Ninh Thuận: Ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW
09/09/2020 | 07:11Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã đạt được những kết quả ghi nhận.
Ngay sau khi có Chỉ thị 46-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt, hướng dẫn thực hiện Chỉ thị, đồng thời xây dựng kế hoạch, đưa nhiệm vụ quán triệt, tổ chức thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ công tác hàng năm.
Trong quá trình triển khai thực hiện, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống được chỉ đạo tập trung tăng cường, điều chỉnh phù hợp với từng đối tượng trong xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ; chú trọng công tác quản lý nhà nước đối với các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, xây dựng môi trường sống văn minh, lành mạnh, quan tâm đến sự phát triển của nhân tố con người. Chính quyền các địa phương, các sở, ban, ngành đã gắn việc triển khai thực hiện Chỉ thị với các văn bản chỉ đạo về hoạt động văn hóa và an ninh trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa; xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các ngành văn hóa, thông tin, giáo dục đào tạo, công an… trong việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại, phản bác lại các thông tin sai trái, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; định kỳ hàng năm tiến hành sơ kết, đánh giá. Các ngành, các cấp đã ban hành văn bản quán triệt, cụ thể hóa và hướng dẫn các đơn vị cơ sở triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đã tác động tích cực, làm chuyển biến về nhận thức, hành động trong học tập và làm việc đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, quân và dân tỉnh Ninh Thuận. Các hoạt động này đã góp phần thống nhất nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân, ý thức phòng chống ảnh hưởng của các sản phẩm văn hóa độc hại được nâng lên rõ rệt.
Cụ thể, công tác tuyên truyền triển khai thực hiện Chỉ thị được thực hiện nghiêm túc từ tỉnh tới cơ sở thông qua đội ngũ báo cáo viên các cấp, nêu cao trách nhiệm các đồng chí đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị; phân tích và vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật về bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại.
Các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo như: tổ chức các chương trình văn nghệ, thông tin, triển khai hệ thống panô tuyên truyền trên các tuyến đường và tại trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị, qua cổng thông tin điện tử của tỉnh, huyện, các sở, ban ngành; tổ chức các cuộc thi tuyên truyền về phòng chống văn hóa phẩm độc hại, phòng chống về tệ nạn xã hội, thi tìm hiểu pháp luật. UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc, thi sáng tác biểu trưng Ninh Thuận, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong hội viên và quần chúng nhân dân phòng chống các sản phẩm văn hóa độc hại.
Các cơ quan báo chí của tỉnh cũng đã chủ động mở các chuyên trang, chuyên mục và sử dụng hệ thống truyền thanh cơ sở để phản ánh gương điển hình tiên tiến của các tập thể, cá nhân trong việc xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng con người Ninh Thuận văn minh, lịch sự, phân tích ảnh hưởng và lên án các quan điểm sai trái, sản phẩm văn hóa độc hại. Đài PTTH đã thực hiện hơn 300 tin, phóng sự/năm tuyên truyền về việc thu giữ ấn phẩm, sản phẩm văn hóa vi phạm pháp luật, mê tín dị đoan, có nội dung xấu, không đúng sự thật; vận động các tầng lớp nhân dân đấu tranh đẩy lùi, tránh xa các sản phẩm văn hoá độc hại... giáo dục thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật, xây dựng lý tưởng sống... về phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa": hiệu quả các buổi tuyên truyền miệng của ngành văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, thể dục, thể thao; về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm dà bản sắc dân tộc; xây dựng văn hoá, con người địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước...
Cùng với đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp thường xuyên chăm lo và làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, góp phần nâng cao nhận thức và hành động trong đảng viên và nhân dân. Công tác giáo dục được chú trọng đổi mới về phương thức, tăng cường sự trao đổi, tiếp nhận ý kiến, sát hợp với thực tiễn và từng nhóm đối tượng với nội dung trọng tâm là giáo dục lý luận chính trị, bồi dưỡng nhận thức về Đảng.
Công tác giáo dục truyền thống cách mạng ở nhiều địa phương, đơn vị được quan tâm thông qua việc sưu tầm, hệ thống hóa và khai thác các tư liệu quý về cách mạng, biên soạn lịch sử, thi tìm hiểu lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương, ngành; tổ chức các lớp tập huấn về công tác đấu tranh thông tin, quan điểm sai trái trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa cho lãnh đạo và cán bộ các cơ quan, đơn vị.
Với phương châm "lấy tuyên truyền, giáo dục, vận động, phòng ngừa, ngăn chặn là chính", các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã chủ động gắn việc thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW với việc xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoàn 2015 – 2030"; xây dựng và triển khai Đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020". Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đã thực hiện tốt việc lồng ghép một số nội dung phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống vào các môn học cụ thể, tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, về nguồn tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của dân tộc… Các cơ sở Đoàn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chi đoàn, các buổi nói chuyện, tọa đàm, sinh hoạt chính trị… nhằm bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Các hoạt động này đã giáo dục nhân sinh quan, lối sống, kỹ năng tiếp nhận các giá trị văn hóa cho thanh niên, thiếu niên.
Xác định được tầm quan trọng của công tác phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, thời gian qua các sở, ban, ngành, đoàn trong toàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp đồng bộ triển khai có hiệu quả Chỉ thị.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về tác hại của các sản phẩm văn hóa độc hại, nhận thức của các ngành, các địa phương, tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh được nâng lên, sức đề kháng của nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên trước sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại đã được cải thiện đáng kể.
Các thiết chế văn hóa từ tỉnh xuống cơ sở được đầu tư, tăng cường về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng. Vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế ngày càng được chú trọng, quan tâm đầu tư; công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa được đặc biệt đẩy mạnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, hạn chế đáng kể sự xâm nhập, lan truyền các sản phẩm văn hóa độc hại.
Các hoạt động văn hóa từ tỉnh tới cơ sở, cộng đồng dân cư, các phong trào như "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Cơ quan văn hóa, đơn vị văn hóa"… được triển khai phong phú, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, đơn vị, tác động tích cực xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở cơ sở, góp phần xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các địa phương, dân tộc, làm nền tảng quan trọng nâng cao sức đề kháng của cộng đồng, đẩy lùi những sản phẩm, hoạt động văn hóa độc hại./.