Phát hiện 2.000 mảnh nhựa tại khu khảo cổ từ thời Đồ sắt
08/01/2021 | 09:31Theo một nghiên cứu mới công bố, các nhà khoa học đã tìm thấy "dấu vết" của nhựa tại một công trình khảo cổ có niên đại từ Thời kỳ Đồ sắt (Iron Age).
Castell Henllys là một khu làng từ Thời kỳ Đồ sắt tại Công viên Quốc gia Pembrokeshire Coast, Vương quốc Anh. Đây từng là nơi ở của một gia đình giàu có với gần 100 thành viên sống và lao động cùng nhau từ khoảng 2.000 năm trước. Nằm trên đỉnh đồi, Castell Henllys gồm 4 ngôi nhà tròn được xây dựng lại bằng cùng loại vật liệu từng được sử dụng trong Thời kỳ Đồ sắt như gỗ, rơm…
"Đây là địa điểm duy nhất tại nước Anh đã được phục dựng và mở cửa cho công chúng cũng như trường học tham quan trong 35 năm qua", giáo sư khảo cổ học Harold Mytum từ Đại học Liverpool cho hay. "Điều đó có nghĩa là các ngôi nhà được xây dựng lại đã tồn tại trong một thời gian dài và chứng tỏ được tính hiệu quả của những thiết kế thời tiền sử".
Hai trong số bốn ngôi nhà tròn là Nhà Cook và nhà Earthwatch đã được thay thế lần lượt vào năm 2018 và 2019.
Sau gần 30 năm thường xuyên được thăm viếng bởi rất nhiều du khách và khoảng 6.000 học sinh mỗi năm, khu vực các ngôi nhà tròn đem lại một cơ hội độc đáo cho các nhà nghiên cứu.
Từ xuất phát điểm muốn tìm hiểu quá trình nguyên vật liệu mục nát và thoái hóa, các nhà khoa học lại phát hiện ra số lượng đồ nhựa – lên tới 2.000 thứ ngay tại khu vực di tích.
Nghiên cứu của giáo sư Mytum và đồng nghiệp mới được công bố trên tạp chí Antiquity.
Mặc dù khu di tích được bảo tồn và giữ gìn rất tốt nhưng các mảnh đồ nhựa do các du khách để lại – chủ yếu từ việc học sinh ăn trưa tại đây, vẫn xuất hiện phía dưới các chiếc ghế hay trong các góc kín bên trong mỗi ngôi nhà tròn.
Vị trí xa xôi của Castel Henllys (nằm ở vùng nông thôn phía tây xứ Wales) cũng khiến việc phát hiện các mảnh nhựa là "một điều đáng kinh ngạc". Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù nhựa là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm biển nhưng nghiên cứu cũng chứng tỏ ảnh hưởng của nó tới môi trường đất.
Trong số các đồ vật nhựa bị phát hiện bao gồm đồ đựng thức ăn, nắp chai, ống hút, vỏ bọc, túi nhựa, vỏ kẹo, thậm chí cả nhãn dán trên hoa quả…
"Nếu các suất ăn trưa cung cấp cho học sinh không sử dụng vật liệu nhựa để đóng góp thì sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn. Sự thuận tiện của chúng ta có thể khiến môi trường bị hủy hoại", ông Mytum nói.
Các đồ vật khác liên quan tới dịch vụ giáo dục di sản bao gồm các vỏ hộp đựng sơn màu sử dụng trong hoạt động tô mặt cho học sinh theo phong cách Celtic… Và đương nhiên cả những vật dụng bị mất của du khách như kính mắt, khuy quần áo…
"Chúng tôi nghĩ sẽ phát hiện những đồ vật bị mất, tuy nhiên số lượng tìm thấy lại biểu trưng cho những tác động tiêu cực về mặt môi trường", giáo sư Đại học Liverpool chỉ ra. "Những mảnh nhựa bị phát hiện đã đem tới một ý nghĩa mới cho khu di tích – nó chứng tỏ rác thải nhựa ảnh hưởng tới mọi thứ và ở mọi nơi".
Những gì được tìm thấy được cho là dấu hiệu tiêu chuẩn của Kỷ Nhân sinh (Anthropocene). Đây là thuật ngữ được một số nhà khoa học sử dụng để miêu tả giai đoạn gần đây nhất trong lịch sử Trái Đất. Nó không có điểm khởi đầu chính xác nhưng có thể coi là bắt đầu vào khoảng cuối thế kỷ 18 khi những hoạt động của loài người mới bắt đầu có ảnh hưởng toàn cầu tới khí hậu và hệ sinh thái của Trái Đất. Giáo sư Mytum và đồng nghiệp tin rằng, giai đoạn hiện tại sẽ được biết tới là "Thời kỳ Đồ nhựa".
"Nhựa tạo ra một dấu hiệu khảo cổ tiêu biểu về thời đại của chúng ta (Kỷ Nhân sinh) nhưng điều đó lại đang gây tổn hại tới môi trường", ông Mytum nói. "Nhựa sẽ tiến vào vòng sinh thái và để lại các tác động sâu rộng hơn. Nếu tất cả những đồ vật làm từ chất liệu này được tái chế, nó sẽ không còn mang tính đại diện về khảo cổ học nữa nhưng lại sẽ giúp bảo vệ cho hệ sinh thái Trái Đất".
Đội ngũ của giáo sư Mytum đang hợp tác với nhân viên của Castel Henllys để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các du khách trong tương lai. Họ cũng sẽ sử dụng những bằng chứng tìm thấy trong quá trình khai quật để phát động một chiến dịch tuyên truyền và giáo dục có quy mô lớn.
"Tất cả những việc này cho thấy, nếu được lên kế hoạch cẩn thận, việc phục dựng trên các khu khai quật có thể đem lại hiệu quả rất lớn cho các mục đích giáo dục và tuyên truyền cho công chúng", ông Mytum chỉ ra. "Nó cũng chứng tỏ, ngay cả khi khu di tích được duy trì và bảo vệ tốt, nó vẫn có thể bị rác thải tấn công. Quản lý những gì được bán trong các cửa hàng xung quanh và kiểm soát những gì được phép làm bên trong khu di tích – có thể giúp làm giảm lượng rác thải nhựa và ảnh hưởng của nó tới môi trường đất".