Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nối dài truyền thống tranh Hàng Trống

14/02/2021 | 13:02

Thời gian phôi pha, hào quang nghề tranh Hàng Trống mờ dần, đã có lúc chỉ còn se sắt vài ánh tà dương. Nhưng rồi lại có những bàn tay gom những tia sáng yếu ớt đó chụm lại để nhen nhóm những hy vọng về một bình minh mới cho dòng tranh đặc sắc này.

Nối dài truyền thống tranh Hàng Trống - Ảnh 1.

Những chủ đề văn hóa truyền thống thu hút sự quan tâm của nhiều khách quốc tế.

“Ánh tịch dương” từ “nền cũ lâu đài”

Thăng Long xưa có một dòng tranh dân gian ở giữa kinh thành, in vẽ quanh năm, nhưng nô nức hơn là vào những ngày giáp Tết. Dòng tranh này đã nổi tiếng gần xa và là niềm tự hào của người Thăng Long - Hà Nội: Tranh Hàng Trống.

Tranh Đông Hồ mang Tết đến các vùng quê. Tranh Hàng Trống phục vụ nhu cầu của người dân kinh thành. Là sản phẩm của phường nghề mỹ thuật dân gian, song nó đã vượt lên trên chất mộc mạc, đạt được sự tinh tế, thỏa mãn được thị hiếu (có phần khó tính) của người kinh kỳ thanh lịch. Tranh Hàng Trống đã là một phần hồn cốt Thăng Long ngàn năm.

Những ngày giáp Tết nhà nào cũng tất bật, cây nêu dựng từ ngày ngày ông Công ông Táo, lo chuẩn bị “ăn Tết” phải có đủ câu đối, tràng pháo (đỏ), dưa hành, bánh chưng (xanh)... và tranh tết được dán để trang hoàng, tống cựu nghinh tân. Xưa, tranh vẫn bày bán ở đình Hàng Trống. Các phường thợ khắc tranh và in tranh như Hàng Gai, Hàng Nón, Hàng Quạt, Hàng Hòm, Hàng Đẫy, Hàng Gà... cũng đưa tranh đến bày bán tại đình Hàng Trống vào những phiên chợ giáp Tết. Cùng với cành đào bích từ vườn đào Nhật Tân, chậu thủy tiên mua từ chợ hoa Hàng Lược, một bức tranh Hàng Trống mới treo đủ làm sáng bừng không khí Tết trong những gia đình phong lưu.

Tranh thờ làm nên “thương hiệu” của tranh Hàng Trống. Nhưng nổi bật nhất của dòng tranh thờ Hàng Trống, xưa được gần xa mến mộ, nay được trân trọng lưu trữ là loại Tranh hổ. Những thế ngồi, đứng, “đằng vân”, những ánh mắt, chòm râu, vẻ mặt, cùng khí thế toàn thân, đều toát lên sức sống mãnh liệt, thần thái uy nghi, dáng vẻ oai phong của “chúa sơn lâm”. Tuy là tranh thờ, nhưng hiệu quả nghệ thuật tác phẩm đưa tới cho người xem không phải là cảm xúc tôn giáo nặng nề, mà là những cảm xúc thẩm mỹ trần thế, tràn đầy nhựa sống.

Nối dài truyền thống tranh Hàng Trống - Ảnh 2.

Tranh tứ bình tố nữ được thể hiện trên lụa và đặt vào bình phong.

Điểm đặc sắc dễ nhận biết là trên tất cả các tranh thờ của Hàng Trống là bao giờ nghệ nhân cũng dùng bột nhũ vàng (kim nhũ), bột nhũ bạc (ngân nhũ) để vẽ những hoa văn trang trí cuối cùng, tạo thêm vẻ lộng lẫy, lung linh, huyền ảo, làm tăng công năng phù hợp với tính thiêng liêng tôn giáo của tranh. Trong tranh Hàng Trống, phối hợp với nét in tinh nhỏ, màu trên tranh phần lớn được “vờn” tay rất bay bướm. Các sắc độ đậm nhạt chuyển đổi ý nhị, gây hiệu quả tạo khối cho hình. Màu tranh Hàng Trống mịn, mỏng, và tươi, làm cho không khí trong tranh rực rỡ hẳn lên. Tranh Hàng Trống có gợi khối, nhưng không tả thực theo hình mẫu tự nhiên, mà lấy hình để gợi ý theo chủ đề, bố cục theo phối cảnh ước lệ, bảo đảm tính cân đối trong không gian, thỏa mãn yêu cầu “thuận mắt” của người xem. Và cũng cần chua thêm rằng: Chỉ duy nhất nghệ nhân Hàng Trống sử dụng kỹ thuật “cản màu” (phẩm hay mực nho). Đây là kỹ thuật “vờn” đậm nhạt mang lại hiệu quả thẩm mỹ đặc biệt cho tranh. Người ta dùng “thép” - là một loại bút dẹt, ngọn bút làm bằng tóc, kẹp giữa hai mảnh gỗ và dùng sơn ta gắn lại. Sau khi đã tô đủ các màu trên tranh, người ta dùng “thép” để “cản” thêm một nước màu phẩm (hay mực nho) có độ đậm, pha đặc để vờn đậm nhạt cho màu sắc trên tranh. Trước khi “cản” giữa mảng màu với nét viền đen còn độ cách biệt đậm nhạt cao làm cho tranh bị “cứng”, bị tách ra. Khi cản màu, dựa theo nét đen để tạo cho nét đen lẫn vào khoảng đậm của màu phẩm, giảm độ cách biệt giữa nét đen và màu, tranh trở nên mềm mại hơn. Những nghệ nhân thường cản màu cho những đám mây trong các loại tranh thờ đạt hiệu quả nghệ thuật hết sức đặc sắc.

Kết nối và hy vọng tiếp nối

Lấy cảm hứng sáng tạo từ dòng tranh dân gian Hàng Trống xưa, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên khoa Hội họa, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã đưa một nhóm sinh viên tham gia Dự án “Từ truyền thống tới truyền thống”. Anh muốn đưa lớp học từ giảng đường ra thực tiễn. Qua Dự án các học viên vừa có thể tiếp thu kiến thức vừa có thể thực hành kỹ năng và còn có thể sáng tạo tác phẩm của mình.

Nối dài truyền thống tranh Hàng Trống - Ảnh 3.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đang hướng dẫn các sinh viên mỹ thuật.

Nhóm 26 sinh viên được tuyển chọn từ chuyên ngành sơn mài và lụa thuộc khoa Hội hoạ tham gia dự án đã có cơ hội tiếp thu khám phá trực tiếp từ những trải nghiệm thực tế với nghệ nhân Lê Đình Nghiên, người nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống. Đã có cuộc đối thoại đầy hứng khởi giữa những bức tranh của nghệ nhân Lê Đình Nghiên và những bài tập chép tranh dân gian của các sinh viên. Từ việc tiếp xúc và học hỏi kỹ thuật, trải nghiệm làm tranh với tình cảm yêu mến văn hoá, những nghệ sĩ trẻ đã có những ý tưởng và phương án sáng tạo lấy “cảm hứng nền” từ các chủ đề, các motiv truyền thống để có một cuộc trưng bày và tương tác với chính không gian ngôi đình Nam Hương trên phố Hàng Trống.

Nối dài truyền thống tranh Hàng Trống - Ảnh 4.

Tác phẩm “Ở trọ” lấy cảm hứng từ tranh cổ Hàng Trống “Lý ngư vọng nguyệt”.

Cũng là “ngũ hổ”, là “lý ngư vọng nguyệt” (cá chép trông trăng), là “tứ quý”, “tố nữ”… nhưng được thể hiện bằng chất liệu sơn mài, được đưa lên lụa, được trang trí trên các vật phẩm lại mang những hiệu ứng mới. Các chủ đề cũ được mang những góc nhìn mới, những triết lý khác để truyền tải những thông điệp mới trong cuộc sống hiện đại, những vấn đề “nóng” của xã hội, của môi trường.... Hình cổ của bộ tứ bình tố nữ vẫn giữ nguyên nhưng màu sắc được sinh viên Phạm Anh Tuấn làm mới. Bộ tranh vốn được in trên giấy, treo thành bộ, nay được vẽ trên lụa căng vào bình phong mở ra những khả năng ứng dụng mới trong thiết kế nội thất. Đề tài “kinh điển” cá chép ngắm trăng được học viên Ngô Nhật Thanh chồng lển hai lớp lụa mỏng, thêm họa tiết sóng nước lay động mỗi khi gió thoảng để nói về “Ở trọ” (trần gian ?) - hư ảo như bóng trăng, mong manh như sóng nước. Mỗi tác phẩm là một phương án ứng tác - từ những xu hướng thiết kế cho đến những thử nghiệm có khả năng tương tác cao chứa đựng những suy tư về giá trị di sản của văn hoá truyền thống trong đời sống hiện đại. Nghệ nhân - chế tác theo khuôn mẫu và công nghệ cổ truyền, đã được kết nối với nghê sĩ - sáng tạo tác phẩm mới, để mỹ thuật dân gian truyền thống nối được mạnh liền với mỹ thuật và cả thiết kế hiện đại. Tất cả đều được đặt trên bệ đỡ vững trãi của bản sắc văn hóa truyền thống. Tất cả đã nhen nhóm lên hy vọng những giá trị truyền thống của dòng tranh Hàng Trống sẽ không lụi tắt mà được tái sinh, được được nối dài trong cuộc sống xã hội hiện đại.

Nối dài truyền thống tranh Hàng Trống - Ảnh 5.

“Ngũ hổ” được thể hiện trên chất liệu sơn mài.

Đình Nam Hương của phường tranh Hàng Trống xưa, nay mới được tôn tạo cũng mang thêm chức năng mới. Ngoài chức năng tâm linh thờ cúng thành hoàng, tôn vinh nghề tranh và là điểm sinh hoạt cộng đồng, đình Nam Hương nay đã là một không gian văn hóa nghệ thuật. Ở đây có sự kết nối truyền thống của một phường nghề bản địa với những sáng tác của các nghệ sĩ trẻ. Đây cũng là một điểm nhấn văn hóa của quận Hoàn Kiếm, của Ban quản lý phố cổ để truyền thống được viết tiếp và các thế hệ sau sẽ tạo ra những truyền thống mới.

Theo Nhandan.com.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×