Nỗ lực giữ gìn hồn cốt dân tộc qua nhạc cụ truyền thống Việt Nam
08/06/2023 | 09:57Với nền văn hóa dân gian, nhạc cụ dân tộc như là những viên ngọc quý, sáng đẹp mang sức sống tiềm tàng góp phần làm giàu thêm cho nền âm nhạc Việt Nam. Chính vì thế, lo ngại trước sự lên ngôi của các loại đàn điện tử lấn át nhạc cụ truyền thống, một số nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà văn hóa miệt mài níu giữ và bảo tồn những "đặc sản" tinh thần và văn hóa dân tộc.
Mỗi nhạc cụ dân tộc là sứ giả văn hóa của Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia đa sắc tộc, mỗi một dân tộc đều có phong tục, tập quán riêng, ngôn ngữ tiếng nói riêng, trong đó có nền âm nhạc mang sắc thái riêng, bao gồm kho tàng dân ca, nhạc cụ phong phú, đặc sắc gắn liền với đời sống tinh thần, vật chất và tâm linh của đồng bào.
Là một nghệ sĩ đã gắn bó hơn 60 năm với nhạc cụ dân tộc, NSND Minh Phương cho biết: "Nhạc cụ dân tộc có ý nghĩa rất lớn về mặt âm nhạc với người Việt. Với những nhạc cụ như trống, đàn nhị, đàn bầu, đàn tranh... đều phục vụ cho đời sống sinh hoạt tinh thần của con người Việt Nam. Chúng ta có thể thấy rõ ràng ý nghĩa này thông qua những buổi biểu diễn nhỏ tại đình làng, sân nhà hay thậm chí ngoài vườn trong những bộ phim tài liệu. Ở khu vực phía Nam như Bạc Liêu, ta có thể dễ dàng bắt gặp được bức ảnh hay tranh vẽ người nông dân kéo đàn hát. Đó chính là những tập tục từ xa xưa.
Ngoài ra, nhạc cụ dân tộc mang giá trị tinh thần, có giá trị lịch sử, nhạc khí dân tộc tồn tại suốt một thời gian dài. Nó gắn bó lâu dài với đời sống con người. Nhờ sự gắn bó đó, vật và người có thêm mối liên kết không thể tách rời với nhau. Một người nghệ sĩ không bao giờ bỏ cây đàn đã đi theo mình từ lúc bắt đầu, nếu bắt buộc từ bỏ thì họ cũng sẽ luôn nhớ tới. Đó chính là những tình cảm con người thường có với nhạc khí của mình".
Đồng quan điểm trên, NSƯT Ngọc Anh chia sẻ: "Nhạc cụ dân tộc như là những sứ giả văn hóa Việt Nam để quảng bá và đưa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Âm nhạc dân tộc, nhạc cụ truyền thống nói riêng và văn hóa nghệ thuật truyền thống nói chung có thể nói là một nền văn hóa mẹ của tất cả các quốc gia dân tộc trên thế giới. Từ đó phát triển thành những giá trị văn hóa mới mang tính thời đại, mang hơi thở của thời cuộc, phục vụ nhu cầu thẩm mỹ thưởng thức của khán giả thời kỳ đương đại.
Đặc biệt, trên những sân khấu biểu diễn lớn, nhạc cụ dân tộc đã chiếm một vị trí quan trọng, cùng với những nghệ sĩ, các loại nhạc cụ luôn được tỏa sáng trên các sân khấu, các sân chơi, cuộc thi, liên hoan hội diễn âm nhạc nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân và toàn quốc. Trong các chương trình biểu diễn đối ngoại, các đoàn khách quốc tế vô cùng thích thú với các nhạc cụ dân tộc Việt Nam.
Ví như cây đàn bầu, họ tò mò tìm hiểu, muốn biết tại sao một cây đàn chỉ có một dây nhưng lại chơi được cả một tác phẩm nghệ thuật, trong đó có cả các tác phẩm của đất nước họ. Rồi các nhạc cụ khác như: Đàn tranh, đàn t'rưng, đàn đinh pá, bộ sáo dân tộc,... đều là những nhạc cụ có sức lôi cuốn, hấp dẫn với các đoàn khách quốc tế. Qua đó, đã tạo nhiều bước ngoặt, tạo tiền đề, hứa hẹn nhiều thành công trong tương lai của nhạc cụ dân tộc".
Bảo tồn nhạc cụ dân tộc cần sự chung tay của cả cộng đồng
Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của xã hội, giới trẻ đang có xu hướng chạy theo các thể loại âm nhạc hiện đại du nhập từ nước ngoài, mà không quan tâm đến bản sắc dân tộc đang bị hao mòn theo năm tháng. Trong khi người nước ngoài tìm đến Việt Nam để tìm hiểu, chứng kiến các nghệ nhân nước ta chơi nhạc cụ dân tộc, thì người Việt Nam lại đang quay lưng với những nhạc cụ mà bầu bạn quốc tế đánh giá rất cao.
Từ đó, nhạc cụ dân tộc dần trở nên bị lép vế trước các loại hình nhạc cụ ngoại lai, dẫn tới âm nhạc truyền thống bị âm nhạc hiện đại lấn át. Các buổi biểu diễn nghệ thuật dân tộc đang ngày càng thưa vắng khán giả, còn nghệ thuật hiện đại lại "chiếm lĩnh trận địa và lên ngôi". Đây là một vấn đề đang báo động trong việc bảo tồn và phát triển các loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam.
Trước thực trạng đó, NSND Minh Phương cho rằng, việc tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về giá trị của nhạc cụ dân tộc là vô cùng cần thiết. Các phương tiện truyền thông cần xác định đúng và nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc phát huy giá trị quý báu về âm nhạc dân tộc và nhạc cụ dân tộc, bao gồm cái hay, cái đẹp, cái độc đáo, phong phú của dân tộc ta. Đây là một kênh có ý nghĩa quan trọng trong việc quảng bá giá trị âm nhạc dân tộc trong nước cũng như đến với bạn bè quốc tế, nhưng phải chú trọng tuyên truyền có trọng điểm theo những chương trình giáo dục thẩm mỹ nhạc dân tộc, nhằm góp phần bồi đắp thẩm mỹ nghệ thuật đúng đắn cho thế hệ tương lai của đất nước.
"Đồng thời, cần coi trọng công tác giáo dục, đào tạo đội ngũ làm nhạc cụ dân tộc. Từ thành công của mô hình đưa âm nhạc dân tộc nói chung, nhạc cụ dân tộc nói riêng vào nhà trường trong thời gian qua, chúng ta cần tổng kết, nhân rộng. Đối với việc đào tạo chuyên sâu đội ngũ nghệ sĩ sáng tạo, biểu diễn, nghiên cứu nhạc cụ dân tộc, cần rà soát kỹ lưỡng tất cả các khâu của quá trình đào tạo, từ đội ngũ giảng viên, giáo trình đến việc tuyển sinh, đầu ra cho sinh viên" – NSND Minh Phương cho biết thêm.
Để thu hút được giới trẻ quan tâm, nhạc cụ dân tộc cần phải kết hợp với âm nhạc hiện đại, NSƯT Ngọc Anh chia sẻ: "Ngoài việc lan tỏa các nhạc cụ dân tộc trong đời sống đương đại, thì những người nghệ sĩ cũng cần những cải tiến mới mẻ để phù hợp với xu thế hiện nay. Trong thời gian gần đây, tôi thấy nhiều nghệ sĩ trẻ sáng tạo kết hợp nhạc cụ dân tộc với âm nhạc đương đại đã đem lại hiệu ứng rất tốt, thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ và tôi rất ủng hộ cách tiếp nhận này. Tôi nghĩ các loại nhạc cụ dân tộc không nên chỉ biểu diễn trên các sân khấu mà hãy biểu diễn ở những địa điểm công cộng để thu hút được khán giả hơn.
Ví dụ, nghệ sĩ có thể mang những nhạc cụ dân tộc biểu diễn tại các điểm phố đi bộ, ở đó không chỉ đánh những bản nhạc truyền thống và còn chơi những bài hát hiện đại để đáp ứng được với nhu cầu của khán giả trẻ. Từ đó, sẽ giúp cho nhạc cụ dân tộc đến gần hơn với cộng đồng".
Bên cạnh đó, theo NSƯT Ngọc Anh cho biết, để công tác bảo tồn và phát huy nhạc cụ dân tộc hiệu quả cao hơn, cần phải có sự chung tay của cộng đồng, từ các cơ quan quản lý đến người dân đều phải có trách nhiệm và nỗ lực giữ gìn hồn cốt dân tộc Việt qua nhạc cụ dân truyền thống. Tại các địa phương cần xây dựng phong trào dạy và học nhạc cụ dân tộc sôi nổi hơn, phù hợp với từng dân tộc, cộng đồng; có cơ chế phù hợp về đầu tư kinh phí để thu hút người dạy và học; các hội thi về di sản âm nhạc truyền thống nói chung, nhạc cụ dân tộc nói riêng cần có hình thức thu hút, kích cầu qua trao giải…
Đặc biệt, lãnh đạo địa phương, các cấp, ngành liên quan cần thấy rõ giá trị văn hóa của nhạc cụ truyền thống, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo tồn, phát huy nhạc cụ dân tộc. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các nghệ nhân, nghệ sĩ làm công tác bảo tồn di sản âm nhạc ở mỗi địa phương để động viên, khích lệ tinh thần lao động, sự đam mê, sáng tạo của họ, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có nhạc cụ dân tộc.
Hiện nay, nhạc cụ dân tộc cũng đang có những khởi sắc mới do nhu cầu về văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng ngày càng cao. Tuy nhiên, trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nói chung, nhạc cụ dân tộc nói riêng là nhiệm vụ của mỗi con người, không phải của riêng một người. Và tin rằng, nếu có sự chung tay, nỗ lực không ngừng cả cộng đồng trong bảo tồn nhạc cụ truyền thống thì hồn văn hóa Việt sẽ trường tồn và mãi mãi được tôn vinh.