Phát huy vai trò của bảo tàng trong đời sống
19/08/2022 | 08:15Bảo tàng có vai trò ngày càng lớn trong đời sống xã hội, là thiết chế tổng hợp, đa chức năng. Cùng với quá trình phát triển của xã hội, việc ứng dụng công nghệ hiện đại để quảng bá hình ảnh, hệ thống hiện vật... tại các bảo tàng đã góp phần đáp ứng nhu cầu, mối quan tâm, kiến thức đa dạng và thỏa mãn nhu cầu giáo dục dành cho công chúng.
Nhận diện vai trò bảo tàng
Trước kia, với nhiệm vụ chính là tuyên truyền, tức là truyền bá một chiều những nội dung được chuẩn bị trước của bảo tàng tới công chúng, các thuyết minh viên trong bảo tàng trở thành những người “thầy” giảng cho “học sinh” - những khách tham quan, và “học sinh” nghe và ghi chép, nhập tâm những thông tin do người thuyết minh cung cấp. Nếu được hỏi, “học sinh” sẽ nhắc lại những gì đã được “thầy” giảng mà không cần suy nghĩ gì thêm. Điều này phản ánh cách học tập truyền thống trong môi trường nhà trường theo kiểu thầy giảng trò nghe, ít tranh luận, chất vấn. .
Cùng với quá trình phát triển của xã hội, công chúng đã có nhu cầu tiếp cận khác. Người đến bảo tàng với mong muốn được trải nghiệm, được giao tiếp, được đối thoại…Theo đánh giá của giới chuyên gia, ở nước ta, nhận thức về chức năng giáo dục của bảo tàng hiện nay đã có nhiều thay đổi, chuyển biến. Hoạt động truyền bá tri thức - giáo dục của bảo tàng không còn là tuyên truyền giới thiệu một chiều những nội dung được chuẩn bị trước của bảo tàng tới công chúng mà là sự trao đổi hai chiều, tác động ảnh hưởng lẫn nhau. Đã có sự thay đổi phương pháp tiếp cận để bảo tàng có thể có nhiều hoạt động giáo dục đa dạng và chất lượng cao hơn nhằm thu hút khách và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Tại một số bảo tàng đã hình thành phòng giáo dục - công chúng, tuyên truyền - giáo dục hoặc có bộ phận, cán bộ chuyên trách về công tác giáo dục. Những hoạt động này gắn với nội dung trưng bày, sưu tập hiện vật của mỗi bảo tàng và gần gũi với một số môn học tại nhà trường. Ngoài ra, để tạo sân chơi bổ ích cho trẻ em, các bảo tàng còn tổ chức những sự kiện mang tính tập thể với những trò chơi thể chất và trí tuệ thu hút sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ nhân dịp các ngày lễ, tết...
PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng bảo tàng phải tiếp tục thay đổi tư duy, trở thành nơi giáo dục trải nghiệm cho những thế hệ nhỏ tuổi. Đó chính là những thế hệ sẽ quyết định số phận của di sản các dân tộc hiện nay.
Ứng dụng công nghệ để phát triển
Trong thời đại 4.0, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tàng trở nên phổ biến, đã và đang làm thay đổi quan điểm, nhận thức và góc tiếp cận đối với vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Từ việc nghiên cứu, tư liệu hoá, số hóa, quản lý tài liệu, hiện vật, bảo quản phòng ngừa, bảo quản trị liệu, cho đến trưng bày, giáo dục, truyền thông, quảng bá… Việc ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong hoạt động bảo tàng mang lại rất nhiều lợi ích.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia, khu trưng bày những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất nhà Quốc hội (Phòng trưng bày khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long) là một trong số ít những nơi đi đầu thực hiện ứng dụng công nghệ hiện đại trong trưng bày và giới thiệu.
Hay như tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong những năm gần đây đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động như các chương trình quản lý hiện vật, thư viện số, hay ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, triển lãm 3D...
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Chúng ta đang sống trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nên những câu chuyện về số hóa, về Big Data rất quan trọng trong xã hội, trong đó có lĩnh vực nghệ thuật. Nếu số hóa được những dữ liệu liên quan đến văn hóa nghệ thuật thì chúng ta có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, giúp chúng ta truyền đi những thông điệp tích cực theo một cách mới, dễ tiếp cận quần chúng nhân dân hơn.
Còn theo TS. Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, để việc ứng dụng công nghệ đạt hiệu quả cần có các quy định pháp luật cụ thể như: Ứng dụng công nghệ trong hoạt động của bảo tàng cần được coi là nhiệm vụ cần thiết được quy định trong Luật Di sản văn hoá; Cần có những quy định cụ thể về đầu tư công cho ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tàng; Quy định về bản quyền công nghệ, bản quyền hình ảnh hiện vật…