Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nửa nhiệm kỳ ngành VHTTDL: Sân khấu hồi sinh mạnh mẽ sau đại dịch- điểm sáng đáng tự hào

04/08/2023 | 10:25

Nửa nhiệm kỳ đã qua với khởi đầu thách thức nhiều hơn thuận lợi. Ðại dịch Covid-19 hoành hành hai năm, tàn phá cuộc sống và con người như chưa từng có trong lịch sử, kinh tế, xã hội có khá nhiều biến động. Song, cả nước đã vượt qua những thách thức khắc nghiệt, cùng với những thành tựu kinh tế, du lịch, các hoạt động văn hóa, trong đó có sân khấu đã hồi sinh góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân.

Nửa nhiệm kỳ ngành VHTTDL: Sân khấu hồi sinh mạnh mẽ sau đại dịch- điểm sáng đáng tự hào - Ảnh 1.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL dự chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam

Nỗ lực hết mình để sân khấu sáng đèn

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ vừa qua đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thì sự hồi sinh mạnh mẽ của sân khấu, sự chủ động của các nhà hát sau đại dịch là một điểm sáng đáng tự hào. Nửa đầu năm 2022 là giai đoạn các nhà hát nỗ lực hết mình để sân khấu sớm sáng đèn phục vụ khán giả trong nước và du khách quốc tế, đặc biệt khi du lịch Việt Nam đã chính thức mở cửa.

Nửa nhiệm kỳ ngành VHTTDL: Sân khấu hồi sinh mạnh mẽ sau đại dịch - Ảnh 1.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL đã nhiều lần làm việc với Cục Nghệ thuật biểu diễn và các nhà hát

Với Nhà hát Cải lương Việt Nam – một trong số các đơn vị nghệ thuật công lập trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, dù chưa có điểm diễn cố định đáp ứng yêu cầu của khán giả Thủ đô nhưng đã tạo dấu ấn đáng nể ngay khi trở lại. Cùng với việc ra mắt thành công phần 1 dự án nghệ thuật lớn về Chủ tịch Hồ Chí Minh – "Nước non vạn dặm", nhiều suất diễn các vở dàn dựng những năm trước cũng thu hút đông đảo khán giả. Với "Bên ánh sao khuê" – vở diễn cảm tác từ mối tình của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ cùng vụ án Lệ Chi Viên nổi tiếng trong lịch sử, vé bán hết sạch trước ngày diễn chính thức. Hình ảnh khán giả ngồi kín khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội, miệt mài theo dõi qua màn ảnh nhỏ là những tín hiệu vui không chỉ với riêng nghệ sĩ của Nhà hát.

Tại Rạp xiếc Trung ương, nhiều suất diễn đầy ắp khán giả. Trong các suất diễn đầu tiên của "Chúa tể rừng xanh", người xem thuộc nhiều lứa tuổi hào hứng cổ vũ, nhún nhảy theo nghệ sĩ. Nhiều tiết mục xiếc thú, lắc vòng, đế kiếm, đu quay, đu dây, thăng bằng trên dây thép chùng… trở nên mới mẻ, hấp dẫn hơn khi ê kíp sáng tạo kết hợp hài hòa hơn với âm thanh, ánh sáng hiện đại, cảnh trí cầu kỳ, âm nhạc vui nhộn.

Các tác phẩm được đầu tư nhiều hơn, cả về quy mô lẫn chiều sâu, tập hợp đội ngũ sáng tạo uy tín trong nghề là "mẫu số chung" của nhiều đơn vị sân khấu hiện nay. Các tác phẩm không chỉ được ghi nhận bằng sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả mà còn cả giới chuyên môn, thông qua các giải thưởng chính thức.

Nhà hát Tuồng Việt Nam thì nỗ lực đưa nghệ thuật "kén" người xem này ra môi trường không gian mở như phố đi bộ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Những người nghệ sĩ đã hơn 2 năm xa ánh đèn sân khấu, khao khát được cống hiến, được sống với nghề và gặp khán giả. Đáng mừng hơn, đối tượng tới xem Tuồng truyền thống rất đa dạng, từ người lớn tuổi cho tới học sinh, sinh viên và cả trẻ em; không ít người ngồi xem hết mấy tiếng đồng hồ mới đứng lên ra về. Thời điểm đó, Trưởng đoàn thể nghiệm Nhà hát Tuồng Việt Nam, NSƯT Lộc Huyền chia sẻ: "Ban giám đốc và phụ trách các đơn vị đều quán triệt các anh chị em nghệ sĩ phải tập luyện thật tốt, kỹ lưỡng để tạo ấn tượng đẹp đối với người xem. Đã lâu không biểu diễn, giờ được mọi người nồng nhiệt đón nhận, nghệ sĩ chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi và ai cũng nỗ lực với vai diễn để thu hút khán giả đến xem đông hơn".

Nửa nhiệm kỳ ngành VHTTDL: Sân khấu hồi sinh mạnh mẽ sau đại dịch - Ảnh 2.

Sân khấu nỗ lực đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ khán giả

Trên Fanpage của các nhà hát cũng đang tưng bừng quảng cáo truyền thông về các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Chiếu chèo của Nhà hát Chèo Việt Nam tại 71 Kim Mã, Hà Nội trở lại với những trích đoạn kinh điển như Thị Màu lên chùa, Dẹp đám vỡ nước, Xẩm Thập ân, Thầy đồ dạy học, Hầu đồng… Với sự tham gia của các đào, kép tài năng đã giành nhiều huy chương và giải thưởng ở các cuộc thi nghệ thuật chèo, khán giả đã trở lại với sân khấu chèo.

Tương tự, Nhà hát Tuổi Trẻ sáng đèn trở lại với những tác phẩm kinh điển của cố tác giả Lưu Quang Vũ đã thu hút đông đảo công chúng yêu mến kịch tác gia nổi tiếng này.

Chủ động bứt phá

Sự trở lại mạnh mẽ của các nhà hát với những đêm diễn đầy ắp khán giả là minh chứng cho sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật sân khấu, cũng cho thấy sự chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng của các nhà hát cho sự trở lại đầy bứt phá sau hai năm trầm lắng.

Để có được điều này, phải kể đến sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ VHTTDL. Rất nhiều cuộc làm việc trực tiếp và online giữa Thứ trưởng Tạ Quang Đông với lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn và các nhà hát để chuẩn bị cho sự trở lại đầy chủ động này. Lãnh đạo Bộ đã lắng nghe những thực trạng, tháo gỡ những vướng mắc của các Nhà hát, đề ra các giải pháp, tạo động lực cho các nghệ sĩ bắt tay ngay vào biểu diễn, sân khấu sáng đèn ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

Nửa nhiệm kỳ ngành VHTTDL: Sân khấu hồi sinh mạnh mẽ sau đại dịch - Ảnh 3.

Khán giả đến với sân khấu sau đại dịch

Không chỉ nâng cao chất lượng các chương trình biểu diễn, kết hợp với những tìm tòi, sáng tạo, nghệ thuật sân khấu đã thực sự trở lại mạnh mẽ sau khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch mở cửa.

Để nghệ thuật đến với khán giả không có con đường nào khác ngoài nâng cao chất lượng các tác phẩm. NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa Rối Việt Nam chia sẻ: "Tính hấp dẫn của mỗi một chương trình là yếu tố hàng đầu mà chúng tôi luôn muốn hướng tới và xác định đó là yếu tố sống còn để thu hút khán giả. Với nghệ thuật múa rối, các nghệ sĩ cần hoàn thành một chương trình mà ở đó những nét văn hóa tiêu biểu của người Việt Nam vẫn được giữ đậm nét. Từ đó, thổi vào tình yêu đến thế hệ hôm nay để duy trì, gìn giữ nét văn hóa đó trường tồn. Ngoài ra, phải kết hợp với những thông điệp và câu chuyện hiện đại để khán giả nói chung và các em thiếu nhi thấy thú vị, hấp dẫn".

Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng hướng tới mở rộng đối tượng khán giả bằng việc xây dựng những tác phẩm có thể dung hòa các lứa tuổi, đều thấy hấp dẫn.

Cùng với mong muốn nâng cao chất lượng các tác phẩm, đem đến cho khán giả nhiều yếu tố mới lạ, Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã kết hợp ra mắt sản phẩm mang yếu tố nghệ thuật của cả hai loại hình. Chương trình nghệ thuật "Thượng thiên Thánh Mẫu" thời điểm đó đã nhận được sự phản hồi tích cực từ khán giả bởi sự chăm chút kỹ lưỡng, đầu tư lớn về chất lượng của nghệ thuật Cải lương và Xiếc.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam chia sẻ, có đầu tư biểu diễn, thường xuyên rèn luyện mới giúp các nghệ sĩ trẻ giữ được nghề. Bên cạnh đó, Nhà hát cũng thường xuyên thực hiện việc quảng bá nghệ thuật Tuồng đến giới trẻ thông qua các chương trình sân khấu học đường. "Chúng tôi đang liên kết với các trường, các câu lạc bộ yêu sân khấu, các sinh viên, có điều kiện giới thiệu nghệ thuật Tuồng thông qua các trường cao đẳng, trung học và đại học. Ngoài ra, để quảng bá nghệ thuật Tuồng, Nhà hát đã xây dựng trang web giới thiệu trực tuyến cho học sinh"- ông Phạm Ngọc Tuấn cho hay.

Điều đáng ghi nhận là sự nỗ lực của các nhà hát để tạo ra các sản phẩm hướng tới xây dựng và nuôi dưỡng những cái tốt đẹp của con người và có sức lan tỏa thấm sâu vào đời sống, đồng thời phát hiện những vấn đề của chính thực tiễn đang đặt ra, đặc biệt là cuộc đấu tranh ngày càng quyết liệt giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa, cái thiện và cái ác. Những sản phẩm văn hóa, tác phẩm văn học, nghệ thuật ra đời và đến với công chúng bằng hình thức online ngay trong những ngày đang ở tâm đại dịch Covid-19 và đến trực tiếp với khán giả ngay sau đại dịch được kiểm soát đã trở thành món ăn tinh thần đặc sắc, góp phần động viên to lớn đối với mỗi khán giả./.

Hồng Hà

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×