Phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Yên Bái
17/11/2021 | 16:09Tỉnh Yên Bái là một tỉnh miền núi, là nơi quần cư của 30 dân tộc, trong đó có 13 dân tộc bản địa cùng sinh sống lâu đời. Người Kinh chiếm 42,71%, còn lại là các dân tộc khác (Tày, Thái, Dao, Mông, Mường…) chiếm 57,29%. Đa số các dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu tại các thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái.
Từ cuối năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp nhận nhiệm vụ tham mưu, quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh từ Sở Tư pháp. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị tập huấn cho 110 học viên là cán bộ văn hóa cơ sở và trưởng các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh về hướng dẫn tuyên truyền, triển khai phổ biến Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước và các văn bản có liên quan; biên tập, in, phát hành 2.270 cuốn tài liệu hướng dẫn kiểm tra, rà soát hương ước, quy ước trên địa bàn gửi cơ sở làm tài liệu tuyên truyền; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; chỉ đạo gắn việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước vào thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, việc chấp hành hương ước, quy ước của cộng đồng được coi là tiêu chí để đánh giá, bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” hằng năm.
Trước đây, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các thôn, bản vùng cao, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tình trạng người dân ăn, ở mất vệ sinh còn rất phổ biến. Trâu bò, gia súc, gia cầm còn thả rông hay nhốt dưới gầm, sàn nhà, vừa mất mĩ quan, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân. Công trình vệ sinh không đảm bảo tiêu chuẩn lại đặt ngay sát khu vực nguồn nước sinh hoạt; rác thải vứt bừa bãi khắp nơi. Khá phổ biến trong đồng bào dân tộc thiểu số là việc làm ma cho người thân quá tốn kém, lãng phí tiền của và thời gian. Theo tập quán, khi gia đình có người thân qua đời, họ hàng, nội ngoại sẽ tiến hành tang lễ trong vài ba ngày. Điều đó đồng nghĩa với việc gia đình tang chủ sẽ phải tổ chức ăn uống trong suốt thời gian đó. Số lợn, gà, trâu, bò bị giết và số tiền bỏ ra làm ma tỷ lệ thuận với lượng bà con thân thích đến viếng thăm. Với nhà khá giả còn là gánh nặng, với nhà khó khăn, đó là cả một gánh nợ khổng lồ đè lên vai người còn sống. Rồi tình trạng tảo hôn, chặt phá rừng bừa bãi để đốt nương làm rẫy, vi phạm Luật Giao thông vẫn xảy ra tại một số địa phương…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.364/1.364 thôn, bản, tổ dân phố có hương ước, quy ước đã được công nhận (đạt 100%). Các hương ước, quy ước được xây dựng trên cơ sở là các văn bản quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư thôn, bản tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư như: Việc tổ chức ma chay, cưới xin, bảo vệ trật tự trị an, phát triển sản xuất, khuyến khích học tập, giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống, giải quyết các tranh chấp hoặc những vi phạm nhỏ trong nhân dân, cam kết tham gia quản lý bảo vệ rừng, tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo ăn ở hợp vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường... Các hương ước, quy ước sau khi được công nhận đã được phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn thông qua các hình thức như: Phát các bản hương ước, quy ước đến từng hộ gia đình; phổ biến qua hệ thống truyền thanh của xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố; qua hội nghị của các ban, ngành, đoàn thể; niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nhà văn hóa của thôn, bản, tổ dân phố; đặc biệt là thông qua các cuộc họp thôn, bản, tổ dân phố để phổ biến đến từng hộ gia đình để triển khai thực hiện.
Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước được chính quyền và nhân dân ủng hộ, tích cực thực hiện rộng rãi trên phạm vi toàn tỉnh. Điều đó đã khẳng định rõ vị trí, vai trò và giá trị của hương ước, quy ước đối với việc quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư. Giá trị của hương ước, quy ước thể hiện rõ qua việc góp phần điều chỉnh, giải quyết các mối quan hệ cụ thể của thôn, bản, tổ dân phố mà pháp luật chưa điều chỉnh. Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc thực hiện hương ước, quy ước giúp bà con ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, không gây ô nhiễm môi trường, vận động bà con ăn ở hợp vệ sinh, bài trừ những thủ tục lạc hậu, hình thành những giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc dân tộc, phát huy tính dân chủ tại cơ sở, hạn chế các tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự, an ninh tại địa phương đồng thời góp phần xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng phát sinh một số hạn chế trong quá trình xây dựng và thực hiện hương ước trên địa bàn tỉnh như:
Một là: Nội dung một số hương ước, quy ước còn sơ sài, khó nhớ, không thể hiện được nét đặc trưng của địa phương.
Hai là: Một số hương ước, quy ước vi phạm nguyên tắc xây dựng (như đưa mức xử phạt bằng vật chất vào nội dung của hương ước, quy ước) theo quy định tại Điều 4, Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Ba là: Một số hương ước, quy ước không đúng thẩm quyền công nhận (do UBND cấp xã công nhận, trong khi thẩm quyền công nhận thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện) theo quy định tại Điều 9, Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Những hạn chế nêu trên đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các địa phương rà soát toàn bộ nội dung hương ước, quy ước đã được công nhận trên địa bàn để kịp thời sửa đổi những nội dung không phù hợp hoặc bổ sung những nội dung mới nhằm đảm bảo với nhu cầu thực tiễn. Đến nay, 100% hương ước, quy ước đã được công nhận trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành và điều kiện thực tế tại địa phương./.