Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

PGS. TS Trần Hữu Sơn: Không coi nhẹ việc quản lý của nhà nước đối với lễ hội

13/02/2019 | 16:06

"Người dân phải được tham gia các quá trình tổ chức lễ hội, phải được trao quyền tổ chức lễ hội hiệu quả. Đồng thời cũng không coi nhẹ việc quản lý của nhà nước đối với lễ hội" - là nhận định của PGS. TS Trần Hữu Sơn nhân dịp bàn về lễ hội đầu năm với báo Tổ Quốc.

Trẩy hội đầu xuân là nét đẹp văn hóa của người Việt. Bên cạnh những lễ hội phát huy được giá trị văn hóa truyền thống thì vẫn còn một số nơi bị biến tướng, sai lệch. Hàng vạn người đổ dồn đến một không gian nhỏ hẹp, tranh giành "lộc", chen lấn, xô đẩy, xả rác, vượt tường… đang làm méo mó hình ảnh đẹp của trẩy hội du xuân. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Hữu Sơn về những vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội hiện nay ở các địa phương.

Thưa ông, cứ mỗi dịp đầu năm, đâu đó những hình ảnh chưa đẹp về người dân tham gia lễ hội lại được nhắc đến. Nhiều người cho rằng, một số lễ hội truyền thống hiện nay đã thay đổi, thậm chí là bị biến tướng. Ông có nhận xét gì về điều này?

- Sự "bùng nổ" của lễ hội trong những năm gần đây đã tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa, xã hội.

Lễ hội hiện nay có xu hướng biến đổi mạnh mẽ, bên cạnh lễ hội cổ truyền đang bị tác động bởi nhiều yếu tố kinh tế xã hội đương đại nên biến đổi, còn xuất hiện việc tổ chức các sự kiện, festival hiện đại. Vì vậy, khái niệm lễ hội cổ truyền chỉ là khái niệm tương đối vì hầu hết các thành tố, thậm chí cả chức năng của lễ hội cũng thay đổi.

Về thời gian tổ chức lễ hội có hai xu hướng biến đổi. Một số lễ hội làng, lễ hội cổ truyền ở miền núi không kéo dài về thời gian. Trước kia, một Lễ hội Gầu Tào vùng người Hmông, một Lễ hội Roóng Poọc vùng người Giáy, Lễ hội Lồng Tồng (xuống đồng) vùng người Tày thường tổ chức từ 3 đến 5 ngày thì nay chỉ tổ chức trong nửa ngày hoặc kéo dài đến hai, ba ngày. Nhưng mặt khác có một số lễ hội cổ truyền kéo dài hàng tháng hoặc vài tháng trời như Hội Chùa Hương, Hội Bà Chúa Xứ...

PGS. TS Trần Hữu Sơn: Không coi nhẹ việc quản lý của nhà nước đối với lễ hội - Ảnh 1.

PGS. TS Trần Hữu Sơn

Không gian lễ hội cũng mở rộng. Trước đây các hội làng chỉ được tổ chức ở một không gian nhất định trong làng và phạm vi, quy mô tổ chức cũng chỉ của làng. Nhưng hiện nay, do nhiều yếu tố (do quảng bá du lịch, do tâm lý muốn vượt trội của các nhà lãnh đạo địa phương,...) nên quy mô của các hội làng cũng được mở rộng cả về không gian và thời gian. Nhiều lễ hội không còn là lễ hội làng mà đang có xu hướng biến thành lễ hội vùng, thậm chí là lễ hội chung của huyện. Đối tượng người đến dự hội không chỉ là dân làng, không chỉ là một dân tộc mà là nhiều dân tộc, có cả du khách nước ngoài tham dự. Từ sự quá tải này đã nảy sinh hàng loạt những vấn đề bức xúc về vệ sinh môi trường, sự chen lấn xô đẩy, quá tải các dịch vụ ăn, nghỉ, hành lễ, về cách điều hành tổ chức...

Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến những biến đổi này?

- Lễ hội cổ truyền đang có xu hướng biến đổi cả về mục đích, chức năng và cấu trúc. Mục đích của các hội làng là cầu người yên vật thịnh, lễ hội được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trong thời điểm nông nhàn.

Nhưng hiện nay, do tác động của cơ chế thị trường, lễ hội lại có mục đích quảng cáo cho các thành thị và địa phương, hoặc là nơi cầu may, cầu lợi lộc cho cá nhân, cầu thăng quan tiến chức... Biến đổi của lễ hội còn thể hiện ở sự nghèo nàn, đơn điệu trong các hình thức giải trí nhưng lại "nở rộ" trong các hình thức tín ngưỡng, mê tín. Quan hệ giữa ban tổ chức lễ hội và du khách thập phương là quan hệ dịch vụ, tận thu được nhiều nguồn tiền, dẫn đến tình trạng "chặt chém" ở các dịch vụ ăn nghỉ.

Vậy giải pháp nào trong quản lý lễ hội để hạn chế những vấn đề nêu trên, thưa ông?

- Trước thực trạng các xu hướng biến đổi của lễ hội đang diễn ra nhanh chóng như hiện nay, xuất hiện hai luồng dư luận trái chiều. Một số cơ quan thông tin đại chúng cho rằng việc tổ chức và quản lý lễ hội vô cùng lộn xộn, mất bản sắc văn hóa dân tộc, gây ra nhiều hậu quả tai hại và đề xuất các biện pháp mang tính hành chính như "cấm", "bỏ".

Thậm chí có người chưa hiểu rõ xu hướng biến đổi của lễ hội là một yêu cầu khách quan khi chuyển sang cơ chế thị trường nên sốt ruột đề ra các giải pháp mang tính chất chữa cháy là chính. Hoặc cũng có khuynh hướng coi nhẹ vai trò quản lý nhà nước, cần để cho người dân tự do làm chủ, tự do tổ chức lễ hội. Cả hai luồng dư luận như vậy đều không đánh giá đúng thực tế.

Từ kinh nghiệm tổ chức và quản lý lễ hội ở các tỉnh, chúng tôi đề xuất một số giải pháp như về quan điểm cần nhận thức sự biến đổi của lễ hội cổ truyền cũng như xuất hiện nhiều loại hình tổ chức sự kiện mới là một yếu tố khách quan trong đời sống văn hóa hiện nay. Vì thế không nên có quan điểm cứng nhắc, lấy các nguyên lý tổ chức lễ hội truyền thống làm khuôn mẫu cho việc tổ chức các lễ hội, tổ chức các sự kiện như hiện tại. Ở lĩnh vực này cần bám sát thực tiễn, tổng kết thực tiễn trên cơ sở lý luận về quản lý văn hóa. Trong đó cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò chủ thể của cộng đồng người dân tổ chức lễ hội. Người dân phải được tham gia các quá trình tổ chức lễ hội, phải được trao quyền tổ chức lễ hội hiệu quả. Đồng thời cũng không coi nhẹ việc quản lý của nhà nước đối với lễ hội.

PGS. TS Trần Hữu Sơn: Không coi nhẹ việc quản lý của nhà nước đối với lễ hội - Ảnh 2.

Người dân phải được tham gia các quá trình tổ chức lễ hội, phải được trao quyền tổ chức lễ hội hiệu quả. Đồng thời cũng không coi nhẹ việc quản lý của nhà nước đối với lễ hội

Hiện nay, có nhiều nhà khoa học cho rằng nên trả lại lễ hội cho dân? Vậy có cần tổ chức lễ hội không? Các mô hình quản lý như thế nào?

- Mô hình quản lý và tổ chức lễ hội do cộng đồng tự quản, có sự giám sát của nhà nước ở cơ sở.

Đây là mô hình quản lý và tổ chức lễ hội bước đầu có sự tham gia của nhà nước. Chủ thể tổ chức của các lễ hội này nhất thiết phải là người dân trong cộng đồng.

Vai trò quản lý của nhà nước thể hiện ở chỗ giám sát và chỉ đạo, giải quyết kịp thời những vướng mắc xảy ra. Mặt khác, vai trò quản lý nhà nước cũng cần được phân cấp dần tới cộng đồng và thể chế hóa bằng hệ thống hương ước, quy ước chung của làng. Thậm chí, có thể sử dụng và phát huy vai trò của già làng, trưởng bản hoặc người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng.

Đồng thời, vai trò quản lý của nhà nước cũng thể hiện ở chỗ thường xuyên giám sát, theo dõi diễn biến của các lễ hội để nắm bắt những thay đổi trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào nhằm đảm bảo không có hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng để thực hiện hình thức mê tín dị đoan hoặc xuyên tạc, truyền bá phản cách mạng. Vai trò của nhà nước cũng thể hiện ở việc đảm bản trật tự, an ninh xã hội trong thời gian tổ chức lễ hội. Kinh phí tổ chức những lễ hội này hoàn toàn do nhân dân đóng góp.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hoàng Nguyên (thực hiện)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×