Phát huy các giá trị di sản về Bác Hồ trên đất Huế
18/05/2021 | 07:00Thừa Thiên Huế vinh dự là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gia đình của Người sống, lao động, học tập và tham gia hoạt động yêu nước trong khoảng thời gian 10 năm (trong hai giai đoạn 1895 - 1901 và 1906 - 1909, khi Người ở lứa tuổi từ năm đến 11 tuổi, và từ 16 đến 19 tuổi).
Chính nơi đây đã góp phần hun đúc và bước đầu hình thành tư tưởng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước. Với gần 20 di tích và địa điểm lưu niệm về Bác Hồ và gia đình Người tại Thừa Thiên Huế, trong đó hệ thống bốn di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, đó vừa là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời là điều kiện, là cơ hội để phát huy giá trị di sản về Bác Hồ trên đất Huế.
Những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống
Chúng tôi về làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang thăm Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngôi làng nằm bên con sông Phổ Lợi chính là miền quê nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thời gian sinh sống khi còn niên thiếu trong những năm 1898 - 1900, khi theo cha về đây dạy học. Theo sử liệu, năm 1898, sau khi thi Hội lần thứ hai không đỗ, ông Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) được gia đình ông Nguyễn Sĩ Ðộ, làm chức Hương bộ tại làng Dương Nỗ, mời về nhà dạy học. Ông Nguyễn Sinh Sắc đem theo hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (Bác Hồ) để có điều kiện dạy học cho hai con. Nhà lưu niệm là căn nhà gỗ nhỏ bé với kiến trúc xưa ba gian hai chái, mái lợp bằng tranh, được bài trí bởi những vật dụng đơn sơ. Gian giữa kê bộ phản gỗ để ông Nguyễn Sinh Sắc ngồi dạy học, hai bên là hai bộ phản để học trò ngồi; gian bên trái kê chiếc giường gỗ là nơi ba cha con nằm ngủ; gian bên phải kê chiếc rương đựng đồ; hai chái hai bên là nơi sinh hoạt và cất thực phẩm. Nối với nhà chính là nhà bếp. Cách bài trí giản dị với hai hàng dâm bụt được cắt xén gọn gàng, ngay ngắn ở lối vào, chung quanh nhà là những hàng cau, cây sứ, cây ăn quả, cùng những vật dụng thường nhật là chiếc chum, vại, gáo múc nước… Ngôi nhà như tái hiện lại cuộc sống của Người và gia đình ở Huế những năm cuối thế kỷ 19. Nơi đây lưu giữ bao kỷ niệm của Bác Hồ thời niên thiếu. Ngôi nhà được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 26-3-1990 và mỗi năm đã đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan. Làng Dương Nỗ còn có di tích Đình làng Dương Nỗ - một di tích tiêu biểu trong hệ thống di tích lưu niệm về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời gian Người cùng anh theo cha về sinh sống, học tập tại đây (1898 - 1900). Ngoài giá trị là di tích lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đình Dương Nỗ còn mang những giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa tiêu biểu của một thiết chế văn hóa làng xã Việt Nam trên đất Huế, với những nét đặc trưng và phong cách độc đáo. Đình làng đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa và nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 23-12-1995.
Những ngày tháng Năm lịch sử hằng năm, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nỗ luôn tấp nập du khách đến tham quan, dâng hương lên Bác. Du khách không chỉ thăm ngôi nhà giản dị, gợi nhớ về thời niên thiếu của Bác mà còn như được trở về, đắm mình trong khung cảnh làng quê Việt Nam với ngôi đình, dòng sông, cây đa, bến nước… Chị Nguyễn Thị Vân Quỳnh, thuyết minh viên Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thừa Thiên Huế, người thường có ca trực hằng tuần tại nhà lưu niệm không giấu được xúc động khi giới thiệu về di tích cho du khách. Chị Quỳnh nói: “Dù đã nhiều lần thuyết minh, giới thiệu đến du khách về các hiện vật, kỷ vật liên quan đến Bác Hồ và gia đình Người tại di tích này nhưng lần nào tôi cũng có cảm xúc dâng trào. Bởi trên hết, đó chính là lòng biết ơn vô hạn về sự hy sinh vì lý tưởng độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân mà Người đã hiến dâng trọn cả cuộc đời”...
Nhà lưu niệm Bác Hồ ở số 112 (số mới 158) Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc, TP Huế, cũng là một trong những địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống. Đây là di tích quan trọng vào bậc nhất trong hệ thống di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế. Ngôi nhà lưu niệm này là nơi chất chứa biết bao kỷ niệm của gia đình Bác Hồ trong quãng thời gian 1895 - 1901. Đây là ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống khi theo gia đình vào Huế lần thứ nhất, những năm 1895 - 1901. Theo sử liệu, năm 1894, ông Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) thi đỗ Cử nhân ở trường thi Hương Nghệ An. Năm 1895, ông vào Huế thi Hội nhưng không đỗ. Để chuẩn bị cho kỳ thi tiếp theo ông xin vào học trường Quốc Tử Giám - Huế và được chấp nhận. Ông về quê bàn với gia đình đưa vợ con cùng vào Huế để gia đình có điều kiện giúp đỡ ông học hành, và ông cũng có thời gian chăm sóc và nuôi dạy các con. Đến Huế nhờ người quen giới thiệu ông đã thuê được một gian nhà nhỏ ở đường Đông Ba, là ngôi nhà di tích hiện nay. Những kỷ vật trong ngôi nhà rường truyền thống như giá sách, khung cửi, mâm cơm… gắn liền với thời thơ ấu của Bác Hồ. Tại ngôi nhà này, bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Bác Hồ) đã sinh người con thứ tư tên tạm đặt là Xin và cũng là nơi bà đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 33 vào ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (tức 10-2-1901). Bà Hoàng Thị Loan qua đời để lại cậu bé Nguyễn Sinh Cung lúc ấy mới 11 tuổi, người em tên Xin mới chào đời, chẳng bao lâu cũng mất. Ngôi nhà được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 2-2-1993. Nhiều du khách trong và ngoài nước đã không tránh khỏi bất ngờ và ngạc nhiên khi nhìn thấy những hiện vật bình dị, đơn sơ của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại được trưng bày tại Nhà lưu niệm 112 Mai Thúc Loan. Chúng tôi nhớ lại cảm tưởng của một du khách người Pháp từng cho biết ở đây: “Chúng tôi biết Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam giải phóng dân tộc nhưng không hình dung được tuổi thơ của ông lại trải qua thời kỳ gian khó như thế. Và thật kỳ diệu khi Người đã trở thành danh nhân văn hóa thế giới. Chính vì thế, mỗi lần đến Huế, tôi và bạn bè thường đến đây tham quan để hiểu rõ hơn về những di tích văn hóa, những câu chuyện lịch sử liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Phát huy giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt
Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế, nói đến di sản Hồ Chí Minh ở Huế là nói đến một hệ thống gồm các di tích, địa điểm di tích lưu niệm gắn với thời niên thiếu của Người và gia đình ở Thừa Thiên Huế những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Sau di tích 112 Mai Thúc Loan, di tích Trường Quốc Học - Huế, Đình làng Dương Nỗ, Tòa Khâm sứ Trung kỳ, di tích Tam Tầng, di tích Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, Am Bà, Bến Đá, địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan… cũng lần lượt được lập hồ sơ khoa học và hai trong số đó đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.
Ở Thừa Thiên Huế không chỉ có các di tích, địa điểm di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn có các công trình tưởng niệm, tượng đài là nơi ghi tạc tấm lòng của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế với Người. Trường Quốc Học Huế (nay là Trường THPT chuyên Quốc Học Huế), một trong những di tích nằm trong hệ thống di tích và điểm di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người ở Thừa Thiên Huế (Trường Quốc Học được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 26-3-1990). Là ngôi trường gắn bó với những năm tháng học tập của người thanh niên Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) niên khóa 1908 - 1909. Thời gian học ở đây, Người đã được tiếp xúc với văn hóa, văn minh phương Tây, được học nhiều thầy giáo tiến bộ và tham gia các hoạt động yêu nước. Tỉnh Thừa Thiên Huế chọn Trường Quốc Học để xây dựng tượng đài Nguyễn Tất Thành. Một cuộc thi sáng tác mẫu tượng đã được mở ra, tác phẩm của nhà điêu khắc Vương Học Báo được tỉnh Thừa Thiên Huế lựa chọn. Bức tượng Nguyễn Tất Thành uy nghi mà gần gũi, bình dị, trở thành biểu tượng của ngôi trường bên dòng Hương Giang.
Hình tượng người thanh niên Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) tham gia phong trào đấu tranh chống thuế của nhân dân Thừa Thiên Huế năm 1908 cũng được xây dựng tại địa điểm di tích Tòa Khâm sứ Trung kỳ (32 đường Lê Lợi, TP Huế). Biểu tượng diện tích 72 m2, được đúc bằng bê-tông cốt thép theo hình mẫu một búp sen hình tháp, hai bên có hai cánh liềm, trên đỉnh là biểu tượng ngọn bút, trọng tâm là bức phù điêu bằng đồng thể hiện nội dung người thanh niên Nguyễn Tất Thành tham gia phong trào chống thuế của nông dân Trung kỳ tại Tòa Khâm sứ Trung kỳ năm 1908; mặt sau bức phù điêu có hình hoa sen năm cánh. Toàn bộ công trình biểu tượng được bao quanh bởi hệ thống sân vườn và tường rào, có hệ thống điện chiếu sáng. Chính tại đây, năm 1908, diễn ra sự kiện lịch sử có quy mô và tầm cỡ trong lịch sử cận đại Việt Nam - phong trào đấu tranh chống thuế của nông dân Trung Kỳ diễn ra tại chín tỉnh làm chấn động cả nước và dư luận chính giới Pháp, làm cho thực dân Pháp và phong kiến tay sai vô cùng hoảng sợ. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành tham gia vào đoàn biểu tình để phiên dịch cho nông dân. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong tư tưởng cứu nước, cứu dân của Người trước tuổi 20, là sự kiện mở đầu cho hồ sơ chính trị của nhà cách mạng, vị lãnh tụ lỗi lạc Hồ Chí Minh.
Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thừa Thiên Huế, bà Lê Thùy Chi cho biết: nhiều năm qua, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế trân trọng gìn giữ, trùng tu tôn tạo. Đáng mừng là ngày 31-12-2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2280/QĐ-TTg xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế, gồm bốn di tích: Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 112 Mai Thúc Loan (phường Thuận Lộc, TP Huế); Trường Quốc Học (12 Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, TP Huế); Đình làng Dương Nỗ và Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, huyện Phú Vang). Gần đây, UBND tỉnh cũng đã thông qua Đề án “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch”. Đây là điều kiện thuận lợi, là cơ hội và động lực để Thừa Thiên Huế khai thác, phát huy các giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Huế.
Theo bà Lê Thùy Chi, do vật liệu ở một số điểm di tích, như nhà lưu niệm Bác Hồ được làm bằng tranh tre nên cần có biện pháp nghiên cứu, tôn tạo để phát huy tốt hệ thống di tích Bác Hồ. Bên cạnh đó, không gian văn hóa của di tích cũng cần được đầu tư mở rộng. Bảo tàng đã lên phương án phát huy giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước mắt, Bảo tàng hướng đến việc xây dựng hệ thống nhận diện di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế qua biểu tượng (logo); xây dựng đề án phát huy giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó chú trọng trùng tu, tôn tạo các di tích, xây dựng tuyến tham quan di tích, tổ chức các hội thảo xúc tiến, khảo sát du lịch để các hãng lữ hành cùng tham gia. Với di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nỗ, Bảo tàng đề xuất cần có điểm đỗ xe để khách có thể đi bộ ngắm cảnh dọc bờ sông Phổ Lợi, tham quan đình làng và di tích. Cùng với việc nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp và người dân địa phương trong việc bảo vệ, tạo cảnh quan cho di tích, bảo tồn, phát huy di sản, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thừa Thiên Huế đang đầu tư về con người, tổ chức sưu tầm các tư liệu, hiện vật liên quan phong phú hơn; đổi mới hệ thống thuyết minh, giới thiệu, quảng bá, tuyên truyền, từ đó khai thác, phát huy giá trị di sản về Bác Hồ ở xứ Huế một cách tương xứng.
Di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người để lại ở Thừa Thiên Huế là niềm vinh dự, tự hào, là tài sản vô giá cho mảnh đất và con người xứ Huế. Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản này để lan tỏa mãnh liệt từ thế hệ này đến thế hệ khác vì vậy luôn được xác định vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm nặng nề của Đảng bộ chính quyền và người dân tỉnh Thừa Thiên Huế.