Nửa nhiệm kỳ ngành VHTTDL (Bài 1): Ngành thể thao đối mặt thách thức
12/08/2023 | 22:15Do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, ngành thể thao Việt Nam trong 2 năm 2021 và 2022 đã có những quyết sách khẩn trương, kịp thời để giành được những thành công lớn.
Lời mở đầu: Nửa nhiệm kỳ đầu được đánh giá là thời điểm khó khăn với ngành VHTTDL nói chung và thể thao Việt Nam nói riêng khi phải đương đầu với rất nhiều thử thách, đặc biệt là những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Dù phải đối đầu với những thách thức to lớn, nhưng với sự đồng lòng của các cấp lãnh đạo cùng những hướng đi, quyết sách đúng đắn, ngành thể thao đã nhanh chóng ổn định và giành được nhiều thành tích đáng ghi nhận!
Bùng phát vào cuối tháng 1/2020 tại Việt Nam, dịch Covid-19 nhanh chóng khiến tất cả các ngành nghề bị "tê liệt" với tốc độ lây lan nhanh. Trước tình hình cấp bách, Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra những chính sách phòng, chống dịch hiệu quả và giúp cuộc sống của người dân trở lại bình thường sau hơn 2 năm. Dù vậy, cũng như những ngành nghề khác, ngành thể thao cũng phải chịu những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch.
Do dịch diễn biến phức tạp của dịch trong năm 2020, VĐV các môn đa phần chỉ tập chay tại các Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia mà không được thi đấu, cọ xát. Điều này khiến việc chuẩn bị cho các giải đấu lớn phía trước gặp nhiều khó khăn.
Không những vậy, tất cả các giải đấu trong nước, quốc tế đều buộc phải hủy/hoãn sang năm 2021. Điều này vô hình chung khiến lịch thi đấu trong năm 2021 trở nên rất dày đặc gây ảnh hưởng đến việc sắp xếp, cân bằng giữa thi đấu, tập luyện, tính toán điểm rơi phong độ, đặc biệt, năm 2021 là năm Việt Nam sẽ đăng cai là nước chủ nhà SEA Games 31 theo kế hoạch.
Sau một năm phòng chống dịch, bước sang năm 2021, dù diễn biến của đại dịch Covid-19 đã có phần ổn định hơn. Tuy nhiên, ảnh hưởng dịch bệnh còn hiện hữu với các đợt bùng phát khiến một lần nữa các giải đấu phải hủy/hoãn. Cụ thể, trong năm 2021 ngoài vai trò là nước chủ nhà của kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), thể thao Việt Nam cũng tham gia tranh tài ở một số sự kiện thể thao quốc tế lớn, trong đó có: Đại hội thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á; Đại hội thể thao bãi biển châu Á; Thế vận hội Olympic Tokyo 2020; Đại hội thể thao trẻ châu Á và Đại hội thể thao sinh viên thế giới. Trong đó, SEA Games 31 buộc phải lùi thời gian tổ chức sang năm 2022.
Với dày đặc các sự kiện lớn như trên, công việc chuẩn bị của ngành TDTT vì thế đã tăng lên đáng kể trong năm 2022, trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là tổ chức thành công SEA Games 31 trên sân nhà.
Thực tế, trong nửa nhiệm kỳ gồm 2 năm 2021, 2022 của ngành VHTTDL, ảnh hưởng của dịch Covid 19 khiến cho số lượng giải đấu thể thao trong nước, quốc tế tăng lên, có thể thấy rõ nhất là hai kỳ SEA Games 31 (lùi sang 2022), 32 (2023) được tổ chức chỉ cách nhau vỏn vẹn 1 năm. Điều này kéo theo thời gian chuẩn bị ngắn hơn, cộng với đó là tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp trong năm 2021, 2022 khiến cho kế hoạch tập huấn nước ngoài của các VĐV bị đảo lộn hoàn toàn và việc một số chuyên gia chưa thể sang Việt Nam đã gây không ít khó khăn cho ngành TDTT.
Vượt qua thách thức
Đứng trước tình hình và khối lượng công việc lớn trong năm, với chủ trương, thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch quyết liệt, vừa tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục TDTT đã tiếp tục triển khai thực hiện công tác tổ chức các giải thi đấu trong hệ thống quốc gia năm 2021 -2022; Thí điểm tổ chức các giải thể thao trong tình trạng đại dịch kéo dài… ngành Thể thao Việt Nam đã xây dựng phương án tổ chức các giải thể thao khép kín. Đồng thời triển khai các chính sách "đi trước, đón đầu" khi trong công tác thể thao quần chúng.
Cụ thể, ngành đã tích cực triển khai, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, thể lực, phòng, chống bệnh tật giai đoạn 2021-2025, với chủ đề "Cả nhà tập ngay, đánh bay Covid". Chương trình đã nhanh chóng đạt được hiệu quả ngoài mong đợi với số lượng người tham gia tập luyện tăng cao.
Toàn ngành tích cực triển khai cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", phong trào "Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa", phong trào "xây dựng thôn, bản, xã, phường văn hóa, gia đình văn hóa" và "Chương trình xây dựng nông thôn mới" trong tất cả các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân viên chức, nông dân, lực lượng vũ trang, người khuyết tật. Chỉ đạo hướng dẫn các ngành, địa phương tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" giai đoạn 2021-2030 và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2021.
Công tác tập huấn đối với các đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia được duy trì tại 4 gồm Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh.
Các Trung tâm đều được yêu cầu thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ VĐV, HLV; tăng cường dọn dẹp vệ sinh, tổ chức phun xịt thuốc diệt khuẩn, cấp phát khẩu trang, trang bị nước rửa tay diệt khuẩn tại khu vực công cộng, thực hiện rà soát tất cả những trường hợp đi từ vùng có dịch hoặc tiếp xúc gần với những trường hợp được xác định dương tính, người có nguy cơ lây nhiễm để thực hiện các biện pháp cách ly theo quy định.
Việc điều chỉnh linh hoạt kế hoạch tổ chức các hoạt động chuyên môn để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giúp hầu hết các giải thể thao quốc gia trong 2 năm qua đều đạt kết quả chuyên môn đề ra.
Ngành thể thao cũng chủ động phối hợp với các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia và các địa phương tổ chức các giải thể thao quốc gia, mở các lớp tập huấn trọng tài, HLV thể thao đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 quốc gia và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bên cạnh đó, trước tình hình các giải đấu bắt đầu trở lại sau ảnh hưởng của dịch với mật độ dày, ngành thể thao đã xây dựng kế hoạch liên thông các mục tiêu, xen kẽ thời gian tập huấn, tập luyện thích hợp để tính toán điểm rơi phong độ nhằm đạt được kết quả tốt nhất.
Từ những bước chuẩn bị trên, có thể thấy, ngành thể thao đã có những quyết sách, hướng đi đúng đắn, kịp thời để đặt những "viên gạch" đầu tiên cho những thành công tiếp nối của nửa nhiệm kỳ.