Nữ cán bộ không ngại hiến đất làm đường cùng dân
28/05/2019 | 16:28Từ một người nông dân năng nổ, chị Lê Thị Lụa được nhân dân tin yêu, bầu làm cán bộ xã. Cùng với việc vận động nhân dân phát triển kinh tế, làm giàu, chị đã cùng người dân hiến đất, làm đường góp phần làm cho miền đất biên cương thay da đổi thịt.
Cán bộ phải nêu gương
Những tấm gương bình dị mà cao quý đã trở thành hoạt động ý nghĩa, không chỉ giới thiệu, tôn vinh những tấm gương người tốt, việc tốt trên khắp mọi miền mà còn góp phần làm cho nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ. Mỗi hình ảnh, bài viết là một câu chuyện cảm động về những con người đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, dốc lòng, dốc sức vì lợi ích cộng đồng, vì đất nước.
Trong những người được vinh danh tại Triển lãm Những tấm gương bình dị mà cao quý do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhân dịp kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chị Lê Thị Lụa là một nhân vật có nhiều thiện cảm với khán giả.
Chị Lê Thị Lụa
Chị Lê Thị Lụa hiện là Bí thư Đảng ủy xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, Yên Bái. Đi lên từ nông dân, chị hiểu nỗi khó khăn, vất vả của người dân vùng cao. Những ngày chị mới nhận nhiệm vụ, đời sống bà con nghèo khó, sản xuất manh mún nhỏ lẻ, đường sá khó khăn, cản trở phát triển kinh tế.
Chị chia sẻ, những ngày cùng nhân dân nghĩ xem làm gì, nuôi con gì, trồng cây gì để phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu thổ nhưỡng của vùng quê Yên Bái, cho đến hôm nay, chị mới dám thở phào tin là mọi việc đã và đang đi đúng hướng. "Từ thời hợp tác xã, vùng quê Trấn Yên đã phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm. Nhưng sau đó bỏ bẵng một thời gian dài. Để triển khai lại nghề, chúng tôi phải nghiên cứu nhiều"- chị Lụa chia sẻ.
Bắt đầu từ việc triển khai đăng ký xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến theo Chỉ thị số 05, với sự chủ động, quyết tâm, dám nghĩ, dám làm cùng với việc phát huy trí tuệ tập thể, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, chị đã bàn với cấp ủy, cùng Ủy ban nhân dân mạnh dạn quy hoạch xã thành 3 vùng phát triển kinh tế tập trung dựa trên thế mạnh của từng vùng... Với sự cần cù của người dân trong xã và qua nắm bắt thị trường, đến nay diện tích cây dâu toàn xã là 108 ha, các tổ hợp tác được quan tâm vay vốn ưu đãi, đất sản xuất đã phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, hằng năm thu hơn 22 tỷ đồng từ việc bán tơ tằm.
Chị Lê Thị Lụa tâm sự, để đạt được điều đó tuy rằng máu chưa đổ nhưng mồ hôi, nước mắt cũng nhiều. Dẫu vậy, hạnh phúc nhất của người cán bộ, Đảng viên không gì hơn là giúp đời sống nhân dân ngày một nâng cao. "Nhìn lại năm tháng qua, cùng dân giải phóng mặt bằng hàng nghìn mét vuông đồng lúa chín trong một tuần, mở đường, đổ đường bê tông nối làng, đóng góp hỗ trợ những gia đình nghèo hiến đất… việc nào tôi cũng tự nhủ, là người lãnh đạo, gian khổ đến mấy cũng xung phong đi trước, làm trước"- chị Lụa chia sẻ.
Đó là lý do vì sao chị là người tiên phong hiến hơn 2 sào ruộng của gia đình cho việc làm đường, làm Nhà văn hóa của xã. Chị bảo: "Lúc ấy tôi nghĩ, nếu mình muốn dân hiến đất, tại sao mình không hiến trước? Trong khi, mình là cán bộ, mình còn có đồng lương của Nhà nước, còn người nông dân thì không có gì ngoài mảnh ruộng".
Nghĩ là làm, chị vận động gia đình đồng ý để chị hiến đất. Từ việc làm của chị, cùng với sự thuyết phục, vận động, động viên của các cán bộ, nhiều gia đình đã tham gia hiến đất để phát triển hạ tầng của xã. "Tôi làm, cán bộ của tôi cũng làm nhiều việc hiến đất, nên nhân dân địa phương cũng coi việc hiến đất phát triển kinh tế xã hội là việc rất quen"- chị Lụa cho biết.
Chị Lụa kể, có một trường hợp, một chị phụ nữ cũng đã luống tuổi, sống đơn thân không chồng, con. "Chị này có 3 sào đất gồm cả nhà, ruộng, vườn…. Đó là gia tài của chị ấy, nhưng chị ấy đã hiến đến 2 sào. Chúng tôi biết hoàn cảnh chị ấy khó khăn như vậy, nên vận động các cán bộ trong xã đóng góp được gần 20 triệu để hỗ trợ chị ấy. Chúng tôi tổ chức lễ trao quà tặng cho chị ấy ở xã, chị ấy vô cùng bất ngờ và xúc động. Lúc đó, tôi cũng xúc động vì đã làm được những việc ý nghĩa, hợp lý hợp tình"- chị Lụa chia sẻ.
Chị Lê Thị Lụa (áo dài màu vàng) tại lễ giao lưu điển hình tiêu biểu năm 2019 trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Học Bác từ những điều giản dị
Cho đến nay, xã Việt Thành đã vận động, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đã tự nguyện hiến trên 57.000m2 đất để làm sân thể thao, nhà văn hóa thôn; đóng góp nâng cấp điện chiếu sáng ở 5 trong số 8 thôn, làm mới 11 km đường bê - tông; mở mới 9,3 km đường ra khu sản xuất... Đảng bộ xã Việt Thành nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh; chị Lê Thị Lụa từ năm 2010 đến nay được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái tặng 9 Bằng khen cùng nhiều phần thưởng. Chị vừa được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Trấn Yên giới thiệu bầu bổ sung vào Ban chấp hành Đảng bộ huyện.
Chị Lụa bảo, kết quả này là nhờ công lớn của người dân trong xã. Với vai trò lãnh đạo của mình, chị chia sẻ kinh nghiệm, cứ làm việc hết lòng thôi. "Tôi nghĩ cứ làm việc hết lòng thì sẽ được cán bộ đồng thuận, nhân dân ủng hộ"- chị Lụa cho biết.
Chị bảo, có những ngày mưa rào, nhưng để kịp tiến độ làm đường, có những hộ dân chưa kịp giải phóng mặt bằng, cán bộ phải xắn tay vào cuộc. "Nhân dân đồng thuận rồi, nhưng có những hộ gia đình không có điều kiện để giải phóng mặt bằng. Mưa rào, dân chưa kịp gặt lúa, người cán bộ mặc áo mưa, đội nón đi gặt cho dân. Đó là chuyện bình thường ở Trấn Yên"- chị Lụa kể.
Từ những kết quả đạt được ở địa phương, chị Lụa được vinh danh là tấm gương bình dị mà cao quý. Chị bảo, rất bất ngờ, không nghĩ là những việc mình làm để được thế này, thế kia. Cái gì làm được thì cứ làm, khi được về Hà Nội dự giao lưu, chị rất hạnh phúc và vui. Chị xác định, phải cố gắng hơn nữa để hoàn thiện, làm được nhiều hơn, học tập theo Bác Hồ nhiều hơn.
"Những việc tôi làm mộc mạc, đơn giản thôi. Tôi xác định học tập Bác Hồ không phải là học việc gì lớn lao. Học tập Bác Hồ về tác phong bình dị, giản dị, phong cách làm việc biết kính trên, nhường dưới, vì mọi người. Bên cạnh đó là học theo các bậc lãnh đạo đi trước và học ở dân. Phải xuống để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân. Người dân là những người trực tiếp làm việc, vì vậy trên thực tế họ giỏi lắm. Tôi xác định nhiều cái phải học, học mọi lúc mọi nơi. Học tấm gương thực tế ngay trong địa phương mình. Học trong cách làm, cách nghĩ, cách tư duy. Việc gì giúp cho nhân dân, cho địa phương tôi không tiếc. Chỉ cần có sức khỏe để cống hiến nhiều hơn. Mình may mắn hơn người dân nhiều. Dân nghèo còn ủng hộ mình như thế, thì bản thân mình tại sao không cố gắng để làm tốt"- chị Lụa bộc bạch./.