Ông Nguyễn Đắc Vinh: Phục hồi về du lịch nhìn chung là tốt
19/09/2023 | 08:00Tham gia góp ý vào lĩnh vực du lịch, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, du lịch là một trong những lĩnh vực được quan tâm trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Mặc dù, phục hồi về du lịch nhìn chung là tốt, nhưng một số địa bàn phục hồi không được như kỳ vọng.
Phục hồi về du lịch nhìn chung là tốt
Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 26, ngày 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hội đã xem xét các báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét việc thực hiện của các cơ quan liên quan tới 21 lĩnh vực được nêu trong 04 nghị quyết về giám sát chuyên đề, 01 nghị quyết về chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và 02 nghị quyết về giám sát chuyên đề, 03 nghị quyết về chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XV.
Báo cáo tại Phiên họp về nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần nêu rõ kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện của các cơ quan liên quan tới 21 lĩnh vực, bao gồm: Lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; Lĩnh vực tài chính; Lĩnh vực ngân hàng; Lĩnh vực công thương; Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; Lĩnh vực giao thông vận tải; Lĩnh vực xây dựng; Lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Lĩnh vực thông tin và truyền thông; Lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội; Lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; Lĩnh vực khoa học và công nghệ; Lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Lĩnh vực y tế; Lĩnh vực nội vụ; Lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp; Lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội;...
Tham gia góp ý vào lĩnh vực du lịch, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, du lịch là một trong những lĩnh vực được quan tâm trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Mặc dù, phục hồi về du lịch nhìn chung là tốt, nhưng một số địa bàn phục hồi không được như kỳ vọng.
Vì vậy, ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan của việc chưa thực hiện các nhiệm vụ còn lại của Đề án; làm rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam; đồng thời nêu cụ thể giải pháp, kiến nghị và cam kết thực hiện trong thời gian tới.
Tham gia góp ý liên quan đến lĩnh vực nội vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Chính phủ báo cáo bổ sung, làm rõ thêm về: Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và một số nội dung khác; Sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở trung ương, địa phương và số lượng cấp phó; Thực hiện phân cấp, phân quyền; Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở; Quản lý biên chế, công chức, viên chức; tiêu chuẩn, điều kiện thi tuyển lãnh đạo; Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị, trong lĩnh vực tư pháp, Chính phủ báo cáo bổ sung, làm rõ thêm về: tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, tập thể theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội; tổ chức thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; …
Khắc phục ba chữ “chậm”, “nợ”, “sót”
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thẳng thắn thừa nhận, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các lĩnh vực được nêu trong nghị quyết về giám sát chuyên đề, nghị quyết về chất vấn của Quốc hội thời gian vừa qua. “Nhận xét chung các vấn đề này có ba chữ “chậm”, “nợ”, “sót”, Chính phủ sẽ hết sức lưu ý khắc phục những nội dung còn tồn tại,…”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết.
Ghi nhận những ý kiến góp ý của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nêu rõ, thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc chủ yếu thuộc về thẩm quyền của Chính phủ và các bộ ngành; tập trung nới lỏng tiếp cận tín dụng để các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; đẩy mạnh công tác lập và xây dựng quy hoạch;…
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các bộ ngành trong việc triển khai thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.
Qua các báo cáo có thể thấy, trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội, khối lượng công việc rất lớn đã được Chính phủ các bộ, ngành cơ bản triển khai thực hiện tạo chuyển biến tích cực trong những lĩnh vực nhất là các vấn đề Quốc hội, cử tri quan tâm.
Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác chỉ đạo của Chính phủ, qua báo cáo, các ý kiến thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý, còn một số vấn đề cần quan tâm: Một số lĩnh vực chưa triển khai đầy đủ theo yêu cầu của Quốc hội, có lĩnh vực chậm thời gian, tiến độ, kết quả chuyển biến trên thực tế còn chậm; Nhiều nội dung báo cáo mới chỉ dừng ở việc đánh giá chung chung mà chưa chỉ rõ nội dung nào chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chưa đánh giá rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan;...
Trên cơ sở ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ ngành có liên quan,… khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, rà soát, bổ sung hoàn thiện báo cáo trước ngày 26/9/2023; các Báo cáo thẩm tra, báo cáo tổng hợp cần đánh giá khách quan, toàn diện làm rõ kết quả đạt được, mặt tồn tại, hạn chế; rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân để làm cơ sở cho Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.