đủ với tư cách là một lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, thật sự trở thành động lực phát triển công nghiệp văn hóa thì cần có thêm những cách nhìn nhận và tiếp cận mới...

Phát triển công nghiệp văn hóa: Từ góc nhìn du lịch văn hóa - Ảnh 1.

Để DLVH phát triển mạnh hơn theo hướng bền vững, cần tạo ra thêm những sản phẩm DLVH như thế này. TRONG ẢNH: Du khách tham quan, chụp ảnh tại con đường thuyền thúng Tam Thanh (Tam Kỳ).

Tiềm năng dồi dào

Quảng Nam là một vùng đất mở, trong quá trình hình thành và phát triển của mình luôn là nơi giao lưu, hội tụ của nhiều nền văn hóa lớn. Nhờ vậy, Quảng Nam lưu dấu nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, đặc trưng với rất nhiều di tích, di sản văn hóa. Quảng Nam có 432 di tích, gồm 4 di tích quốc gia đặc biệt, 63 di tích quốc gia và 365 di tích cấp tỉnh.

Thông qua việc thực hiện quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích và danh thắng; thực hiện đề án tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh; đẩy mạnh phân cấp quản lý cho các địa phương và thực hiện cơ chế để lại nguồn thu từ phí tham quan cho các địa phương để đầu tư trùng tu các di tích,... hầu hết di tích đã được dựng bia, đầu tư phục dựng, đảm bảo tính khoa học, nguyên vẹn và chân xác của di tích...

Riêng với di sản văn hóa phi vật thể, ngoài Nghệ thuật bài chòi đã được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa nhân loại vào năm 2017, Quảng Nam có 13 di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiêu biểu như Múa Tân tung da dá, Nói lý hát lý, Dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu, Trang trí cây nêu và bộ gu của đồng bào Co, Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng, Nghệ thuật Bài chòi, Nghề mộc Kim Bồng, Nghề gốm Thanh Hà, Lễ hội Bà Thu Bồn, Lễ Cầu ngư và hát Bả trạo...

Quảng Nam cũng đang sở hữu lượng lớn hình ảnh, tư liệu lịch sử, văn hóa có giá trị. Cùng với Bảo tàng tỉnh, hệ thống gồm 6 bảo tàng, nhà truyền thống cấp huyện, một nhà truyền thống của lực lượng vũ trang tỉnh, 6 bảo tàng chuyên đề và 3 bảo tàng tư nhân... hiện đang lưu giữ, trưng bày trên 30 nghìn hiện vật; trong đó có 3 bảo vật quốc gia là tượng Ekamukhalinga, đầu tượng thần Siva (được công nhận năm 2015) và mới đây nhất là Đài thờ Mỹ Sơn A10 (công nhận ngày 25.12.2021).

Theo đánh giá của một cán bộ quản lý của Sở VHTTDL, chỉ tính riêng những di sản, di tích, hiện vật đã được kiểm đếm đã cho thấy Quảng Nam có dư địa rất lớn để phát triển du lịch văn hóa (DLVH).

Tuy nhiên, đến nay, ngoài Hội An và Mỹ Sơn, vẫn còn rất nhiều di sản chưa được khai thác một cách đầy đủ và hợp lý để phát triển du lịch. Cũng vậy, phần lớn trong số hơn 60 làng nghề truyền thống, hàng chục lễ hội văn hóa đặc sắc trong cộng đồng cư dân các địa phương mới chỉ dừng lại ở việc đầu tư phục dựng, bảo tồn chứ chưa được khai thác, phát huy đúng nghĩa.

Trừ một số bảo tàng ở Hội An, hầu hết bảo tàng khác chưa trở thành điểm đến thường xuyên của các tour du lịch, chưa trở thành một phần tất yếu của hoạt động DLVH...

Phát huy vị thế "đầu tàu"

Để DLVH của Quảng Nam phát triển mạnh hơn nữa, thật sự trở thành một lĩnh vực quan trọng của công nghiệp văn hóa, rõ ràng không thể chỉ dựa vào và khai thác chủ yếu hai di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Hội An.

Theo thời gian, di tích sẽ mòn đi, nhưng điều đó không đáng lo vì kỹ thuật trùng tu, phục dựng đang phát triển rất mạnh. Nhưng sự cũ mòn trong tiếp cận, khai thác, lan tỏa các giá trị của di tích mới đáng lo, bởi du khách sẽ không trở lại nếu họ biết rằng, cái họ được nghe, được thấy, được chia sẻ... vẫn chỉ có vậy, không hề thay đổi.

Một hướng dẫn viên du lịch ở Khu Di tích Mỹ Sơn kể, có không ít du khách khi đến Mỹ Sơn đã bày tỏ mong muốn được "sờ vào hiện vật". Tức là, ngoài việc nhìn ngắm, nghe thuyết minh, họ còn muốn được dự phần - chỉ một chút thôi, vào việc bảo tồn, phục dựng các tòa tháp ở đây. Đó là một yêu cầu không thể đáp ứng, nhưng cũng đáng để suy nghĩ.

Cũng vậy, khi đến tham quan các di tích, xem các lễ hội văn hóa, rất nhiều du khách muốn được hóa thân thành chủ thể của sự kiện chứ không chỉ tham gia với tư cách là một khán giả.

Trừ Hội An - nơi có các di tích văn hóa dày đặc và hầu hết đã được đưa vào phục vụ du lịch, tại nhiều địa phương khác, việc kết nối, khai thác di sản, di tích văn hóa; khai thác gắn với bảo tồn; xây dựng sản phẩm du lịch mới làm yếu tố phụ trợ... vẫn còn chậm và yếu.

Một tour du lịch chỉ gồm xem đình chùa, miếu mạo... rồi nghe hát hò khoan, dân ca bài chòi,... dù hấp dẫn đến mấy cũng sẽ nhàm, và khó thỏa mãn nhu cầu đa dạng của những du khách khác nhau. Do vậy, tạo thêm sản phẩm, xây dựng thêm các thiết chế mới, hiện đại, độc đáo dựa vào căn tính văn hóa và trên nền tảng các giá trị văn hóa truyền thống xứ Quảng là hết sức cần thiết.

Ở Tam Kỳ, làng bích họa và con đường thuyền thúng Tam Thanh từng là một nơi như thế, tạo ra sức hút rất lớn, trở thành một địa chỉ không thể bỏ qua khi du khách đến Quảng Nam nói chung và Hội An, Tam Kỳ nói riêng.

So với một số địa phương khác, nhất là với các đô thị lớn, việc đầu tư, phát triển cùng lúc 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa là rất khó, bởi những hạn chế nhất định về điều kiện kinh tế, môi trường sản xuất kinh doanh, nhịp độ giao thương, mặt bằng khoa học kỹ thuật...

Tuy nhiên, với sự tác động và ảnh hưởng qua lại của các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, nếu chọn ra được lĩnh vực động lực, đầu tàu để đầu tư phát triển thì các lĩnh vực khác sẽ có cơ hội phát triển theo.

Với Quảng Nam, lĩnh vực đầu tàu ấy có lẽ là DLVH. Bởi lẽ, một khi du lịch phát triển mạnh sẽ kéo theo, tạo ra các yêu cầu, nhu cầu mới về hạ tầng và các dịch vụ khác, và hầu hết đều không nằm ngoài các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm truyền hình và phát thanh.

Xin nêu một ví dụ: Trước đây, khi du lịch mới bắt đầu phát triển, một số họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Hội An đã đưa tranh, ảnh của mình đến ký gửi tại các điểm bán hàng lưu niệm. Sau này, khi du lịch đã phát triển mạnh, kiểu bán hàng ấy giảm hẳn; thay vào đó một số người đầu tư mở cửa hàng riêng, vừa bán tranh, ảnh của mình vừa nhận ký gửi và bán cho đồng nghiệp.

Một số người cũng đã thành lập doanh nghiệp chuyên sản xuất, in ấn, cung cấp tranh ảnh với nhiều kích cỡ khác nhau, kết hợp với tổ chức các chuyến du lịch - nhiếp ảnh (photo tour) cho du khách. Chưa thật sự định hình một cách rõ nét nhưng rõ ràng, những chuyển động ấy trong mỹ thuật, nhiếp ảnh - một trong số 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, đã cho thấy bóng dáng của công nghiệp văn hóa.

Theo Báo Quảng Nam

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×