Ninh Thuận: Tập trung phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp - nông thôn
15/01/2024 | 09:29Là vùng đất có nhiều tiềm năng, vì vậy, phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp - nông thôn là giải pháp căn cơ, là động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Vùng đất giàu tiềm năng du lịch
Phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp - nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Ninh Thuận, có vai trò quan trọng trong xu thế hội nhập.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường xúc tiến, quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ và tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, du lịch tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước; tổ chức ký kết hợp tác phát triển du lịch với một số tỉnh như Hà Nội, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận…
Tổ chức thành công Lễ đón nhận Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận 2023, Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Cần Thơ; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Năm du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận, hội tụ xanh, tạo hiệu ứng lan tỏa trong thu hút khách du lịch, số lượng khách du lịch đến tỉnh tăng cao.
Năm 2023, tổng lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng đến Ninh Thuận ước đạt 2.900.000 lượt khách (tăng 20,8% so cùng kỳ, đạt 107,4% so với kế hoạch); trong đó, khách quốc tế ước đạt 40.000 lượt khách (tăng 239% so cùng kỳ, đạt 200% so với kế hoạch); thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 2.300 tỷ đồng.
Ninh Thuận được ghi nhận là vùng đất nổi tiếng về các di tích Chăm và Raglai... cùng nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa. Khí hậu ở Ninh Thuận có đặc thù ít mưa, nhiều nắng, là một lợi thế tự nhiên để có được những loại cây trồng vật nuôi có năng suất cao và trở thành đặc sản của địa phương như nho, táo, tỏi, dê, cừu, măng tây xanh, nha đam...
Ninh Thuận hiện có nhiều loại hình du lịch đang phát triển và địa phương đang tập trung vào 4 loại hình chính là du lịch biển, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Trong đó, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái là hai loại hình du lịch gắn với phát triển nông thôn mới.
Nếu như huyện Ninh Phước có làng nghề gốm Bàu Trúc và dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp từ lâu đã khá nổi tiếng cả trong và ngoài nước, hàng năm thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm nghệ thuật làm gốm, dệt đã trải qua hàng trăm năm; thì các địa phương khác như huyện Ninh Hải, Bác Ái… cũng đang manh nha làm du lịch cộng đồng, nông nghiệp - nông thôn với các làng du lịch ở Vĩnh Hy, ngắm san hô trên tàu đáy kính, du lịch tham quan các vườn nho, hay làng du lịch của đồng bào Raglai thuộc Vườn Quốc gia Phước Bình cũng đang từng bước thu hút du khách.
Ông Trần Văn Toàn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bác Ái chia sẻ: Bác Ái là quê hương của các lễ hội truyền thống như lễ hội bỏ mả, lễ hội ăn mừng lúa mới, lễ Báo hiếu và các nghi lễ vòng đời đặc sắc… với các làng nghề truyền thống như đan lát, nấu rượu cần, với phong tục, tập quán độc đáo của đồng bào Raglai, Chu Ru… đã và luôn là chất liệu rất quí giá cho loại hình du lịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, những sản vật như rượu cần, măng khô, heo đen, cơm lam, gà, bưởi, hạt chuối cô đơn… là những điều kiện rất tốt cho loại hình du lịch ẩm thực. Để phát triển du lịch cộng đồng, thời gian qua địa phương đã triển khai hỗ trợ thực hiện 56 nhà sàn và hiện đã có 15 hộ hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ nhà sàn lưu trú, phục vụ ẩm thực bản địa, văn hóa dân gian và một số sản phẩm đặc thù đi vào khai thác phục vụ du lịch.
Du lịch cộng đồng đã mang lại lợi ích không nhỏ cho các hộ dân ở một số làng quê nông thôn, miền núi; góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của Ninh Thuận trong thời gian qua.
Có thể nói, Ninh Thuận là vùng đất nổi tiếng về các di tích của dân tộc Chăm và Raglai... cùng nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa; gắn liền với những danh lam thắng cảnh, hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học cao như Vườn Quốc gia Phước Bình và Núi Chúa; dọc theo chiều dài 105 Km bờ biển có nhiều bãi tắm đẹp, đã nổi tiếng từ lâu như bãi tắm Ninh Chữ - Bình Sơn, Cà Ná, Vĩnh Hy, Bình Tiên, Bãi Thùng, bãi Hỏm, Mũi Dinh và Nam Cương...
Trong đó, Vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam thuộc không gian vườn Quốc Gia Núi Chúa là một trong 11 vùng sinh quyển thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận vào năm 2021. Đây là những yếu tố cốt lõi góp phần tạo nên thương hiệu đặc trưng để quảng bá, tạo sức lan tỏa cao làm nền tảng cho du lịch phát triển nói chung và du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nông nghiệp - nông thôn nói riêng.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch nông thôn
Ngành chức năng Ninh Thuận đặt mục tiêu khai thác hết tiềm năng nói trên để phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc cần các ngành, các cấp tập trung giải quyết, tháo gỡ cho mục tiêu phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong một hội thảo về xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng, phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh mới đây, ngành du lịch thẳng thắn nhìn nhận, du lịch cộng đồng, nông nghiệp - nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như quy mô còn hạn chế, chưa được tổ chức bài bản; sản phẩm du lịch cộng đồng chưa hấp dẫn, công tác đầu tư sản phẩm du lịch, cảnh quan, vệ sinh môi trường, công tác đào tạo, nâng cao nhận thức của người dân địa phương vẫn còn hạn chế.
Vì vậy, để phát triển du lịch cộng đồng, phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển du lịch, Ninh Thuận cần đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, điện, nước, mạng lưới thông tin liên lạc trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và đặc biệt là tại các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang triển khai.
Đồng thời nâng cao sức hấp dẫn của các điểm, khu du lịch vùng nông thôn bằng cách hoàn thiện quy hoạch các vùng sản xuất để khai tốt lợi thế của từng khu vực, để vừa tăng giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, vừa tạo ra hệ thống các điểm đến có sự khác biệt, đa dạng, đáp ứng nhu cầu khám phá cái mới của khách tham quan. Trong đó, chú trọng hơn các dịch vụ hướng dẫn để du khách trải nghiệm quá trình sản xuất nông nghiệp như một sản phẩm phục vụ du lịch.
Đẩy mạnh khuyến khích phát triển đầu tư các homestay tại các khu vực phát triển du lịch cộng đồng nhằm đáp ứng được nhu cầu của du khách. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ du lịch tại chỗ ở các địa phương, triển khai tổ chức và nhân rộng mô hình điểm hoạt động hiệu quả.
Bà Phạm Thị Thanh Hường - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Ninh Thuận, chia sẻ: Để thu hút du khách, thời gian qua chính quyền địa phương đã phối hợp tổ chức một số sự kiện xúc tiến quảng bá, giới thiệu hình thành tour, tuyến du lịch, gắn với quảng bá giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, đặc thù của địa phương đến với các công ty, lữ hành du lịch trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, việc thu hút du khách tại các điểm du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng chỉ mới bước đầu hình thành. Sự phát triển của làng nghề thủ công chưa tạo ra được sức hấp dẫn để lôi cuốn du khách sưu tầm, mua sắm. Hoạt động du lịch cộng đồng còn nhỏ lẻ, chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa 3 “nhà” với nhau (nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân địa phương). Sản phẩm du lịch cộng đồng tuy đặc sắc, đa dạng về chủng loại nhưng chưa thu hút được lượng khách để tăng doanh thu du lịch. Cơ sở hạ tầng du lịch chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Công tác đào tạo nguồn nhân lực nhất là đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm và nhân viên phục vụ tại các điểm du lịch chưa có tính chuyên nghiệp. Những hạn chế trên trong thời gian tới cần phải có giải pháp để phát triển. “Trong thời gian tới, Ninh Thuận sẽ tập trung thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở. Tập trung nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cho công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh để khai thác và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”, bà Phạm Thị Thanh Hường nhìn nhận.