NSNA Chu Chí Thành: Nhiếp ảnh đã để lại cho đất nước một kho tư liệu lịch sử vô giá
10/03/2023 | 08:57Tháng 3 năm nay, giới nhiếp ảnh Việt Nam kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023). Nhân dịp này, phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trò chuyện với NSNA Chu Chí Thành.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành là một cựu phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam, ông có nhiều bức ảnh để đời về đề tài chiến tranh, nhưng đặc biệt "có duyên" với những hình ảnh hướng tới hòa bình. Với sự nhạy cảm của một phóng viên chiến trường, ông đã chụp được nhiều bức ảnh chân thực, phản ánh khát vọng hòa bình, thống nhất và hòa hợp dân tộc. Ông cũng là một trong ít những nghệ sĩ đạt được cả hai giải thưởng cao quý: Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.
Ngày 15/3/1953 tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam. Đây là mốc son đánh dấu sự phát triển rực rỡ của Nhiếp ảnh Việt Nam sau này. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Sắc lệnh số 147/SL do Chính phủ ban hành là văn bản rất đặc biệt đối với Nhiếp ảnh và Điện ảnh. Có thể nói rằng, Bác Hồ là người nhìn xa trông rộng, chăm lo đến rất nhiều ngành nghề của đất nước mình, riêng về thông tin tuyên truyền nhất là nhiếp ảnh, Bác lại có một quan tâm đặc biệt. Bởi khi còn ở Pháp, Bác đã làm nghề chấm sửa ảnh để có tiền nuôi bản thân và hoạt động cách mạng, cũng như viết báo để vận động quần chúng ở Việt kiều và trong nước làm cách mạng. Chính vì thế, Bác rất am hiểu về nghề nhiếp ảnh và hơn nữa Bác hiểu rất rõ về giá trị của nhiếp ảnh là giá trị tài liệu. Những bức ảnh ghi lại hoạt động của Đảng, Nhà nước, của nhân dân, bộ đội và các trận đánh, chiến dịch là một tài liệu lịch sử cho nên Bác mới quyết định thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam năm 1953.
Từ khi sắc lệnh ra đời, các nhà nhiếp ảnh như có một điểm tựa, một hướng đi để hoạt động nghệ thuật. Bởi vì, tuy ngắn gọn súc tích nhưng nội dung của sắc lệnh đã bao quát, định hướng rõ cho các hoạt động văn học nghệ thuật, không chỉ trong thời điểm kháng chiến chống Pháp mà còn có giá trị đến hôm nay và mai sau không chỉ riêng cho hai ngành văn hóa thị giác là Nhiếp ảnh và Điện ảnh, bởi văn hoá, nghệ thuật phải phục vụ nhân dân và phụng sự Tổ quốc. Từ đó, ngày 15/3 đã trở thành ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam và có ý nghĩa rất lớn đối với những người làm nhiếp ảnh như chúng tôi.
Sau 70 năm, ông nhận thấy Nhiếp ảnh Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật và thay đổi như thế nào?
- Trải qua 70 năm phải nói rất đáng mừng khi ngành Nhiếp ảnh của Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ, có thể sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Nhiếp ảnh đã đồng hành cùng sự phát triển của đất nước bằng việc cổ vũ, động viên, truyền thông mạnh mẽ bằng thị giác, cảm xúc, đưa đến cho mọi tầng lớp nhân dân những hình ảnh hiện thực, sinh động và tạo ra ngày càng nhiều hơn những bức ảnh có giá trị ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam, tiềm năng Việt Nam, con người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Với sự lao động sáng tạo của nhiều thế hệ nhiếp ảnh, từ năm 1953 đến nay, Việt Nam có hàng triệu bức ảnh đã được công bố trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, những bức ảnh tư liệu, nghệ thuật, báo chí đang lưu giữ trong các bảo tàng trung ương và địa phương; các ngành văn hoá, kinh tế và xã hội; trong các triển lãm, sách ảnh, báo chí ở Việt Nam và nước ngoài…
Bên cạnh đó, nhiếp ảnh ngoài việc cổ vũ nhân dân trong các cuộc chiến tranh giữ nước và phát triển đất nước còn có giá trị ghi chép lịch sử hiện thực bằng ảnh. Nhiếp ảnh đã để lại cho đất nước một kho tư liệu lịch sử vô giá được ghi nhận bằng các phần thưởng cao quý của Đảng, Chính phủ nước ta.
Là một phóng viên chiến trường, trải qua những năm tháng bất chấp hiểm nguy gian khổ đó đã giúp ông có được những bức ảnh vô cùng giá trị như cụm tác phẩm "Từ ngục tối thắng lợi trở về" (nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2012) và cụm tác phẩm "Hai người lính" (nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh 2022). Ông có thể chia sẻ thêm về những bức ảnh quý giá này?
- Tôi rất mừng khi là được 1 trong 3 nhiếp ảnh đạt cả hai giải thưởng Nhà nước và giải thường Hồ Chí Minh. Về giải thưởng Nhà nước, đó chỉ là 4 bức ảnh trong vô số những hình ảnh ấn tượng, xúc động mà tôi đã ghi lại được trong sự kiện trao trả tù binh năm 1973 bên bờ sông Thạch Hãn. Bờ Bắc sông Thạch Hãn là nơi tập kết tù binh quân đội Sài Gòn, còn bờ Nam là thị xã Quảng Trị - nơi tập kết các chiến sĩ cách mạng bị giam giữ trong các nhà tù Mỹ - Thiệu để chờ trao trả.
Đứng bên bờ Bắc, tôi nhìn thấy các chiến sĩ của ta khi đến bờ sông đã cởi phăng quần áo ngoài và biểu ngữ, cờ cách mạng không biết anh em cất giữ ở đâu được giương ra rất khí thế. Khi xuồng máy của phía Sài Gòn đưa các chiến sĩ ta ra giữa sông, anh em nhảy ào xuống, có những chiến sĩ chỉ còn một chân cũng lao xuống dòng sông cùng đồng đội nhưng rồi không đứng được, họ lại ôm lấy nhau, dìu nhau vào bờ. Bộ ảnh đó khiến cho nhiều người rất xúc động, đặc biệt hình ảnh hai vợ chồng chiến sĩ giải phóng xa cách nhau 13 năm, đến ngày trao trả tù binh mới gặp được nhau.
Về giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm tác phẩm Hai người lính, đây là một đề tài tôi ấp ủ rất lâu, phải sau 45 năm tôi mới gặp lại hai người lính lần thứ hai nên sau khi gặp được tôi mới đưa những bức ảnh này ra để dự thi. Một bộ ảnh rất độc đáo, không ai có, đó là hình ảnh người lính Sài Gòn trên xuồng đi vào Nam họ quay lại vẫy tay chào đất Bắc, chỉ có người Việt Nam mới có tình cảm như vậy và đó là những giây phút xuất thần mà tôi bắt gặp được. Đồng thời, bộ ảnh đã thể hiện được tinh thần của dân tộc Việt Nam như Bác Hồ nói "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một".
Theo ông, điều gì thú vị nhất với phóng viên chiến trường những năm tháng ác liệt đó?
- Được làm phóng viên chiến trường là hạnh phúc lớn với tôi. Điều thú vị nhất của người cầm máy ảnh là may mắn được tiếp cận với thực tế sôi động của đất nước và mình trở thành người ghi sử bằng hình ảnh. Và đúng thật, những bức ảnh mà tôi và rất nhiều phóng viên chiến trường lúc đó đã ghi lại là tài liệu lịch sử nhưng mang giá trị thẩm mỹ rất cao, mà không có phương tiện nào khác hay hơn nhiếp ảnh và điện ảnh. Sự thực ở đây thuyết phục bằng hình ảnh chứ không phải bằng suy diễn hay lập luận xa vời.
Tôi muốn ghi lại tất cả hiện thực bằng hình ảnh. Với báo chí, sự thật quan trọng nhất. Sự thật rung động trái tim dù quá khứ, hiện tại hay tương lai. Một Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn đã qua, nhưng những con người làm nên những ngày tháng oai hùng ấy sẽ vẫn được nhắc nhớ.
Là một thế hệ đi trước, ông nghĩ như thế nào về các nhiếp ảnh hiện nay?
- Hiện nay, không có nhiều các giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhiếp ảnh thời bình, chỉ có khoảng 3-4 tác giả đạt giải nên đây cũng là một vấn đề mà chúng ta cần suy nghĩ. Tuy nhiên, tôi không đánh giá quá sâu xa về nghệ sĩ ảnh vì mỗi thời mỗi khác. Không riêng phóng viên ảnh hiện nay mà ngay phóng viên ảnh sau hòa bình cũng đã khác nhiều. Người ta cứ nghĩ anh em phóng viên lớp sau chụp ảnh không hay, không đặc sắc, không đẹp bằng phóng viên thời chiến. Tôi nghĩ đây chưa phải nhận xét chính xác.
Tôi nghĩ giai đoạn nào sẽ có những người nghệ sĩ của giai đoạn đó, chúng tôi là những người đi trước đã hoàn thành tốt việc ghi lại những khoảng khắc, hình ảnh trong chiến tranh và xây dựng hòa bình. Còn bây giờ các bạn trẻ có một chân trời mở rộng với những dòng ảnh khác nhau như kỹ xảo, ghép ảnh… vậy nên chúng ta không nên bắt buộc các bạn phải đi theo lỗi cũ của chúng ta mà hãy để cho các lớp trẻ thỏa sức sáng tạo theo lối riêng của mình.
Nhưng để có những tác phẩm tốt, bằng với kinh nghiệm của mình, tôi khuyên các bạn trẻ cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng và bản lĩnh nghề nghiệp. Bản lĩnh chính trị là phải hiểu và đánh giá được các vấn đề xã hội theo sự phát triển của đất nước và của nhân loại, bản lĩnh nghề nghiệp phải có tay nghề vững, thể hiện được ý đồ chỉnh chu, tâm hồn của mình. Có hai cái đó đứng ở lĩnh vực nào cũng đều phát triển được. Tôi tin rằng các bạn trẻ bây giờ còn phát triển hơn chúng tôi ngày xưa bởi các bạn có điều kiện học hành, giao tiếp rộng, có phương tiện máy móc tốt, có những thông tin về nghiệp vụ nhiếp ảnh thường xuyên, nhất là bạn nào có ngoại ngữ thì sẽ hoạt động rất rõ ràng./.
Cảm ơn NSNA Chu Chí Thành!