Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phát huy giá trị di sản văn hóa

11/06/2021 | 09:20

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có quyết định công nhận Trung tâm Phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi (Trung tâm DSVH) là điểm du lịch văn hóa của tỉnh. Hoạt động mới 2 năm, nhưng nơi đây không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của Quảng Ngãi, mà còn là điểm kết nối, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.

Phát huy giá trị di sản văn hóa - Ảnh 1.

Trung tâm Phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi thường xuyên đón học sinh đến tham quan.

Điểm kết nối di sản

Nằm ở trung tâm TP.Quảng Ngãi, Trung tâm DSVH đang sở hữu hơn 60.000 cổ vật của 9 con tàu cổ bị đắm trên vùng biển Việt Nam vào thế kỷ XIII- XVIII. Những cổ vật này phần nào "giải mã" về "con đường gốm sứ trên biển" vang bóng một thời tại vùng biển Quảng Ngãi. 

Công ty CP Đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương là đơn vị đầu tư xây dựng Trung tâm DSVH. Nét nổi bật tại trung tâm là không gian khai quật tàu cổ Bình Châu 700 năm tuổi, bộ sưu tập gốm cổ Chu Đậu lớn nhất Việt Nam, cùng với khu nhà rường 300 năm tuổi còn nguyên vẹn. Thời gian qua, du khách đến với Trung tâm không chỉ được tham quan, tìm hiểu về các nền văn hóa cổ với bí ẩn văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa và Đại Việt thông qua kiến trúc và kỹ nghệ mà còn được tìm hiểu thông tin về địa chất, địa mạo Lý Sơn - Sa Huỳnh...

Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương Đoàn Sung cho biết: Tháng 1/2020, Trung tâm DSVH đi vào hoạt động, đến nay đã triển khai hàng loạt hoạt động theo nhiều chủ đề như: Hành trình khai quật tàu đắm Bình Châu 700 năm tuổi, với việc phục dựng mô hình của một phần con tàu nguyên trạng như khi được phát lộ cùng hàng nghìn cổ vật từ thế kỷ XIII; tiếp đến là "con đường gốm sứ trên biển", với bộ sưu tập của 9 con tàu đắm trên vùng biển Việt Nam; trải nghiệm trò chơi văn hóa dân gian; phối hợp cùng Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và các đơn vị 2 lần tổ chức "Chợ phiên văn hóa miền núi", có sự tham gia của nhiều nghệ nhân trong tỉnh, tạo điểm đến giao lưu văn hóa, ẩm thực, mua hàng lưu niệm...

Nghệ nhân Phạm Thị Y Hòa, ở xã Ba Thành (Ba Tơ) cho biết: "Năm 2020, thông qua Chợ phiên văn hóa miền núi, chúng tôi đã tái hiện quá trình dệt thổ cẩm độc đáo của phụ nữ Hrê ở Làng Teng, xã Ba Thành để giới thiệu đến du khách. Những phiên chợ được Trung tâm DSVH tổ chức là dịp quảng bá nét đẹp, đặc trưng văn hóa đặc sắc miền núi đến với người dân và du khách".

Trung tâm văn hóa đa chức năng

Không chỉ là điểm du lịch, thời gian qua, Trung tâm DSVH đã có nhiều hoạt động kết nối, cung cấp các chương trình tham quan học tập, trải nghiệm văn hóa, giáo dục di sản đến học sinh và du khách. Đặc biệt, các em học sinh trải nghiệm vừa học, vừa chơi giúp bồi đắp thêm kiến thức về giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của Quảng Ngãi.

Tính đến nay, Trung tâm DSVH đã tổ chức các chương trình tham quan, học tập và trải nghiệm văn hóa cho hơn 22.000 lượt học sinh, sinh viên, du khách; tổ chức giao lưu âm nhạc đương đại với quy mô nhỏ hằng tháng, hằng quý. Đơn vị cũng phối hợp Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tổ chức sự kiện "Trung thu ấm áp tiệc trăng" mang lại sân chơi cho trẻ em và góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa đặc trưng của ngày tết Trung thu như làm lồng đèn, bánh trung thu, xem đấu lân, các trò chơi văn hóa dân gian...

"Trung tâm DSVH sẽ được xây dựng theo hướng trung tâm văn hóa đa chức năng, vừa phát huy giá trị di sản văn hóa, vừa là nơi vui chơi, giải trí có tính chất hướng nghiệp, góp phần giáo dục tình yêu quê hương, đất nước cho lớp trẻ và cư dân địa phương. Chúng tôi sẽ giữ vai trò kết nối, điều phối để ký kết với các địa phương, đơn vị nhằm phát triển Trung tâm trở thành nơi xúc tiến thương mại cho đặc sản, sản phẩm OCOP trên toàn tỉnh và cũng là nơi để các nghệ nhân tham gia trình diễn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc nhằm thu hút du khách...", ông Đoàn Sung nói.

Theo baoquangngai.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×