Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

12/10/2021 | 08:28

Truyền thống yêu nước, nhân ái, tinh thần cố kết cộng đồng thể hiện qua suốt chiều dài lịch sử của dân tộc chính là cơ sở quan trọng để từ đó hình thành tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã từng khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.”Chúng ta đều chung một tổ tiên dòng họ, đều là ruột thịt anh em... Không ai có thể chia rẽ con một nhà. Không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta”(1). Có lẽ, không một người dân Việt Nam nào lại không thuộc câu thơ, hay đúng hơn chính là chiến lược đại đoàn kết của Bác:

“Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết

Thành công, Thành công, Đại thành công”(2).

Trong suốt cuộc đời đấu tranh cho nền độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm đúng theo chiến lược đó và Người đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ nhất của khối đại đoàn kết toàn dân.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, nhất quán và xuyên suốt để tập hợp lực lượng cách mạng và là nhân tố quyết định sự thành công. Từ thực tiễn cách mạng, Người đã rút ra kết luận: “Sử dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”(3). Và Người khuyên dân ta rằng: “Dân ta xin nhớ chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”(4). Đây chính là con đường đưa dân ta tới độc lập, tự do. Với nhãn quan chính trị sắc bén, với tinh thần nhân văn cao cả, suốt cả cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng xây dựng, hoàn thiện một hệ thống quan điểm về đại đoàn kết dân tộc, tích cực truyền bá tư tưởng đoàn kết trong toàn Đảng và các cấp chính quyền, trong các tầng lớp nhân dân, kể cả đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc phải được xác định là mục tiêu, là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng và Nhà nước được quán triệt trong mọi lĩnh vực, từ đường lối, chủ trương, chính sách đến mọi hoạt động thực tiễn của Đảng.

Theo Người, cách mạng muốn thành công thì đường lối đúng đắn là chưa đủ mà bên cạnh đó, Đảng phải lôi kéo, tập hợp được đông đảo lực lượng quần chúng, tạo thực lực cho cách mạng.Thực lực đó chính là khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Năm 1963, khi nói chuyện với cán bộ tuyên truyền và huấn luyện miền núi về cách mạng xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trước cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến, nhiệm vụ tuyên huấn là làm cho đồng bào các dân tộc hiểu được mấy việc: Một là đoàn kết. Hai là làm cách mạng để kháng chiến đòi độc lập. Chỉ đơn giản thế thôi. Bây giờ, mục đích tuyên truyền huấn luyện là: Một là đoàn kết. Hai là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ba là đấu tranh thống nhất nước nhà”(5).

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra rằng đại đoàn kết dân tộc không phải chỉ là mục tiêu, trách nhiệm của Đảng, mà còn là nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc. Bởi vì cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, phải do quần chúng, vì quần chúng. Từ trong phong trào đấu tranh để tự giải phóng và xây dựng một xã hội mới tốt đẹp, quần chúng nảy sinh nhu cầu đoàn kết và hợp tác. Đảng có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp để tạo ra sức mạnh khối đại đoàn kết, tạo ra sức mạnh tổng hợp.

Khối đại đoàn kết toàn dân phải được xây dựng trên lập trường của giai cấp công nhân, lấy liên minh công - nông - trí làm nền tảng, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nguyên tắc này xuất phát từ nhận thức khoa học: đại đoàn kết không phải là tập hợp các lực lượng xã hội một cách ngẫu nhiên mà phải là một tập hợp bền vững của các lực lượng có tổ chức, có định hướng, có lãnh đạo.

Đại đoàn kết phải dựa trên nguyên tắc tin dân, dựa vào dân, bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”(6). Nguyên tắc quan trọng này bắt nguồn từ sự kế thừa truyền thống của ông cha: “Nước lấy dân làm gốc”, “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”; là sự quán triệt sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn có đại đoàn kết, cần phải tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng một cách khéo léo để mọi người tự giác đoàn kết, từ đó tự nguyện tham gia. Muốn giáo dục, thuyết phục được quần chúng thì điều quan trọng hàng đầu là phải có đường lối, chủ trương đúng đắn, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân.

Bước vào năm 2020, dịch Covid-19 (được đánh giá là dịch bệnh tồi tệ nhất trong khoảng 100 năm trở lại đây) bùng phát ở nhiều nước đã tác động sâu rộng tới sức khỏe và đời sống của cộng đồng quốc tế, tới sự phát triển kinh tế - xã hội trên quy mô toàn cầu. Nước ta cũng không ngoại lệ, dịch bệnh đã làm tê liệt mọi giao thương buôn bán với các nước, cản trở ngành du lịch, dịch vụ và mọi sinh hoạt, học tập của người dân. Xã hội bị xáo trộn, kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là với những người dân nghèo. Rất nhiều gia đình đã mất việc làm, hoặc thu nhập hết sức bấp bênh.

Ngay từ khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên (ngày 23/01/2020), trên cơ sở kinh nghiệm trong việc phòng, chống dịch SARS (năm 2003), cúm A/H1N1 (năm 2009), Việt Nam đã triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của dịch bệnh. Khi tình hình diễn biến phức tạp và lan rộng tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid-19. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt và đúng đắn ngay từ rất sớm, mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 được thành lập đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân.

Đã có nhiều biện pháp quyết liệt được áp dụng trong công tác phòng, chống dịch giai đoạn này như: hạn chế nhập cảnh, dừng nhập cảnh đối với tất cả người từ nước ngoài vào Việt Nam, cách ly tập trung toàn bộ người từ nước ngoài về, khoanh vùng, truy vết người tiếp xúc trên diện rộng... Công tác chống dịch đã có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị của Bộ Y tế; giữa Bộ Y tế với các bộ, ngành liên quan và với các địa phương, qua đó đã huy động được sức mạnh tổng lực với sự tham gia, đồng lòng của toàn thể người dân trong việc ứng phó dịch Covid-19. Thực tế triển khai hoạt động chống dịch tại các địa phương cũng cho thấy có sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự đoàn kết, tương trợ giữa các đơn vị trong ngành y tế, giữa các địa phương trong cả nước.

Với các biện pháp khẩn trương, chúng ta đã khống chế được dịch bệnh ở những đợt đầu và nhanh chóng đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường. Trong năm 2020, Việt Nam được cả thế giới đánh giá như một trong những quốc gia thành công nhất trong việc khống chế với đại dịch với số người nhiễm và tử vong thấp. Nền kinh tế đạt tăng trưởng dương trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch. Thành tích này đặc biệt có ý nghĩa khi nước ta nằm sát cạnh Trung Quốc, quốc gia khởi phát dịch bệnh và có nhiều hoạt động giao thương với nước này.

Đợt dịch thứ 4 bùng phát sau dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5/2021 với các biến chủng mới có đặc tính dễ lây lan hơn gấp nhiều lần. Đặc biệt là sau các đợt dịch trước, nền kinh tế bị ảnh hưởng khá nặng nề, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn nên áp lực vừa chống dịch, vừa phải duy trì kinh tế ổn định đã đặt ra cho công tác chống dịch của nước ta những thách thức to lớn hơn. Điều này đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải tập trung toàn bộ tâm trí và nguồn lực, chung sức, đồng lòng đẩy lùi đại dịch bằng những biện pháp và quyết tâm rất cụ thể.

Tính đến nay đã có 30 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh. Nhiều ca bệnh đã tử vong, số ca mắc Covid-19 hằng ngày tiếp tục tăng cao, có ngày mấy trăm ca, với hàng ngàn trường hợp F1, F2, trong đó đáng lo ngại là có nhiều ca F0 được phát hiện tại cộng đồng. Các địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nghệ An, Phú Yên... là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề. Chưa đầy 1 tháng mà số ca mắc trong nước đã gấp 2 lần cả 3 đợt dịch cộng lại, có thể nói quy mô dịch tăng rất nhanh.

Trước tình hình khẩn cấp này, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự hưởng ứng, đồng tình, trách nhiệm của toàn thể nhân dân với phương châm “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Chính phủ ta không lựa chọn giải pháp dễ làm mà có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta chỉ thực hiện phong tỏa những vùng bị dịch, giãn cách ở những vùng có nguy cơ cao và vẫn đảm bảo duy trì cuộc sống bình thường bằng phương pháp khoanh vùng, cách ly, truy vết, dập dịch. Trong đợt dịch mới này, Việt Nam đã được ghi nhận là điểm sáng trên thế giới về thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, Đảng và Nhà nước thực hiện mục tiêu sớm tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng và việc này cần duy trì hàng năm. Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh nhiều địa phương đang căng mình chống dịch, tối ngày 05/6/2021, tại thủ đô Hà Nội, một sự kiện quan trọng đã diễn ra. Đó là lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng COVID-19 với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã xúc động phát biểu: “Đây là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng, để một lần nữa chúng ta lại ghi danh, viết nên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc - chiến thắng đại dịch COVID-19”(7).

Sau lời kêu gọi của người đứng đầu Chính phủ, chúng ta đã chứng kiến đông đảo nhân dân từ thành thị tới nông thôn, đồng bằng đến miền núi, từ doanh nhân đến những người buôn bán nhỏ, cựu chiến binh, người già về hưu, các em nhỏ, học sinh, sinh viên đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài đều nhiệt tình hưởng ứng và ủng hộ, đóng góp vào Quỹ. Tính đến nay, Quỹ phòng chống covid đã huy động được hơn 110 nghìn tỷ đồng trong toàn dân.

Trong những ngày qua, chúng ta đã thấy sự đồng lòng, quyết tâm của cả nước trong cuộc chiến đấu chống đại dịch. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, mọi tầng lớp nhân dân đã cùng các lực lượng vũ trang, y tế, thanh niên xung kích. ra quân đồng loạt, bất kể ngày đêm để truy vết, ngăn chặn sự lây lan; các lực lượng chính trị nòng cốt ở mọi ngành, mọi giới đã góp sức, góp tiền để tiếp tế nhu yếu phẩm cho đồng bào ở khu vực phong tỏa, hỗ trợ trang thiết bị bảo vệ sự lây nhiễm cho lực lượng đang túc trực ở tâm dịch; những bếp lửa ấm tình đồng bào được duy trì để tiếp cơm nước cho chiến sĩ, dân, quân ở mặt trận phòng, chống dịch; cỗ máy ATM gạo lại khởi động để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Tất cả những nghĩa cử cao đẹp ấy được kết tinh từ truyền thống “máu chảy ruột mềm”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta thể hiện trong những giai đoạn khó khăn.

Những hành động này làm chúng ta nhớ đến lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lịch sử đã chứng minh, khi đất nước gặp khó khăn, tinh thần đoàn kết, sức dân là vũ khí lợi hại nhất để chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù và viết nên những chiến thắng vẻ vang của dân tộc, như Bác Hồ kính yêu đã căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Năm 1945, trước những khó khăn chồng chất của tình thế cách mạng ngàn cân treo sợi tóc, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào ta trên mọi miền đất nước đã nhiệt tình ủng hộ “Tuần lễ vàng” với tinh thần “người có ít góp ít, người có nhiều góp nhiều”, tạo nên “Quỹ Độc lập”, góp phần thiết thực đưa công cuộc kháng chiến, kiến quốc đến thành công. Tại Hội nghị chính trị đặc biệt năm 1964, một hội nghị “Diên Hồng” của thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Bác Hồ đã kêu gọi: “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”. Lời kêu gọi ấy của Bác nhanh chóng trở thành lời hiệu triệu cả miền Bắc hậu phương thi đua, tạo sức mạnh tổng lực: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân và dân miền bắc đã tay cày, tay súng, thực hiện “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, vừa xây dựng vừa chiến đấu bảo vệ miền Bắc, vừa sẵn sàng chi viện, đáp ứng mọi nhu cầu của tiền tuyến. Ý thức đoàn kết dân tộc, “trên dưới một lòng”, thống nhất “ý Đảng lòng dân”, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được nâng lên thành tư tưởng: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công”. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 chính là biểu tượng của sự hội tụ và tỏa sáng tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam được gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác và được phát huy cao độ dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh. Truyền thống ấy càng tỏa sáng khi đất nước gặp khó khăn, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh... Và một lần nữa, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 này, sự đồng lòng của nhân dân chắc chắn sẽ là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình yên.

Chú thích:

1.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.469,470.

2.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 1, tr.14.

3.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.256.

4.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002,tập 3, tr.206.

5.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 5, tr.130.

6.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.544.

7.       http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx- ?distributionid=433777

Theo KDT Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×