Phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn
27/12/2021 | 08:50Việc bảo tồn cũng như phát huy giá trị của Châu bản triều Nguyễn trong đời sống hiện nay đang là một trong những vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm.
Pho sử quý
Châu bản triều Nguyễn là một loại hình tài liệu Hán - Nôm. Đây là các văn bản hành chính hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của triều Nguyễn (1802 - 1945), bao gồm văn bản do các Hoàng đế ban hành, văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên Hoàng đế phê duyệt bằng mực son và một số văn kiện ngoại giao.
Châu bản cũng là văn bản hành chính duy nhất còn lại có bút tích phê duyệt của các Hoàng đế triều Nguyễn với các hình thức ngự phê phong phú và độc đáo như: Châu điểm, Châu phê, Châu khuyên, Châu mạt, Châu sổ... Là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến, có giá trị nổi bật về nội dung bởi những thông tin phong phú, phản ánh toàn bộ lịch sử, đời sống kinh tế xã hội, con người Việt Nam thời kỳ bấy giờ.
Châu bản chứa đựng thông tin sự kiện có tính xác thực, phục vụ cho công tác quản lý xã hội và được tiếp nhận, xử lý bởi chính các vua triều Nguyễn. Theo các chuyên gia đánh giá, đây là hình thức văn bản được triều Nguyễn quy định chặt chẽ thông qua những bằng chứng khó có thể làm giả: Con dấu, chữ viết của nhà vua… Các loại văn bản trên Châu bản triều Nguyễn bao gồm dụ, chiếu, chỉ, thân, bản kê, tấu, sớ, bản dịch văn bản ngoại giao và các dạng công văn khác.
Trải qua thời gian hàng trăm năm, Châu bản triều Nguyễn tuy có bị hư hỏng, xuống cấp do khí hậu, chiến tranh, điều kiện bảo quản... nhưng vẫn được lưu giữ đến hôm nay, trở thành một trong những khối tài liệu lưu trữ đặc biệt quý hiếm.
Năm 2017, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Thế nhưng kể từ đó đến nay, Châu bản vẫn chưa được phát huy đúng với giá trị vốn có của nó. Đây cũng là một trong những nỗi lo của nhiều chuyên gia về việc khi một di sản được công nhận và vinh danh.
Theo TS Vũ Đức Liêm - Châu bản triều Nguyễn là bằng chứng rõ ràng và sống động phản ánh quá trình thiết chế hóa, chuẩn hóa quyền lực ở Huế diễn ra trong thời kỳ vua Minh Mệnh. Châu bản cho thấy vua Minh Mệnh đã tạo ra nhiều thay đổi lớn trong phong cách thực hành chính trị và hành chính ở Huế.
Khai thác, phát huy giá trị trên nền tảng công nghệ
Trong văn hóa, lưu trữ chính là lưu lại văn hóa của dân tộc. Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: “Đây là di sản mà nhà nước nên đầu tư, quốc ngữ hóa để cộng đồng được xem. Hiện nay chúng ta đã bước vào thời kỳ công nghệ, mà mục tiêu số hóa là mục tiêu chiến lược. Để lưu trữ Châu bản phát huy được nên tạo những công cụ hỗ trợ cho người đọc tìm kiếm trên nền công nghệ”.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho rằng, Châu bản là khối tài liệu hành chính quan trọng của triều Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Đây thực sự là những tư liệu quý bởi không phải triều đại phong kiến nào hay bất cứ vị quân vương của quốc gia nào cũng có được.
Có một thực tế cần phải nhìn nhận việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của các di sản không chỉ là trách nhiệm của từng cơ quan đơn lẻ mà cần có sự hỗ trợ, định hướng của các cơ quan chức năng cùng chung tay góp sức của toàn xã hội.
Ông Duy Thăng mong muốn các nhà khoa học, các nhà quản lý, công chúng quan tâm yêu quý, trân trọng di sản và tài liệu lưu trữ tiếp tục khẳng định giá trị quý báu của Châu bản triều Nguyễn. Bên cạnh đó cũng cần đánh giá những việc đã làm được và chưa làm được trong thời gian qua, đề xuất những ý tưởng mới để bảo tồn, khai thác và phát huy tốt hơn nữa giá trị của Di sản tư liệu này.
Vậy làm thế nào để có thể bảo tồn cũng như phát huy được những giá trị của một Di sản quý trong thời kỳ công nghệ số đang phát triển như vũ bão hiện nay. Làm sao để nguồn tư liệu quý giá này có thể được phổ biến tới công đồng?... Đây là một trong số những vấn đề được nhiều người quan tâm.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia I, cho biết: “Trung tâm vẫn liên tục duy trì thông tin về Châu bản trên các trang điện tử. Đặc biệt trong 2 năm qua, do không tổ chức được các sự kiện trực tiếp, trung tâm đã tổ chức triển lãm ảo 3D Giáo dục triều Nguyễn qua Di sản tư liệu Châu bản - Mộc bản. Tới đây trung tâm có kế hoạch tăng cường giới thiệu Châu bản triều Nguyễn vào trường học giúp học sinh, sinh viên tiếp cận với tư liệu lịch sử này”.