Ninh Bình xây dựng thương hiệu địa phương
13/09/2023 | 10:53Thời gian gần đây, tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu địa phương nhằm hiện thực hóa khát vọng (đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050): Là một trong những tỉnh khá, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững của vùng đồng bằng sông Hồng; là một trong những trung tâm du lịch cấp quốc gia, đẳng cấp quốc tế; là miền đất đáng sống, an toàn và thân thiện.
Với mục tiêu và định hướng phát triển trong tương lai, tỉnh Ninh Bình phải định vị một tầm nhìn mới, vị thế phát triển mới, hình ảnh mới cho giai đoạn chuyển mình sắp tới để tăng tốc thu hút đầu tư, tạo nguồn lực cho phát triển. Và xây dựng được một thương hiệu địa phương rõ ràng, hấp dẫn và độc đáo sẽ là nền tảng để Ninh Bình thu hút đầu tư, điểm đến du lịch và một nơi sống lý tưởng.
Nơi hội tụ các lợi thế đặc thù, nổi trội, riêng có
Ninh Bình là miền đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời: Là kinh đô của Việt Nam vào thế kỷ thứ X, là vùng đất gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba triều đại Ðinh-Tiền Lê-Lý với nhiều dấu ấn lịch sử. Ninh Bình chỉ cách Thủ đô Hà Nội chưa đầy 100 km, với vị trí địa lý quan trọng, chiến lược, lợi thế cạnh tranh riêng có; là “cửa ngõ” phía nam của miền bắc, cũng là “cửa ngõ phía nam của nền văn minh sông Hồng”; thuộc hành lang kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ; là điểm kết nối, giao thoa, chuyển tiếp của ba vùng kinh tế (đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc và duyên hải Bắc Trung Bộ).
Ninh Bình là vùng đất có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có địa hình đa dạng, có vùng đồi núi, đồng bằng và vùng đồng bằng ven biển, có khí hậu ôn hòa, có hệ thống thảm thực vật rừng phong phú, mang đủ sắc thái của nước Việt Nam thu nhỏ. Năm 2014, quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - di sản “kép” đầu tiên ở Ðông Nam Á.
Bên cạnh đó, khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long được thế giới công nhận là khu Ramsar có tầm quan trọng quốc tế (năm 2019). Khu Bảo tồn thiên nhiên Vân Long còn giành hai kỷ lục: “Khu bảo tồn có đàn Voọc lớn nhất Việt Nam” và “Khu vực có bức tranh tự nhiên lớn nhất Việt Nam-Bức tranh núi Mèo Cào”. Vườn quốc gia Cúc Phương-Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam (thành lập tháng 7/1962) - lưu giữ nhiều loài động, thực vật đa dạng và phong phú.
Nơi đây còn là điểm đến hấp dẫn du khách với nhiều loại hình du lịch: sinh thái, môi trường, nghiên cứu khoa học... Năm 2023, lần thứ 5 liên tiếp, Vườn quốc gia Cúc Phương được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới bình chọn là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á...
Ninh Bình cũng là địa phương nổi tiếng bởi hệ thống núi hang động karst, sở hữu nhiều ngọn núi và hang động đẹp, có nhiều hồ tự nhiên, có cảnh quan sinh thái, khí hậu mát mẻ, thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng, thể thao. Vùng bãi bồi cửa sông ven biển ở huyện Kim Sơn với diện tích 105.000 ha, phần lớn còn giữ được trạng thái hoang sơ, hội tụ hơn 500 loài động vật thủy sinh, 50 loại cây ngập nước ven biển và 200 loài chim, trong đó có nhiều loại được ghi trong Sách Ðỏ Việt Nam.
Ninh Bình còn có 1.821 di tích lịch sử văn hóa (trong đó, 379 di tích xếp hạng cấp tỉnh trở lên) và sở hữu 101 sản phẩm được xếp hạng OCOP (68 sản phẩm đạt 4 sao), đều có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Sau 31 năm tái lập tỉnh, với ý chí và khát vọng vươn lên, Ninh Bình luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả lĩnh vực (tốc độ tăng trưởng GRDP hiện đứng thứ 12 toàn quốc và đứng thứ 6 ở vùng đồng bằng sông Hồng; quy mô GRDP của Ninh Bình đứng thứ 37/63 tỉnh, thành phố trong cả nước). Năm 2023, Ninh Bình là địa phương duy nhất của châu Á góp mặt và đứng thứ 7 trong danh sách 10 vùng đất thân thiện nhất thế giới.
Vài năm gần đây, mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và cộng đồng ở Ninh Bình thực thi tương đối đồng bộ, bước đầu đạt những thành quả tích cực. Quyết tâm và khát vọng đưa Ninh Bình trở thành một trong các trung tâm du lịch của cả nước và khu vực trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và lịch sử văn hóa; ưu tiên phát triển du lịch chất lượng cao, bền vững theo hướng “tăng trưởng xanh” đang dần được định hình. Ninh Bình đã và đang tích hợp các lợi thế, những bản sắc riêng có để định vị và xây dựng thương hiệu địa phương một cách bài bản, hiệu quả.
Cần được trao cơ chế đặc thù để bứt phá
Xây dựng thương hiệu địa phương chính là một công cụ để các tỉnh, thành phố định vị chính mình và thu hút sự chú ý một cách tích cực. Một thương hiệu rõ ràng, hấp dẫn và độc đáo là nền tảng để biến một địa phương trở thành nơi thu hút đầu tư, điểm đến du lịch và một nơi sống lý tưởng. Nhưng, xây dựng thương hiệu địa phương không đơn giản chỉ là một chiến lược truyền thông, một khẩu hiệu, một vài hình ảnh hoặc một biểu tượng. Xây dựng thương hiệu địa phương là quá trình mang tính chiến lược để phát triển một tầm nhìn dài hạn, trong đó bản sắc địa phương là giá trị cốt lõi.
Thương hiệu địa phương mang lại nhiều lợi ích, không chỉ cho địa phương và công dân địa phương đó, mà còn cho tất cả các bên liên quan. Thương hiệu địa phương sẽ hỗ trợ thương hiệu doanh nhân, doanh nghiệp và sản phẩm. Vì vậy, chính quyền địa phương, tổ chức và người dân cần nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu điểm đến, khai thác điểm mạnh và có những chiến lược phát triển thích hợp nhằm nâng cao vị thế của địa phương trong lòng công chúng trong và ngoài nước. Và xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương là một quá trình lâu dài, bền bỉ, nhất quán và đòi hỏi nhận thức cao nhất của chính quyền địa phương cùng sự quan tâm, đồng hành của nhiều bên đối tác liên quan.
Ninh Bình đã và đang quyết tâm hiện thực hóa khát vọng phát triển bằng cách giải quyết thật tốt các vấn đề đặt ra như: Ðổi mới cách tư duy về bảo tồn và phát triển di sản địa phương, bảo tồn và phát huy di sản để các giá trị di sản thực sự sống trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân và trở thành nguồn lực, động lực cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương, mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân chung quanh di sản.
Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình
Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch thành phố Ninh Bình (hợp nhất huyện Hoa Lư và khu vực Hoa Lư) với quần thể danh thắng Tràng An là vùng lõi - với tư cách đô thị di sản. Mục tiêu là xây dựng Ninh Bình trở thành “Trung tâm du lịch quốc gia mang giá trị toàn cầu”. Ðây là thách thức lớn, đòi hỏi trách nhiệm rất cao của đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng cư dân ở Ninh Bình. Mô hình và các trụ cột trong quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - danh thắng Tràng An, cần có cơ chế, chính sách đặc thù để bảo tồn và phát huy di sản, tạo động lực cho phát triển bền vững. Ðặc biệt, trong lộ trình xây dựng và phát triển Ninh Bình trở thành “Ðô thị Cố đô-Di sản”, rất cần cơ chế để hài hòa lợi ích giữa các chủ thể.
Ðến nay, Ninh Bình dù đã có nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành làm cơ sở tổ chức thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản; một số đề án đã được Chính phủ phê duyệt nhưng chưa được bố trí đủ nguồn lực để tỉnh thực hiện hiệu quả. Thực tế là điểm nghẽn của Ninh Bình là chưa giải quyết hài hòa được bài toán về mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế-xã hội.
Ninh Bình cần có cơ chế, chính sách đặc thù để phân loại đô thị, phân loại di sản để bảo đảm các đô thị, di sản được UNESCO vinh danh không bị cuốn theo mô hình “đô thị, di sản nén” để vừa thúc đẩy đô thị hóa, hiện đại hóa nhưng lại phù hợp chức năng đô thị di sản, vừa giữ gìn, bảo tồn được các giá trị cốt lõi mà UNESCO vinh danh; cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm chuyển đổi sinh kế bền vững cho người dân trong các vùng di sản.
Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam
Trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay, mỗi địa phương ngày càng phải gia tăng sự quan tâm cạnh tranh với các địa phương khác trong việc thu hút đầu tư, nguồn nhân lực, khách du lịch và danh tiếng... Phương cách mà các địa phương nỗ lực tạo dựng và quảng bá được những đặc tính cốt lõi, khác biệt của địa phương mình chính là yếu tố quyết định sự thành công hay bị tụt hậu. Vì thế, việc trao cho các địa phương cơ chế đặc thù để phát huy tiềm năng, khai thác thế mạnh của từng địa phương là rất cần thiết.
Tiến sĩ Hà Huy Ngọc (Viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng, cần nghiên cứu đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội dành cho Ninh Bình, nhằm chuyển hóa việc bảo tồn, phát huy di sản thành nguồn động lực cho phát triển các ngành kinh tế phù hợp, đặc biệt cho ngành du lịch; huy động nguồn lực trong việc bảo tồn và khai thác di sản; quy hoạch đô thị gắn với đền bù giải phóng mặt bằng; chính sách bảo vệ di sản, môi trường di sản.