Ninh Thuận: Đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội
04/09/2021 | 08:08Trong những năm qua các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã triển khai thực hiện tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bước đầu đã tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, văn minh và tiến bộ.
Đối với việc cưới: nhiều hộ gia đình, địa phương trong tỉnh tổ chức tiệc cưới rất trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nhìn chung, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình tổ chức tiệc cưới mới tiết kiệm, lịch sự như tiệc trà, tiệc ngọt thay cho tiệc mặn, đám cưới không thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, ứng xử nhân văn. Đa số đảng viên, cán bộ và nhân dân trong tỉnh luôn chấp hành tốt việc thực hiện nếp sống văn minh trong tiệc cưới, hiện tượng tổ chức đám cưới linh đình đã được hạn chế, thời gian tổ chức cưới không ảnh hưởng đến thời gian lao động, chỉ mời khách mời tiệc trong phạm vi gia đình, họ tộc, bạn bè và đồng nghiệp thân thiết, không mời tràn lan.
Đối với việc tang: Sau nhiều năm phát động và xây dựng thôn, khu phố văn hóa dần dần bà con ở các địa phương đã có sự đổi thay, xóa bỏ những tập tục lạc hậu và đã có sự chuyển biến rõ nét trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Đặc biệt, trong đồng bào dân tộc Raglai không còn tình trạng mổ heo, mổ trâu gây lãng phí tốn kém, việc phân chia tài sản cho người chết chỉ làm tượng trưng, không đem bỏ ngoài mộ những tài sản đắt tiền. Đối với người Kinh khi có người chết đều thuê đội an táng, tổ chức gọn nhẹ, không tổ chức đánh kèn, trống quá 10h tối và không trước 5 giờ sáng hôm sau. Đối với đồng bào Chăm thì đám thiêu tươi của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn được hạn chế tối đa, thay vào đó là đám thiêu khô (chôn gửi trước một thời gian rồi làm đám thiêu). Thời gian qua đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả tại một số huyện trên địa bàn tỉnh về việc tang, rõ nét nhất là huyện Bác Ái, Thuận Bắc đã tích cực vận động đồng bào Raglai bỏ dần tập tục tổ chức lễ bỏ mả kéo dài nhiều ngày, gây tốn kém; thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải có mô hình vận động Nhân dân không rải vàng mã trong các đám tang. Nhiều tín đồ theo đạo phật giáo thực hiện khá tốt việc "tử" là "táng" trong vòng 24 giờ và không nhận phúng điếu...
Đối với lễ hội: trong những năm qua việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội ở tỉnh đã thực hiện đúng quy chế do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều có văn bản hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tuyên truyền, triển khai tổ chức thực hiện các Lễ hội trong năm. Nhìn chung, hầu hết các lễ hội trong cộng đồng dân tộc anh em trong tỉnh đều có thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức trước khi diễn ra lễ hội... Do vậy, phần nhiều các lễ hội được tổ chức đúng thuần phong mỹ tục, thực hiện tốt quy chế và đảm bảo về an ninh trật tự. Việc tổ chức các ngày lễ kỷ niệm và các sự kiện chính trị địa phương được đảm bảo trang trọng, nghiêm túc, tiết kiệm, hiệu quả, vui tươi, lành mạnh gắn với phong trào thi đua yêu nước. Các hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống của các ngành, cơ quan, đơn vị được thực hiện theo tinh thần tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức. Các lễ hội từng bước tổ chức theo hướng trang trọng, tiết kiệm, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các sinh hoạt văn hóa dân gian của các dân tộc từng bước được nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, góp phần làm cho lễ hội truyền thống phong phú, tạo được không khí vui tươi, phấn khởi đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân và khách du lịch; đồng thời giúp các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc về những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Công tác tổ chức và quản lý lễ hội có nhiều tiến bộ. Việc cấp giấy phép mở hội, kế hoạch tổ chức được thực hiện căn cứ theo Quy chế tổ chức lễ hội của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ về nội dung, hình thức, thời gian, quy mô tổ chức, an ninh trật tự. Kinh phí tổ chức lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống được xã hội hóa.
Để việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến ngày càng tiến bộ, văn minh và đi vào nề nếp các cấp, các ngành và địa phương cần tiếp túc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng vào đối tượng là cán bộ, đảng viên, già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín trong cộng đồng để vận động nhân dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín di đoan; tổ chức thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội phù hợp với điều kiện, đặc điểm, phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương, dân tộc; xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ chức cưới hỏi, tang lễ văn minh, tiết kiệm; quán triệt đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang chấp hành kỷ luật, kỷ cương, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống phô trương, hình thức. Không lạm dụng công quỹ, phương tiện, tài sản công phục vụ mục đích cá nhân. Ngoài ra, tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; triển khai mốt số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong việc cưới, việc tang, lễ hội đảm bảo theo tinh thần chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền; tổ chức rà soát, hướng dẫn những nghi thức cưới, tang, lễ hội phù hợp hương ước, quy ước của thôn, khu phố; gắn nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội là một trong những tiêu chí để bình xét, công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; tổ chức thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại hạn chế và đề xuất những giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi các hủ tục trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội./.