Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nửa nhiệm kỳ ngành VHTTDL (Bài 3): Hướng tới mục tiêu xa

14/08/2023 | 13:54

Sau thành công từ hai kỳ SEA Games 31, 32 và Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX, ngành thể thao Việt Nam tiếp tục hướng tới các mục tiêu quan trọng còn lại trong nửa nhiệm kỳ sau.

SEA Games 32 được xem là kỳ đại hội rất thành công với thể thao Việt Nam khi giành vị trí nhất toàn đoàn. Dù chủ nhà Campuchia không tổ chức nhiều môn, nội dung thi đấu Olympic, nhưng với trên 50% huy chương tới từ các môn Olympic, ngành thể thao đang thực hiện đúng hướng đi liên thông giữa các giải cấp độ giải đấu, tạo đà từ SEA Games định hướng tập trung cho các môn ASIAD và Olympic.

Vào tháng 10 tới đây, các VĐV Việt Nam sẽ bước vào tranh tài tại ASIAD 19 được tổ chức tại Trung Quốc ở 32 môn thể thao. Thành tích tại SEA Games 32 được xem như như bước chạy đà, cơ hội cọ xát, kiểm tra thành tích giai đoạn và tính toán điểm rơi phong độ của các VĐV.

Nửa nhiệm kỳ ngành VHTTDL (Bài 3): Hướng tới mục tiêu xa - Ảnh 1.

Các môn thể thao Việt Nam tích cực tập luyện hướng tới ASIAD sau thành công ở SEA Games

Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục TDTT cho biết, tới thời điểm hiện tại, hầu hết các bộ môn dự kiến sẽ tham gia tranh tài ở ASIAD 19 đang tích cực tập luyện tại các Trung tâm HLTTQG trên toàn quốc. Trong đó, có một số nhóm môn có VĐV vẫn đang trong quá tập huấn tại nước ngoài để nâng cao, hoàn thiện trình độ chuyên môn trước ngày lên đường sang Hàng Châu.

"Trong thời gian vừa qua, các VĐV trọng điểm của Việt Nam đã và đang tích cực chuẩn bị cho ASIAD 19. Chúng tôi cũng chọn những môn trọng tâm, trọng điểm cử đi tập huấn, chuẩn bị cho giải đấu. Các VĐV, bộ môn còn lại đều tập trung tập luyện tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia" - bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục TDTT cho biết.

Theo bà Lê Thị Hoàng Yến, ngành thể thao Việt Nam đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng trong một thời gian dài để hướng tới kỳ đại hội thể thao lớn nhất châu lục với mục tiêu mang về các tấm huy chương. Dù vậy, so với SEA Games, mức độ cạnh tranh tại ASIAD chắc chắn sẽ quyết liệt hơn khi quy tụ rất nhiều các VĐV hàng đầu châu lục.

"ASIAD là đấu trường lớn, quy tụ nhiều VĐV xuất sắc từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... So với họ, các VĐV khu vực Đông Nam Á vẫn còn khoảng cách tương đối xa. Vì vậy nên các VĐV của chúng ta cần phải có sự cố gắng rất cao mới có thể giành được những thành tích tốt" - Phó Cục trưởng Cục TDTT cho hay.

Tăng cường công tác đào tạo VĐV trẻ

Trong nhiều năm qua, công tác đào tạo tài năng trẻ của ngành thể thao Việt Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng được quan tâm và chú trọng thực hiện theo hướng đồng nhất ở tất cả các cấp. Dưới sự quan tâm, theo dõi, chỉ đạo sát sao của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên trẻ, vận động viên năng khiếu và việc phong cấp cho VĐV, HLV đã được củng cố, tạo tiền đề cho các thành tích trên đấu trường quốc tế.

Nửa nhiệm kỳ ngành VHTTDL (Bài 3): Hướng tới mục tiêu xa - Ảnh 2.

Nhiều VĐV trẻ được đầu tư mạnh để chuẩn bị cho tương lai

Ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Cục TDTT) cho biết: "Để đánh giá trình độ phát triển nền thể thao của mỗi quốc gia, bên cạnh thành tích, kỷ lục, cơ sở vật chất hay những sự kiện thể thao quốc tế được tổ chức đăng cai... lực lượng tài năng trẻ cũng được xem là một trong những yếu tố quan trọng. Đây chính là nguồn vận động viên tiềm năng cung cấp sức mạnh thể thao cho mỗi quốc gia trong tương lai".

Ngay từ đầu năm 2023 Vụ Thể thao thành tích cao 1, 2 đã tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục TDTT về công tác đào tạo VĐV trẻ như sau. Trong đó, thành lập Hội đồng tuyển chọn, tập trung chủ yếu vào 2 độ tuổi trung bình từ 15 đến 18 tuổi và 12 đến 17 tuổi ở các môn thể dục. Dự kiến 2 Vụ sẽ tập trung đội tuyển trẻ quốc gia khoảng 1.413 VĐV, 301 HLV và 5 chuyên gia, tại 5 địa điểm tập huấn. Thời gian tập huấn đủ 365 ngày từ ngày 1/1/2023 đến 31/12/2023. Như vậy, việc đào tạo được liên thông cả năm và liên tục. Đây là những nhân tố nằm trong kế hoạch về việc "Tăng cường công tác đào tạo vận động viên trẻ chuẩn bị cho ASIAD 2026, Olympic 2028 và các đại hội thể thao trong tương lai".

Cụ thể, sẽ có 444 vận động viên, 103 HLV, 2 chuyên gia tập trung tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội; 246 VĐV, 47 HLV, 1 chuyên gia tập trung tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia TP. Hồ Chí Minh; 284 VĐV, 57 HLV, 1 chuyên gia tập trung tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng; 235 VĐV, 52 HLV, 1 chuyên gia tập trung tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ và 204 VĐV, 42 HLV tập trung tại Đại học TDTT Bắc Ninh.

Theo dự kiến của cả 2 Vụ, trong năm 2023, các VĐV trẻ sẽ được thi đấu, cọ xát khoảng 60 giải trẻ quốc gia cùng khoảng 50 giải trẻ Đông Nam Á, Châu Á và Thế giới.

"Những giải đấu này nhằm giúp VĐV có điều kiện cọ xát, nâng cao trình độ, thành tích đồng thời kiểm tra đánh giá công tác huấn luyện nhằm kịp thời điều chỉnh kế hoạch huấn luyện" - ông Hoàng Quốc Vinh cho biết.

Bạch Dương

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×