Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phát hiện mới về kinh đô Thăng Long

15/12/2015 | 16:32

Năm 2015, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật thăm dò khu vực phía bắc di tích Đoan Môn với tổng diện tích gần 1.000 m2, gồm 3 hố (H1, H2 và H3) nhằm nghiên cứu khu vực không gian Chính điện Kính Thiên.

Kết quả cho thấy đây là khu vực lưu giữ nhiều tầng văn hóa qua nhiều triều đại, thời kỳ khác nhau của lịch sử kinh thành Thăng Long nói chung và của nước Việt nói riêng.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, cuộc khai quật năm 2015 cùng với các cuộc khai quật năm 2002 và 2011 đã đem lại các nhận thức có tính “đột biến” đối với việc nghiên cứu các dấu tích của kinh đô Thăng Long.

Những gì thu được cho thấy, từ Vườn Hồng, qua 18 Hoàng Diệu đến khu vực điện Kính Thiên, cấu trúc địa tầng và các tầng văn hóa mang tính chất thống nhất rất cao, với nhiều lớp văn hóa từ Đại La qua Đinh, Tiền Lê-Lý-Trần-Lê sơ-Mạc-Lê Trung hưng và Nguyễn.

Các di tích của các thời kỳ này dày đặc, đan xen, chồng xếp liên tiếp. Các bố cục, các cấu trúc mặt bằng, các loại vật liệu, các kĩ thuật xây dựng được đan xen, thay đổi liên tục. Trong phức hợp di tích kiến trúc đó bước đầu có thể nhận ra một phần bố cục quy chỉnh, cân đối của thời Lý.

Tuy nhiên, dựa trên những cơ sở khoa học, cơ quan khai quật nhận định đây chỉ là một giả thiết bước đầu.

Sang thời Trần, trong thế kỷ 13, nhà Trần sử dụng về cơ bản bố cục kiến trúc thời Lý nhưng có xây dựng và sửa chữa thêm rất nhiều. Khối lượng các mảng trang trí kiến trúc thời Trần chiếm số lượng lớn gấp bội so với thời Lý đã chứng minh cho điều đó. Từ cuối thế kỷ 14, có nhiều sửa chữa và xây dựng do đó diện mạo khu vực Kính Thiên thời Trần thay đổi rất lớn và hiện nay đang rất khó nhận biết.

Sau 20 năm xâm lược của nhà Minh, qua các tầng văn hóa, có thể thấy rõ nhà Lê sơ đã quy hoạch và làm mới hoàn toàn Thăng Long. Đến thời Lê Trung hưng, về cơ bản một lần nữa tiếp tục làm mới hoàn toàn Thăng Long (trừ lan can thềm rồng điện Kính Thiên) nhưng bố cục chung không có nhiều thay đổi. Dấu tích của hai lớp sân Đại Triều, hai lớp hành lang, hai móng tường Đoan Môn ở Vườn Hồng đã chứng minh rõ điều đó.
 
Theo đánh giá của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội, khu di sản Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long mặc dù trong một phần diện tích khai quật nhỏ hẹp nhưng đã đem lại những nhận thức khoa học và giá trị vô cùng to lớn về quy mô, cấu trúc của Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long trong lịch sử. Trong quá trình khai quật, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội cũng đã chủ trương vừa triển khai nghiên cứu vừa tích cực tuyên truyền một phần giá trị của hố khai quật cho nhân dân vào dịp Tết Nguyên đán.

Đồng thời, cuộc khai quật cũng đã cung cấp nhiều hiện vật quý hiện đang trưng bày tạm thời ở 18 Hoàng Diệu và nhà N26 góp phần giới thiệu kịp thời giá trị của di sản với công chúng theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Bộ VHTTDL và khuyến nghị của UNESCO.


Kết quả của Cuộc khai quật thăm dò khu vực Điện Kính Thiên đã góp phần làm rõ thêm giá trị toàn cầu của di sản thế giới Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long. Càng chứng minh giá trị di sản thế giới của khu vực này.

Một số kết quả nổi bật của cuộc khai quật thăm dò điện Kính Thiên năm 2015

Về địa tầng, kết quả khai quật tiếp tục xác định khu vực Điện Kính Thiên có nhiều tầng văn hóa dày, có niên đại kéo dài từ thế kỷ 8-9 đến thế kỷ 19-20. Trong đó đáng lưu ý, các tầng đất đắp thời Lý rất dày (1,15 m) và Đại La thế kỷ 9 đến thế kỷ 10 dày khoảng 50 cm.

Về di tích: Có thể nhận xét kết quả theo trật tự niên đại từ thời Lý trở đi như sau:

Thời Lý: Tiếp tục xác định rõ thêm cấu trúc và quy mô của các dấu tích kiến trúc thời Lý ở đây. Đường nước lớn thời Lý rõ ràng có cấu trúc phức tạp hơn dự kiến ban đầu rất nhiều. Nếu như trong các cuộc khai quật thăm dò năm 2013 và 2014, các nhà khoa học chỉ đoán đường nước này chạy lên phía Bắc để bao quanh khu vực điện Kính Thiên.

Thời Trần: Qua nghiên cứu việc sử dụng lại đường nước lớn thời Lý, những người khai quật tạm giả thiết trong thế kỷ 13 khu vực này vương triều Trần về cơ bản sử dụng lại dấu tích kiến trúc thời Lý. Nhưng từ cuối thế kỷ 14 trở đi, tình hình xây dựng ở đây có nhiều biến đổi lớn. Đó là việc xây dựng đường nước thời Trần gần như song song với đường nước thời Lý. Đường nước lớn thời Lý sau một thời kỳ được sử dụng lại cũng được lấp dần.

Thời Lê sơ và Lê Trung hưng, các gian nhà hành lang thời Lê Trung hưng nằm chồng lên kiến trúc thời Lê sơ với các móng cột có kích thước rất lớn được bắt góc nối liền về phía Đoan Môn. Hành lang này có một kiến trúc có móng cột hình chữ nhật tạm đoán là kiến trúc cổng phía Tây của hành lang. Như vậy không gian chính điện thời Lê sơ và Lê Trung hưng đã được làm khá rõ ở góc Tây Nam.


Theo Chinhphu.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×