Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phát hiện con đường cổ từ tháp K vào trung tâm Mỹ Sơn xưa

17/08/2023 | 22:00

Quá trình thăm dò khảo cổ tại phế tích ở khu vực tháp K, khu đền tháp Mỹ Sơn, lần đầu tiên đã phát lộ một con đường cổ dẫn từ tháp K vào khu trung tâm đền tháp.


Phát hiện con đường cổ từ tháp K vào trung tâm Mỹ Sơn xưa - Ảnh 1.

Tháp K Mỹ Sơn.

Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (Duy Xuyên, Quảng Nam) vừa phối hợp với Viện Khảo cổ do TS Nguyễn Ngọc Quý chủ trì tiến hành khai quật thăm dò khảo cổ học phế tích kiến trúc đường dẫn ở khu vực tháp K Mỹ Sơn. Báo cáo kết quả sơ bộ sau một tháng tiến hành khai quật cho biết, đoàn đã mở 5 hố thăm dò khảo cổ, mỗi hố có diện tích 4m2, hướng hố được đặt theo hướng của di tích.

Cụ thể, ở khu vực phía Đông Nam (phía sau) tháp K mở 2 hố thăm dò, hố 1 cách tháp K khoảng 80m, tháp 2 cách khoảng 30m, ở hai hố này bước đầu xuất lộ hai tường gạch bao phía Bắc và phía Nam của đường đi chạy dọc theo hướng Đông - Tây. Hai tường này của một đường dẫn nối tiếp hai đoạn tường đã được phát lộ vào năm 2017 từ tháp K hướng về trung tâm. Ở mặt phía Tây (phía trước) của tháp K mở 3 hố thăm dò, phát hiện dấu tích móng đầm của con đường đi từ ngoài vào cửa tháp K. Theo đánh giá của TS Nguyễn Ngọc Quý, những kết quả ban đầu cho thấy từ mặt Đông Nam tháp cổng K có hai tường bao được xây dựng bằng gạch chạy song song hai bên đường dẫn từ tháp K vào các khu đền tháp trung tâm. Mặt Tây Bắc của tháp cổng K có dấu vết của đường dẫn từ tháp K ra hướng suối và cũng là hướng về khu Nhà Đôi, tuy nhiên chưa thấy dấu vết của tường bao như phía mặt Đông Nam, có thể ở mặt này là một không gian mở.

Kết quả thực tế khảo sát và thăm dò tại hiện trường có thể nhận thấy kiến trúc tường bao đã xuất lộ trong hố thăm dò 1 (TD1), TD2 là đoạn nối dài với tường bao bắt đầu từ cửa phía Đông tháp K. Toàn bộ đoạn tường bao đường đi ở phía Đông tháp K đã xuất lộ dài khoảng 65m, chiều rộng của con đường bao gồm cả hai tường bao là khoảng 9m, chiều rộng lòng đường khoảng 8m. Trong đó, có khoảng 20m con đường đã xuất lộ trong đợt trùng tu của dự án hợp tác Ấn Độ - Việt Nam tại tháp K năm 2017-2018. Được biết, từ năm 2017-2022, với sự hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ, các chuyên gia Cơ quan Nghiên cứu Khảo sát, Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) cùng các chuyên gia Việt Nam, Ban quản lý Di sản Mỹ Sơn triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo 3 Khu tháp A, H và K Mỹ Sơn.

Năm 2017, trong quá trình khai quật và trùng tu khu tháp K phát lộ, khai quật hơn 300m2, bóc chuyển lớp đất sâu từ 60-80cm, phát hiện tháp K có hai cửa với những bậc cấp bằng gạch, một cửa xoay về hướng Đông, một xoay về hướng Tây. Nối dài cửa phía Đông là hai tường thấp cách nhau 8m, song song kéo dài về hướng Đông (hướng vào khu E, F) khoảng giữa hai đoạn tường này không có dấu vết lát gạch, đá mà chỉ là lớp đất, sỏi được đầm chặc, mỗi tường cao gần 1m,… Theo nhận định ban đầu, đường dẫn bắt đầu từ tháp cổng K vào khu trung tâm thánh địa Mỹ Sơn, có thể là con đường dẫn chỉ để dành cho thần linh, hoàng gia, các tu sĩ Bàlamôn đi vào không gian thiêng thánh địa Mỹ Sơn để dâng lễ.

Những vết tích kiến trúc đường dẫn mới được đặt vấn đề nghiên cứu trong vài năm gần đây và đã được xác định chính xác trong đợt thăm dò này. Kết quả phát lộ năm 2017 tại tháp K, thăm dò khảo cổ năm 2018 tại khu Nhà Đôi phía Tây tháp K cũng như cuộc thăm dò lần này cho thấy mối quan hệ giữa khu Nhà Đôi, tháp cổng K và đường dẫn vào khu trung tâm. Đây cũng là lần đầu tiên giới nghiên cứu khảo cổ, lịch sử trong nước và quốc tế biết đến con đường này. Công trình kiến trúc này đã bị phá hủy, vùi lấp bên dưới một lớp đất rừng bồi lấp khá dày. Công tác thăm dò khảo cổ mới chỉ được thực hiện trong phạm vi khiêm tốn, chưa thể làm rõ niên đại cụ thể của di tích. Tuy nhiên, qua mối liên quan của phế tích đường dẫn với tháp K có thể bước đầu nhận định đường dẫn có niên đại thế kỷ XII (tương đương với niên đại tháp K). 

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×