Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phát biểu của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tại Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Thành lập ngành Văn hóa và Đại hội thi đua yêu nước của Ngành lần thứ II-2015

22/08/2015 | 20:53

Cổng thông tin điện tử Bộ VHTTDL trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung bài phát biểu của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tại Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Thành lập ngành Văn hóa (28.8.1945-28.8.2015), đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và Đại hội thi đua yêu nước ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần thứ II-2015.

Kính thưa Đồng chí Đinh Thế Huynh - UV Bộ Chính trị, Bí thư BCH Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương!

Kính thưa đồng chí Vũ Đức Đam - UV BCH TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ!

Kính các đồng chí, quý vị đại biểu!


Trong không khí cả nước sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh Nước CHXHCN Việt Nam, hôm nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa, Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ II và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Thay mặt Ban Cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo Bộ, tôi nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và Thủ đô Hà Nội, quý vị đại biểu cùng toàn thể công chức, viên chức, nghệ sỹ, diễn viên, vận động viên, huấn luyện viên - những đại biểu ưu tú của Ngành trong ngày Lễ kỷ niệm trọng thể này.

Kính thưa các đồng chí, quý vị đại biểu!

Cách đây 70 năm, ngày 28.8.1945, Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Tuyên cáo thành lập nội các quốc gia với 12 Bộ, trong đó có Bộ Thông tin, Tuyên truyền. Ngày 01.01.1946, khi Chính phủ Lâm thời cải tổ thành Chính phủ Liên hiệp Lâm thời, Bộ Thông tin, Tuyên truyền được đổi thành Bộ Tuyên truyền và Cổ động. Thời gian sau đó và trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tuy không thành lập Bộ nhưng tổ chức, bộ máy của Ngành vẫn được duy trì và nhiều lần được cơ cấu, tổ chức lại, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn của cuộc kháng chiến: Ngày 03.5.1946, Nha Thông tin tuyên truyền được thành lập thuộc Bộ Nội vụ. Ngày 27.11.1946, Nha Thông tin tuyên truyền được đổi thành Nha Thông tin. Ngày 10.7.1951, Nha Thông tin được sát nhập vào Thủ tướng Phủ. Ngày 24.02.1952, Nha Thông tin thuộc Thủ tướng Phủ và Vụ Văn hóa Nghệ thuật thuộc Bộ Giáo dục được hợp nhất thành Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thuộc Thủ tướng Phủ. Tháng 8.1954, Hội đồng Chính phủ quyết định lập Bộ Tuyên truyền. Kỳ họp thứ Năm, ngày 20.9.1955, Quốc hội khóa I thông qua thành phần Chính phủ mới, Bộ Tuyên truyền được đổi thành Bộ Văn hóa. Từ đó đến nay, tổ chức, bộ máy của Bộ nhiều lần được sắp xếp lại thành: Bộ Văn hóa và Thông tin; Bộ Văn hóa; Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao; Bộ Văn hóa-Thông tin và từ 31.7.2007 đến nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thưa các đồng chí, quý vị đại biểu!

Trong 70 năm qua, lịch sử xây dựng và phát triển của Ngành Văn hóa luôn gắn chặt với lịch sử cách mạng và dân tộc. Trải qua chặng đường đầy khó khăn, thử thách, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ và Chính phủ, Ngành Văn hóa đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và xây dựng đất nước ngày nay.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động giữ vị trí hàng đầu trong 5 bước công tác cách mạng theo phương châm: “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”. Trong thư gửi các họa sỹ nhân triển lãm hội họa năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy”. Cuộc kháng chiến 9 năm diễn ra vô cùng gian khổ, song ở đâu có kháng chiến, ở đó có văn hóa. Những “chiến sỹ trên mặt trận văn hóa” đã biết đưa nghệ thuật vào công tác tuyên truyền, và nâng công tác tuyên truyền thành nghệ thuật. Hoạt động văn hóa trở thành sợi dây tinh thần kết nối hậu phương với tiền tuyến, góp phần tạo nên sức mạnh vô song giúp quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954-1975), văn hóa-nghệ thuật đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới của miền Bắc XHCN. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, các văn nghệ sỹ đã hăng hái tham gia cuộc trường chinh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hình thành nên một thế hệ nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ - chiến sỹ, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu vừa đem tài năng của mình phục vụ cho bộ đội trên các chiến trường. Nổi bật lên trong thời kỳ này là các phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” và “Đọc sách có hướng dẫn”. Ở miền Nam, văn hóa, văn nghệ trở thành trận tuyến đầy cam go, nơi các văn nghệ sỹ hàng ngày hàng giờ phải hoạt động trước họng súng của quân thù. Hai mươi mốt năm chiến đấu và chiến thắng, các thế hệ nghệ sỹ-chiến sỹ hai miền Nam-Bắc đã tạc vào lịch sử tượng đài bất hủ về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, làm sáng ngời lên chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và ước vọng cháy bỏng về một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất. Nhiều nghệ sỹ-chiến sỹ đã ngã xuống. Sự hy sinh quên mình của các chị, các anh đã tô thắm hơn trang sử vẻ vang của Ngành, góp phần xứng đáng cho mùa Xuân đại thắng năm 1975 của dân tộc.

Sau ngày đất nước thống nhất và những năm đầu Đổi mới, trong bối cảnh đất nước bị bao vây, cấm vận và ảnh hưởng từ sự sụp đổ của hệ thống các nước XHCN, hoạt động văn hóa-nghệ thuật tiếp tục phát huy vai trò xung kích, làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trên mặt trận văn hóa-tư tưởng, đạt nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Thưa các đồng chí, quý vị đại biểu!

Ngày 31.7.2007, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được thành lập, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đến nay đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức của Bộ từng bước được kiện toàn, với 22 đơn vị quản lý nhà nước, 61 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, tổng biên chế được giao là: 8.186 (khối quản lý nhà nước là 882; khối đơn vị sự nghiệp là 7.304), trong đó có 15 Giáo sư, 79 Phó Giáo sư, 224 Tiến sỹ Khoa học và Tiến sỹ. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, thể chế văn hóa tiếp tục hoàn thiện. Các lĩnh vực hoạt động Ngành ngày càng gắn kết, phát huy vai trò trong phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hoá, nghệ thuật ngày càng mở rộng và đa dạng, làm lan tỏa các giá trị văn hóa và hình ảnh đất nước Việt Nam ra thế giới, phục vụ tốt các sự kiện chính trị, ngoại giao của Đảng và Nhà nước. Cả nước có: 130 đơn vị nghệ thuật công lập với hơn 5.000 nghệ sỹ, diễn viên; trên 300 doanh nghiệp tư nhân có chức năng sản xuất phim, gần 300 đội chiếu phim lưu động, phục vụ hơn 20 triệu lượt người xem/năm. Mức hưởng thụ văn hóa của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa được cải thiện rõ rệt. Toàn quốc có 70 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 541/708 quận, huyện có thiết chế văn hóa; 4.998/11.145 xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa; 54.391/118.034 thôn có thiết chế văn hóa; có 922 đội nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh; 2.418 đội nghệ thuật quần chúng cấp huyện; 20.623 đội nghệ thuật quần chúng cấp xã, với trên 12 triệu lượt người tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng; có gần 4.000 thư viện công cộng các cấp, với gần 30 triệu bản sách được lưu giữ, phục vụ bạn đọc. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng “Người tốt, việc tốt” được đẩy mạnh. Nhiều gương điển hình cá nhân, tập thể tiêu biểu được tôn vinh. Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đạt kết quả quan trọng, với 21 di sản được UNESCO ghi danh là di sản thế giới (tính riêng giai đoạn 2007-2014 có 13 di sản được ghi danh là di sản thế giới). Thành tích của thể thao Việt Nam trên các đấu trường quốc tế không ngừng được nâng lên. Ngành du lịch duy trì tốc độ tăng trưởng trên 12%/năm liên tục trong nhiều năm, đóng góp ngày càng nhiều vào tổng thu nhập kinh tế quốc dân.

Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống, với niềm tự hào lớn lao, chúng ta  trân trọng báo cáo với Đảng, Chính phủ và Nhân dân cả nước, Ngành Văn hóa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, làm tròn sứ mệnh được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao cho.

Kính thưa các đồng chí, quý vị đại biểu!

Với những thành tích đã đạt được, Ngành Văn hóa vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, hàng trăm Huân chương, Huy chương, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 102 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 458 Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật; 266 Nghệ sỹ Nhân dân, 1.935 Nghệ sỹ Ưu tú và nhiều Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, 03 tập thể và 02 cá nhân của Ngành được phong tặng danh hiệu Anh hùng lục lượng vũ trang... Tại Lễ Kỷ niệm và Đại hội thi đua yêu nước hôm nay, chúng ta một lần nữa tỏ lòng biết ơn sâu sắc các thế hệ đi trước, đồng thời nhiệt liệt biểu dương các tập thể và gần 300 cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước của Bộ những năm vừa qua.

Trong thời gian tới, xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình thế giới diễn biến phức tạp và rất khó lường, đi cùng những cơ hội thuận lợi là không ít khó khăn, thách thức. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra cho toàn Ngành những trọng trách mới, đòi hỏi toàn Ngành phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bước tiếp chặng đường 70 năm gian khổ và vinh quang của các thế hệ đi trước, toàn Ngành cần quán triệt sâu sắc những bài học sau:

- Thứ nhất, bài học nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa là một bộ phận quan trọng của sự nghiệp cách mạng, một trong những trụ cột phát triển bền vững đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

- Thứ hai, bài học về giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 102 của Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

- Thứ ba, bài học về tăng cường quản lý nhà nước, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ văn hóa với nhiệm vụ chính trị. Trong cuộc đấu tranh chống suy thoái về đạo đức, lối sống hiện nay, văn hóa phải phát huy hơn nữa sứ mệnh “soi đường quốc dân đi”, xây dựng hệ giá trị văn hóa mới, hướng con người đến chân-thiện-mỹ, trở thành điểm tựa tinh thần và khởi nguồn cho sức mạnh nội sinh trong mỗi cá nhân, cộng đồng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.

- Thứ tư, bài học về phát huy thế mạnh, hiệu quả của mô hình quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược: Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; thể dục, thể thao vì sự nghiệp dân cường, nước thịnh; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

- Thứ năm, bài học về sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ văn hóa, khơi dậy và huy động tiềm năng sáng tạo của các tổ chức, doanh nghiệp và mọi người dân tham gia xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Với lòng biết ơn sâu sắc đối với sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự yêu thương, ủng hộ của Nhân dân cả nước, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, nghệ sỹ, diễn viên, vận động viên, huấn luyện viên toàn Ngành nguyện phát huy truyền thống vẻ vang 70 năm qua, tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần cùng cả nước xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Kính chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Trân trọng cảm ơn./.

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×