Ninh Thuận: Hút khách bằng văn hóa truyền thống
28/06/2024 | 08:46Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận, các Sở, ngành, địa phương luôn quan tâm tổ chức thực hiện hiệu quả việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống gắn với việc thu hút du khách trong nước, quốc tế đến địa phương.
Quan tâm tu bổ, bảo tồn di tích
Ninh Thuận là tỉnh nằm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có 6 huyện và 1 thành phố; với 65 xã, phường, thị trấn; 397 thôn, khu phố. Đồng thời là địa phương có sự đa dạng về địa hình, gồm có đồng bằng, trung du, miền núi và vùng biển. Thành phần dân cư cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh phong phú, đa dạng, bao gồm các dân tộc như: Kinh, Chăm, Raglai, Chu Ru, K’ho, Hoa và nhiều dân tộc khác đã tạo nên bức tranh văn hóa nhiều màu sắc, thể hiện rõ nét dấu ấn đặc trưng về văn hóa, lịch sử của từng cộng đồng dân tộc trong tỉnh.
Ninh Thuận còn là địa phương “giàu” về văn hóa, nghệ thuật truyền thống bao gồm hệ thống văn hóa vật thể như đình, chùa, lăng miếu, đền, tháp Chăm; hệ thống văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật truyền thống, ngôn ngữ, phong tục tập quán, nghề truyền thống... của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã để lại cho thế hệ hôm nay nhiều di sản văn hóa tiêu biểu và độc đáo góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tính đến đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 239 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê, gồm các loại hình: Đình làng; chùa; miếu; nhà thờ; lăng (lăng thờ cá Voi/cá Ông); tháp Chăm, thánh đường Hồi giáo; đền thờ của người Chăm; phế tích và bia ký Chăm; di tích lịch sử cách mạng; danh lam thắng cảnh...
Trong đó có 68 di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) đã được lập hồ sơ xếp hạng và chứng nhận ở các cấp. Cụ thể: 2 Di tích được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt (tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Garai); 13 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia; 6 Di sản văn hóa phi vật thể gồm lễ hội, tập quán xã hội, nghệ thuật và nghề thủ công truyền thống... được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm; Lễ hội Katê của đồng bào Chăm; Lễ Bỏ mả của người Raglai; Lễ hội Cầu ngư tỉnh Ninh Thuận, Cụm lễ hội đầu năm người Chăm làng Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc; Lễ Ăn mừng lúa mới của người Raglai xã Phước Hà, huyện Thuận Nam); 48 di tích cấp tỉnh (thuộc các loại hình kiến trúc nghệ thuật; lịch sử cách mạng; danh lam thắng cảnh).
Bên cạnh đó, Ninh Thuận còn có 2 di sản văn hóa được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh, bao gồm: “Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ” được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” được ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tỉnh Ninh Thuận có 4 hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia gồm Bia Hòa Lai, Phù điêu Vua Pô Rômê, Bia Phước Thiện và Tượng thờ Vua Pô Klong Garai.
Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận luôn quan tâm chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện tốt công tác bảo tồn, tu bổ và lập hồ sơ khoa học đối với các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Phát huy giá trị di sản thu hút khách du lịch
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận cho biết, thời gian qua nhằm bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống gắn với thu hút du khách trong nước, quốc tế đến địa phương, Sở VHTTDL đã tổ chức quán triệt Luật Di sản văn hóa và các Thông tư, Nghị định và các văn bản khác trên lĩnh vực di sản văn hóa; đặc biệt là Chỉ thị số 14-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh cho các đơn vị trực thuộc và các Ban quản lý di tích trên toàn tỉnh
Sở VHTTDL đã và đang tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn chỉnh nhiều hồ sơ khoa học di sản văn hóa trình các cấp xếp hạng. Phối hợp các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về di tích lịch sử, ý nghĩa lễ hội và phổ biến các quy định của pháp luật đến người dân; phục dựng các hoạt động văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian trong lễ hội.
Đến nay, đa số các Ban quản lý (BQL) di tích được thành lập theo đúng quy định với sự tham gia của thành viên UBND xã, phường nên công tác tuyên truyền, phổ biến thi hành Luật Di sản văn hóa, các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác về quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa và tổ chức lễ hội tại các địa phương được hiệu quả. BQL di tích tại các địa phương đều thực hiện tốt Quy chế hoạt động của BQL về thời gian họp định kỳ nhằm nhắc nhở nhiệm vụ được phân công; kiểm tra cơ sở vật chất, kiểm kê toàn bộ đồ từ khí trên cơ sở có sự chứng kiến xác nhận của chính quyền địa phương cũng như quản lý hiện vật mà nhân dân đóng góp cho di tích. Ngoài ra, đối với công tác lập hồ sơ di tích tại các địa phương đều nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các BQL di tích nên đã đem lại kết quả khả quan.
Một số làng nghề, di tích như Làng gốm Bàu Trúc, Làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, di tích tháp Po Klong Garai, di tích tháp Po Rome, di tích vịnh Vĩnh Hy... đã phát huy giá trị, thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến tham quan.
Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết thêm, năm 2023 hoạt động du lịch trên địa bàn Ninh Thuận đã phục hồi và tăng trưởng khá cao, tổng lượt khách thăm quan, nghỉ dưỡng đến địa phương ước đạt 2,9 triệu lượt khách, đạt 107,4% kế hoạch, tăng 20,8% so cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế 40.000 lượt khách, đạt 200% so với kế hoạch, tăng 239% so cùng kỳ. Năm 2024, tỉnh Ninh Thuận đề ra mục tiêu phấn đấu đón 3,2 triệu lượt khách (trong đó, khách quốc tế đạt 100.000 lượt, khách nội địa 3,1 triệu lượt); tổng doanh thu đạt khoảng 2.500 tỉ đồng.
“Nhằm bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống gắn với thu hút du khách trong nước, quốc tế đến địa phương, Sở VHTTDL đã tổ chức quán triệt Luật Di sản văn hóa và các Thông tư, Nghị định và các văn bản khác trên lĩnh vực di sản văn hóa; đặc biệt là Chỉ thị số 14-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh cho các đơn vị trực thuộc và các Ban quản lý di tích trên toàn tỉnh”
(Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận)