Ninh Thuận: Thực hiện hiệu quả nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội
08/05/2019 | 10:35Việc nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về việc hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội luôn được UBND tỉnh Ninh Thuận quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương triển khai thường xuyên và liên tục.
Theo đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch số 1208/KH-UBND ngày 27/3/2018 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 09/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh và Hướng số 01/HD-SVHTTDL ngày 8/5/2018 của Sở VHTTDL về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Hàng năm, tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện việc cưới, việc tang và lễ hội gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và gắn chặt việc xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa trong Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xem đây là một trong những nội dung tiêu chí đánh giá, bình xét, phân loại danh hiệu gia đình văn hóa… đồng thời nêu cao vai trò gương mẫu của từng hộ dân, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt, phê phán những hành vi sai phạm.
Đối với việc cưới: Trong những năm qua việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết các đám cưới được tổ chức trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm đúng quy định của luật hôn nhân; các nghi lễ trong việc cưới thực hiện trang nghiêm và giữ được thuần phong mỹ tục, hiện tượng tổ chức đám cưới linh đình đã được hạn chế. Nhìn chung, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn tỉnh có nhiều tiến bộ, các cơ quan, đơn vị và địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc chỉ đạo thực hiện.
Đối với việc tang: Sau những năm phát động và xây dựng thôn, khu phố văn hóa nhân dân đã có sự đổi thay, dần xóa bỏ những tập tục lạc hậu và đã có sự chuyển biến rõ nét trong thực nếp sống văn minh trong việc tang. Đặc biệt, ở một số đồng bào dân tộc thiểu số không còn tình trạng mổ heo, mổ trâu gây lãng phí tốn kém, việc phân chia tài sản cho người chết chỉ làm tượng trưng, không đem bỏ ngoài mộ những tài sản đắt tiền. Đối với người Kinh khi có người chết đều thuê đội an táng, tổ chức gọn nhẹ, không tổ chức đánh kèn, trống quá 22 giờ và không trước 5 giờ sáng hôm sau. Đối với đồng bào Chăm thì đám thiêu tươi của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn được hạn chế tối đa, thay vào đó là đám thiêu khô (chôn gửi trước một thời gian rồi làm đám thiêu). Đám thiêu tươi của người Chăm Bàlamôn chỉ còn dành cho những vị chức sắc cao: Cả sư, phó cả sư.
Đối với lễ hội: Để phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong những năm qua việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội đã thực hiện đúng quy chế do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Nhìn chung, hầu hết các lễ hội trong cộng đồng dân tộc trong tỉnh đều thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức trước khi diễn ra lễ hội… Do vậy, phần nhiều các lễ hội được tổ chức đúng thuần phong mỹ tục, thực hiện tốt quy chế và đảm bảo về an ninh trật tự. Việc tổ chức các ngày lễ kỷ niệm và các sự kiện chính trị địa phương cũng đảm bảo trang trọng, nghiêm túc, tiết kiệm và hiệu quả, gắn với phong trào thi đua yêu nước. Các hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống của ngành, cơ quan, đơn vị được thực hiện theo tinh thần tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, không phô trương.