"Nới lỏng" visa: Cơ hội vàng cho du lịch Việt Nam phát triển
30/03/2023 | 09:07Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy cho rằng, việc kéo dài gian lưu trú, tăng thêm các nước được cấp thị thực điện tử... sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh và là cơ hội vàng cho ngành du lịch Việt Nam phát triển.
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2023 vừa diễn ra ngày 27/3, các thành viên Chính phủ nhất trí đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ.
Chính phủ cùng đề xuất nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh chúng ta đang ưu tiên thu hút khách quốc tế, tăng khả năng cạnh tranh của thị trường Việt Nam so với các thị trường lân cận như Thái Lan hay Singapore.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL Phạm Văn Thủy đã có những chia sẻ về ý nghĩa của đề xuất mới về chính sách visa đối với ngành du lịch.
- Những đề xuất mới của Chính phủ về chính sách visa nếu được thông qua sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với ngành du lịch trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
Nếu được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới, đề xuất nới chính sách thị thực của Chính phủ sẽ là bước tiến mới để du lịch Việt Nam tăng sức hút với khách du lịch quốc tế. Đồng thời, tạo điều kiện nhập cảnh và lưu trú thuận lợi hơn cho du khách nước ngoài đến và lưu trú tại Việt Nam.
Với đề xuất mới, du khách quốc tế đến Việt Nam có thể lưu trú dài ngày và thoải mái ghé thăm các nước khác rồi quay lại Việt Nam mà không cần xin lại visa.
Việc này nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách để tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài gồm khách du lịch, nhà đầu tư, doanh nhân… trong nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam, góp phần phục hồi, phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.
Đây cũng là nỗ lực của Chính phủ nhằm tạo đột phá cho ngành du lịch bằng chính sách visa cả về chiều rộng và chiều dài. Về chiều rộng, chính sách visa điện tử sẽ nới rộng ra nhiều nước. Về chiều dài, thời gian lưu trú sẽ được đề xuất kéo dài hơn. Ngành kinh tế xanh và tất cả người làm du lịch đang ngóng đợi những đề xuất của Chính phủ sớm được thông qua và triển khai trong thực tiễn.
- Chính sách visa được nới lỏng sẽ tạo lợi thế cạnh tranh như thế nào cho du lịch Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, thưa ông?
Chính sách visa là điều kiện cần và đủ của hoạt động kinh doanh du lịch. Do vậy, nếu mở rộng các nước được cấp thị thực điện tử và kéo dài thời gian lưu trú cho du khách sẽ là cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển du lịch một cách bền vững, không chỉ ở giai đoạn phục hồi mà còn lâu dài về sau.
Đây cũng là mong muốn của các doanh nghiệp du lịch nói riêng và của ngành du lịch Việt Nam nói chung để đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch quốc tế đến với chúng ta.
Sự cạnh tranh để phát triển du lịch của các nước trong khu vực rất khắc nghiệt. Do vậy, Chính phủ mạnh dạn đề xuất với Quốc hội để nâng thời gian lưu trú và tăng thêm các nước để chúng ta cấp visa và thị thực, nhất là thị thực điện tử là cơ hội để chúng ta cạnh tranh lành mạnh với các nước trong khu vực, để khách du lịch quốc tế sẵn sàng đến với Việt Nam. Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội vàng cho ngành du lịch Việt Nam phát triển.
- Với chính sách mới, Tổng cục Du lịch sẽ có kế hoạch truyền thông cho những thị trường xa để thu hút và hấp dẫn du khách quốc tế như thế nào?
Ngành du lịch nói chung và Tổng cục Du lịch sẽ phải có trách nhiệm truyền thông các chính sách đến với tất cả các doanh nghiệp đưa khách đi và đón khách đến với Việt Nam, kể cả thị trường gửi khách và thị trường đón khách của chúng ta, để họ hiểu biết và nắm sâu hơn về các chính sách của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch, nhất là Hiệp hội Du lịch Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh về du lịch đưa khách đến với Việt Nam, đảm bảo yếu tố cần và đủ để khách đến khám phá.
- Sản phẩm du lịch của Việt Nam cần thay đổi như thế nào để thu hút khách quốc tế, thưa ông?
Cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những định hướng đối với các doanh nghiệp du lịch để tạo ra các sản phẩm du lịch mà khách cần chứ không phải chỉ đưa ra các sản phẩm du lịch mà chúng ta có. Tất nhiên nếu sản phẩm du lịch chúng ta đang có mà đáp ứng được nhu cầu của khách thì chúng ta vẫn phát triển, ngoài ra phải chú trọng các gói sản phẩm du lịch mà du khách quốc tế có nhu cầu.
- Trong 3 tháng đầu năm 2023 lượng khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam tăng trưởng khả quan, trong đó chúng ta đã đón khoảng hơn 2 triệu khách quốc tế. Theo ông mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay có khả thi?
Lượng khách du lịch quốc tế và nội địa trong 3 tháng đầu năm nay cho thấy tín hiệu vui đối với ngành du lịch. Từ kết quả 3 tháng đầu năm và sự chuẩn bị cho mùa du lịch trong bối cảnh năm nay chúng ta có nhiều sự kiện văn hóa lớn thì mục tiêu 8 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam mà ngành du lịch đặt ra chắc chắn khả thi.
Theo tôi, với 5 điểm đến du lịch lớn là 5 thành phố lớn đã có thể đáp ứng được mục tiêu thu hút 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Hy vọng, trong thời gian tới, du lịch Việt Nam sẽ ngày càng đáp ứng tốt những nhu cầu của khách du lịch quốc tế.
- Với việc Trung Quốc quyết định mở cửa du lịch theo đoàn vào Việt Nam từ ngày 15/3, chúng ta có những hoạt động xúc tiến để hút khách Trung Quốc tế đến Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Thị trường Trung Quốc luôn là một trong những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam, do vậy việc Trung Quốc mở cửa khách du lịch theo đoàn đến Việt Nam là tín hiệu đáng mừng với chúng ta.
Để thu hút khách du lịch Trung Quốc, chúng ta phải tạo ra các gói sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của du khách. Đồng thời, phải tăng cường quảng bá, giới thiệu những điểm đến du lịch hấp dẫn của chúng ta đối với Trung Quốc, để làm sao các doanh nghiệp du lịch của Trung Quốc có hiểu biết nhiều hơn, đậm nét hơn về Việt Nam và từ đó đưa khách du lịch đến Việt Nam.
Tổng cục Du lịch đã có những phối hợp với các địa phương để làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch ngay từ những đoàn khách Trung Quốc đầu tiên vào Việt Nam hôm 15/3. Việc xúc tiến du lịch với Trung Quốc là hoạt động thường xuyên, luôn có của chúng ta.
- Như ông nói, mục tiêu 8 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay là hoàn toàn khả thi, tuy nhiên, chúng ta làm thế nào để tăng chi tiêu của khách du lịch quốc tế ở Việt Nam?
Tăng mức chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam chính là mục tiêu thu hút thêm ngoại tệ, từ đó giảm lạm phát trong nước và có dự trữ ngoại tệ, tăng ngân sách cho địa phương nói riêng và đất nước nói chung.
Do vậy, cần phải làm mới các sản phẩm du lịch theo nhu cầu của khách cần chứ không phải là sản phẩm du lịch hiện có. Khách cần sản phẩm gì, chúng ta cần phải tạo ra sản phẩm đó, nhất là sản phẩm du lịch liên quan đến ẩm thực, văn hóa… Từ đó, dần dần biến tài nguyên văn hóa trở thành ngành công nghiệp và dịch vụ văn hóa thông qua con đường du lịch. Qua đó, tăng chi tiêu của du khách.
Bên cạnh đó, các sản phẩm quà tặng cũng là một yếu tố mà các địa phương, các điểm đến du lịch cần phải nghiên cứu và xây dựng ra sản phẩm.
Chúng ta có 54 dân tộc với 54 nền văn hóa đa dạng. Do vậy, mỗi một địa phương cần phải xây dựng một sản phẩm quà tặng đặc sắc, chuyên biệt riêng có của địa phương mình. Và để xây dựng được sản phẩm quà tặng với những tiêu chí đó cần thông qua các doanh nghiệp để biết nhu cầu của khách hàng, từ đó thiết kế và xây dựng nên sản phẩm.
- Xin cảm ơn ông!