Omicron phủ màu xám lên du lịch Trung Quốc
06/01/2022 | 15:26Giờ đây, nhiều chủ doanh nghiệp Trung Quốc chỉ biết hy vọng các nhà chức trách kịp thời kiểm soát biến chủng Omicron trước khi bước vào Tết âm lịch - mùa du lịch sôi động nhất năm ở Trung Quốc.
Cuộc khủng hoảng y tế đã trở thành cơn ác mộng đối với ngành du lịch nội địa trị giá 942 tỉ USD của Trung Quốc. Sự xuất hiện của biến chủng Omicron cùng những đợt dịch mới đe dọa sinh kế của ít nhất 30 triệu người, cũng như “bóp chết” thu nhập của các hãng hàng không và ngành dịch vụ, tờ South China Morning Post thông tin.
Ngành du lịch của Trung Quốc đang phải đối mặt với viễn cảnh tồi tệ nhất khi nước này liên tục báo cáo số ca mắc Covid-19 tăng đột biến. Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 của Trung Quốc luôn trên 100. “Sự trỗi dậy của làn sóng Covid-19 đã dập tắt kỳ vọng đảo ngược tình thế vào cuối năm của chúng tôi. Chúng tôi đã đặt hy vọng vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, giờ đây chúng tôi không chắc nhiều người sẽ lên kế hoạch du lịch vì lo ngại về virus”, Li Wenjie, Giám đốc điều hành của công ty du lịch quốc tế Shanghai Yaheng cho biết. Còn Zhang Zhou, Giám đốc điều hành công ty tư vấn công nghệ có trụ sở tại Thượng Hải nói rằng: “Đợt bùng phát dịch Covid-19 có thể không dừng lại trong những tuần tới, vì vậy chúng tôi phải hủy bỏ kế hoạch của mình”.
Cho đến nay, giới chức Trung Quốc vẫn kiên quyết giữ chiến lược “Zero Covid-19” và đưa ra các quy tắc giãn cách xã hội, cũng như biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Những biện pháp này được áp đặt ngay từ ngày đầu khi Covid-19 tàn phá Vũ Hán, đã ngăn cản các gia đình đi du lịch trong nước hay nước ngoài. Trung Quốc không khuyến khích công dân của mình đi du lịch và cũng đã ngừng cấp hộ chiếu mới cho người dân. Nước này áp đặt quy tắc cách ly 14 ngày đối với những du khách trở về từ nước ngoài. Đồng thời, lượng khách du lịch đã giảm xuống gần bằng 0 kể từ khi đại dịch bắt đầu vào đầu năm 2020, do lệnh cấm du lịch để ngăn chặn các trường hợp lây nhiễm từ nước ngoài. Tuy nhiên, bất chấp lệnh hạn chế, các trường hợp nhập cảnh nhiễm Omicron đã được báo cáo ở các thành phố Trung Quốc, bao gồm Thiên Tân, Trường Sa và Quảng Châu.
Việc siết chặt những hạn chế đi lại và nỗi lo ngại của du khách đã tác động mạnh mẽ đến ngành du lịch của Trung Quốc. Dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán được xem là mùa cao điểm của ngành du lịch. Du khách sẵn sàng trả gấp từ 3 - 5 lần mức bình thường để đặt phòng tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, hai năm sau đại dịch, số lượng khách đã giảm nhanh chóng. Khoảng 256 triệu người đã đi du lịch trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021, so với 415 triệu người vào năm 2019. Du lịch nội địa đã và đang là nguồn thu nhập chính của các nhà khai thác du lịch Trung Quốc. Thế nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh kéo theo các chuyến đi bị hoãn hoặc hủy, doanh thu của ngành đã giảm 61% xuống còn 350 tỉ USD vào năm 2020. Các chuyến du lịch giảm 52%, xuống còn 2,88 tỉ chuyến đi.
Một bằng chứng cho thấy tác động sâu sắc của đại dịch là hàng nghìn người, bao gồm hướng dẫn viên du lịch, lái xe, nhân viên, giám đốc điều hành khách sạn đã mất việc trong thời kỳ khủng hoảng. Trong một báo cáo gần đây, Fitch Ratings cho biết, Trung Quốc sẽ duy trì chính sách “Zero Covid-19” đến gần hết năm 2022. Các “hành lang du lịch” an toàn, không cần cách ly, kiểm dịch, chỉ được thiết lập với Macau (Trung Quốc) và Hong Kong (Trung Quốc).
Không chỉ Trung Quốc, trên khắp châu Á, biến chủng mới đã làm đảo ngược kế hoạch mở cửa trở lại của nhiều quốc gia. Thái Lan đã thông báo rằng họ sẽ áp dụng lại biện pháp kiểm dịch bắt buộc đối với du khách quốc tế, trong khi Singapore đã đình chỉ Làn du lịch tiêm chủng, cho phép nhập cảnh miễn kiểm dịch đối với du khách quốc tế vào nước này.
Omicron đang khiến mùa du lịch cuối năm của nhiều nước từ chỗ dạt dào hy vọng, chuyển sang màu xám ảm đạm, khi các chính sách mở cửa biên giới, bong bóng du lịch hay hộ chiếu vắc xin, giờ phải nhường chỗ cho các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn.
Theo ĐÔNG MAI, Báo Văn hóa