Ninh Bình: Phát triển du lịch bền vững, đảm bảo sinh kế của người dân trong khu di sản Tràng An
24/08/2021 | 14:21Sinh kế, sinh kế bền vững có vai trò quan trọng đối với cộng đồng dân cư sinh sống trong Quần thể danh thắng Tràng An, việc phát triển du lịch trong vùng di sản này đã khiến họ phải thay đổi chiến lược sinh kế theo hướng phụ thuộc hơn vào ngành dịch vụ và tài nguyên du lịch. Nghiên cứu phân tích thực trạng biến đổi sinh kế của cộng đồng dân cư trong vùng di sản Tràng An trước tác động của phát triển du lịch, đánh giá một số tác động tích cực về chuyển đổi sinh kế trong phát triển du lịch, qua đó xác định những vấn đề đặt ra liên quan đến phát triển du lịch.
Quần thể danh thắng Tràng An tỉnh Ninh Bình nằm ở rìa phía Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội khoảng 90km về phía Đông Nam. Tổng diện tích của quần thể danh thắng khoảng 12.252ha, chứa đựng hầu hết các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh đã được nhận diện, xếp hạng ở cấp tỉnh (26 di tích) và cấp quốc gia (20 di tích), trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt là: Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cố đô Hoa Lư và danh lam thắng cảnh Tràng An – Tam Cốc - Bích Động.
Quần thể danh thắng Tràng An có các giá trị văn hóa lịch sử và thiên nhiên đặc sắc, hàm chứa nhiều giá trị nổi bật, với cảnh quan thiên nhiên đẹp, được tạo nên bởi sự kết hợp hài hòa sông, núi, các hang động ngập nước quanh năm với thảm động, thực vật còn hoang sơ nguyên vẹn. Nơi đây còn mang đậm dấu ấn và lưu truyền những giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống đặc sắc. Nổi bật là các công trình lịch sử có kiến trúc nghệ thuật như cố đô Hoa Lư, đền Nội Lâm… hay các lễ hội truyền thống: lễ hội cố đô Hoa Lư, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội đền Thái Vi… cho đến văn hóa ẩm thực với những món ăn dân dã nổi tiếng cả nước như: tái dê, cơm cháy, ốc núi, cá rô Tổng Trường, mắm tép…Ngày 25/6/2014, tại thủ đô Doha (Qatar) tổ chức UNESCO đã chính thức ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An vào danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới – Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể được Ủy ban Di sản Thế giới công nhận dựa trên ba tiêu chí: văn hóa, vẻ đẹp thẩm mĩ và địa chất địa mạo.
Từ năm 2007 đến năm 2019, công trình nghiên cứu khảo cổ học do Tiến sĩ Ryan Rabett cùng đồng nghiệp tại Trường đại học Cambridge, Queen Belfast và Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành, đã có những phát hiện quan trọng chứng minh người tiền sử đã cư trú và sinh sống ở vùng đất Tràng An, Ninh Bình cách nay khoảng hơn 30.000 năm. Các nguồn thức ăn tìm thấy trong các đống rác bếp khai quật ở các hang cho thấy hoạt động sinh kế chủ yếu là săn bắt, hái lượm và khai thác các nguồn lợi từ sông (cua nước ngọt, cá và rùa) và đánh cá từ biển. Cuối năm 2017, các chuyên gia khảo cổ học đã phát hiện được bộ xương người khá hoàn chỉnh có niên đại khoảng trên 12.000 năm, hiện đã tái hiện được khuôn mặt và chiều cao. Kết quả nghiên cứu đã chứng minh làm rõ thêm về truyền thống cư trú và sử dụng vùng đất cũng như cách cư dân Tràng An xưa thích ứng với sự thay đổi to lớn về môi trường, cảnh quan để kiếm sống và sinh tồn như việc khai thác ốc núi khi biển tiến, đánh bắt và khai thác nguồn thức ăn từ sông suối, ao đầm khi biển thoái.
Quá trình thay đổi sinh kế từ khi có sự tác động của phát triển du lịch đã làm phong phú thêm sinh kế của cư dân tại Tràng An, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định hơn. Theo kết quả khảo sát tại khu vực di sản Tràng An thì tác động hoạt động du lịch tạo ra những tích cực như: Hoạt động Du lịch di sản mang lại nhiều lợi ích về mặt bảo tồn và phát triển cộng đồng. Trước hết, nó góp phần bảo vệ các nguồn tài nguyên tự nhiên, văn hóa và lịch sử thông qua sự kết nối, tham gia của người dân trong cộng đồng. Thứ hai, thông qua việc tham gia vào các hoạt động du lịch và được giới thiệu về các di tích lịch sử của địa phương, người dân sẽ biết rõ hơn về lịch sử và truyền thống góp phần tạo dựng niềm tự hào, giá trị văn hóa địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của chính họ;Du lịch đã giúp biến đổi sinh kế bằng cách đa dạng hóa các ngành nghề, cư dân trong vùng có thể có nhiều sự lựa chọn nghề để tham gia phù hợp với khả năng, điều kiện của mình. Trước đây, người dân sinh sống trong khu vực di sản QTDT Tràng An chỉ quen với nghề làm nông nghiệp, chăn nuôi, nghề thủ công thì nay hoạt động du lịch tác động làm ra nhiều ngành nghề mới như: kinh doanh lưu trú, nhà hàng ăn uống, chèo thuyền phục vụ du khách, chụp ảnh, hướng dẫn viên tại các điểm du lịch,bán hàng, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch trang trại, vận chuyển khách…sự thay đổi này làm cơ cấu lao động theo hướng hợp lý hơn, người lao động có cơ hội dễ tìm việc làm và có thu nhập cao hơn trước; Nguồn lực con người thay đổi theo chiều hướng tích cực, dưới tác động của du lịch khi ruộng đất không còn là kế sinh nhai chính, đã dẫn đến thay đổi trong nhận thức của cư dân vung di sản là đầu tư cho công tác giáo dục cho con em để có kế sinh nhai tốt hơn trong tương lai và có thể quay lại làm ngành nghề mà du lịch mở ra; Tác động du lịch mang lại cho vùng di sản Tràng An một hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là giao thông, đường điện, nước, thông tin liên lạc. Người dân cũng được hưởng lợi khi giá đất tăng, tài sản cũng tăng do được nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng của nhà nước. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi từ sự phát triển du lịch đem lại, hoạt động phát triển kinh tế của cư dân cũng bộc lộ nhiều hạn chế như: Việc quy hoạch và xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An đã làm nguồn lực đất đai, đặc biệt là đất nông nghiệp bị thu hẹp, sinh kế cũ của đa số các hộ nông dân làm nông nghiệp bị thu hẹp khiến họ phải tìm kiếm sinh kế mới, trong khi các ngành nghề mới từ hoạt động du lịch đòi hỏi nhiều kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và hỗ trợ tập huấn lao động chuyển đổi ngành nghề phi nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Sự phát triển du lịch kéo theo sự du nhập văn hóa ngoại lai, làm lấn át hoặc mất đi bản sắc văn hóa địa phương thể hiện trong ngôn ngữ, trang phục, tập quán, kiến trúc, phương thức canh tác, cách thức tổ chức sinh hoạt cộng đồng, có thể nhận thấy lối sống của người dân thay đổi, cấu trúc gia đình truyền thống dần bị phá vỡ, sự thay đổi còn thể hiện ở cách thức ăn mặc, tính hiếu khách cũng ít nhiều mất đi. Tình trạng ô nhiễm môi trường và suy thoái nguồn lực tự nhiên do sự tập trung lượng khách du lịch tương đối lớn, vượt sức chứa hay sức chịu tải về môi trường và xã hội tại một vài điểm du lịch vào mùa cao điểm của lễ hội cũng như ảnh hưởng tới vấn đề sinh kế bền vững của cộng đồng cư dân. Phát triển du lịch cũng làm gia tăng các trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng, sử dụng đất đai và kinh doanh lưu trú.
Đặc biệt đại dịch Covid-19 diễn ra năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đã tác động và ảnh hưởng rất nặng nề đến ngành Du lịch tỉnh Ninh Bình. Lệnh cấm bay, hạn chế đi lại và sự e ngại của du khách do lo sợ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều khách sạn, nhà hàng, các khu du lịch, điểm du lịch vắng khách, tổng thu ngành du lịch sụt giảm mạnh. Năm 2020, du lịch tỉnh Ninh Bình không đạt mục tiêu đón 7,0 triệu lượt khách. Sự phục hồi của du lịch tỉnh Ninh Bình sẽ phải phụ thuộc vào việc kiểm soát đại dịch Covid-19 ở Việt Nam và trên thế giới.
Theo Cục Thống kê tỉnh, tổng số khách du lịch đến tỉnh Ninh Bình năm 2020 đạt 2,6 triệu lượt, chỉ bằng 34,3% so với năm 2019, trong đó khách nội địa 2,4 triệu lượt, chỉ bằng 36% năm 2019, khách quốc tế chỉ đạt 196.000 lượt, chỉ bằng 21,4% năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đón gần 868.000 lượt khách, đạt 57,69% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: khách nội địa là 855.000 lượt khách; khách quốc tế là 13.000 lượt khách. Doanh thu ước đạt trên 553 tỷ đồng, đạt 67,16% so với cùng kỳ năm 2020.
Lượng khách và doanh thu sụt giảm rất sâu, do nhiều cơ sở kinh doanh du lịch đóng cửa dẫn đến nhân viên ngành du lịch mất việc làm. Sinh kế người dân trong vùng Tràng An đã có nhiều biến đổi do đại dịch Covid-19, nhiều người đã mất việc làm do ngành dịch vụ du lịch bị đóng cửa, sản phẩm nông nghiệp khó khăn về đầu ra do không có thị trường tiêu thụ, sản phẩm thủ công nghiệp tại các làng nghề gặp khó khăn trong khâu xuất khẩu do yếu tố kiểm dịch, vận chuyển hạn chế. Do vậy, nhiều người đã dịch chuyển sinh kế sang các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận do có thu nhập ổn định và gần tương đương so với thu nhập làm du lịch.
Bên cạnh đó tính chất mùa vụ du lịch là mối đe dọa lớn đến sinh kế cộng đồng, khi dựa chủ yếu vào hoạt động du lịch. Khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 là khoảng thời gian mùa Xuân, rất phù hợp cho các du lịch lễ hội, du lịch tâm linh bởi đây là khoảng thời gian khách du lịch đi du xuân, vãn cảnh đền chùa, tham gia vào các hoạt động lễ hội của địa phương. Chính vì thế khoảng thời gian này di sản Tràng An đón lượng khách rất đông đến tham quan, chiêm bái, nên người dân địa phương có thu nhập cao nhất trong năm từ công việc của những người lái đò, bán hàng, kinh doanh lưu trú, nhà hàng, hướng dẫn viên... gấp từ 3-5 lần các điểm khác trong năm. Ngoài thời gian này, từ tháng 5-12, đặc biệt là ba tháng mùa hè 5-6 là khoảng thời gian mà tính mùa vụ của du lịch Tràng An nói riêng, Ninh Bình nói chung rõ rệt nhất, lượng khách rất thấp, hưởng nghiêm lớn đến sinh kế của người dân trong vùng di sản, nhiều người phải ngừng hoạt động kinh doanh lưu trú, bán hàng, chèo thuyền để tìm kiếm những công việc khác như đi làm xây dựng, làm trong các khu công nghiệp, làm nông nghiệp kết hợp với nghề phụ (thêu ren, đan lát... Việc tập trung khách du lịch quá đông vào khoảng thời gian từ tháng 1-4 cũng gây ảnh hưởng tới mất cân đối, ổn định đối với hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất (giao thông, điện, nước, thương nghiệp...) tác động trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của cư dân, gây khó khăn cho công tác quản lý an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường...
Cũng theo nghiên cứu về biến đổi sinh kế của cư dân Quần thể danh thắng Tràng Anbên cạnh những nghề nghiệp truyền thống (nông nghiệp, chăn nuôi, thủ công mỹ nghệ…) đã xuất hiện nhiều nghề mới như lễ tân, buồng bàn bar (nhà hàng, khách sạn), bán hàng, chèo thuyền cho khách du lịch, đóng thuyền, sửa thuyền; hướng dẫn viên du lịch và dịch vụ biểu diễn nghệ thuật truyền thống.
Hoạt động chèo đò: Hiện có khoảng 4.580 người chèo đò, trong đó xã Trường Yên 1.000, Ninh Xuân 480 và Ninh Hải 3.100 người. Chèo đò phục vụ du khách cần sức khỏe tốt, kỹ năng chèo thuyền qua các hang động xuyên thủy, đồng thời cũng đòi hỏi kỹ năng cứu hộ, cứu nạn trên sông nước, và đặc biệt là khả năng giao tiếp, giới thiệu cho khách du lịch về khu di sản và lịch sử văn hóa của vùng đất cố đô Hoa Lư. Với phương châm mỗi một người chèo đò vừa là người hướng dẫn du lịch, vừa là đại sứ du lịch, đồng thời bảo vệ khu di sản, nên thời gian qua Sở Du lịch Ninh Bình, Ban Quản lý QTDT Tràng An đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức, tập huấn cho người chèo thuyền nhằm nâng cao nhận thức, văn hóa, kỹ năng giao tiếp và cấp chứng chỉ cho người chèo đò. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, các ban, ngành địa phương cũng lồng ghép vào các chương trình hội nghị, tập huấn nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về văn hóa, văn minh du lịch và kiến thức, nghiệp vụ về du lịch. Hiện nay, thu nhập bình quân của người chèo đò từ 3,5 triệu- 5 triệu đồng/tháng, mùa lễ hội có thể lên tới trên 10 triệu đồng/tháng.
Hoạt động Hướng dẫn du lịch là một nghề mới được nhiều bạn trẻ ở các địa phương lựa chọn, hiện nay có khoảng 70 người, có trình độ từ trung cấp và cao đẳng, được Sở Du lịch bồi dưỡng nghiệp vụ và cấp thẻ hướng dẫn viên tại điểm. Nghề hướng dẫn viên ngoài phông kiến thức tốt về văn hóa, lịch sử và con người của vùng đất cố đô Hoa Lư, những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Tràng An cần thông thạo ít nhất một ngoại ngữ.Tuy nhiên, nhiều hướng dẫn viên không được đào tạo chuyên sâu về du lịch, hạn chế về nghiệp vụ hướng dẫn và đặc biệt là yếu về ngoại ngữ.
Kinh doanh dịch vụ lưu trú và nhà hàng: Là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi sự chuyên nghiệp, nhanh nhẹn, linh hoạt và có khả năng tiếp thị, bán hàng… Một số hộ bắt đầu kinh doanh lưu trú và nhà hàng từ năm 2000, khoảng 12 cơ sở, với sự tăng trưởng khách du lịch trung bình 12%/năm và sự gia tăng nhu cầu lưu trú ở nhà dân (homestay), đến đầu năm 2020 (theo số liệu thống kê của Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An) đã có 293 cơ sở lưu trú đi vào hoạt động. Cùng sự phát triển của hoạt động kinh doanh này là sự phát triển các hoạt động nghề nghiệp mới như lễ tân, phục vụ buồng, bàn, bar, bếp và bảo vệ với khoảng 1.500 lao động.
Kinh doanh dịch vụ đồ lưu niệm, đồ uống: Hiện có 57 cơ sở kinh doanh hàng bán hàng lưu niệm, đồ uống và cho thuê xe đạp, xe máy. Hoạt động kinh doanh này không đòi hỏi vốn lớn, chỉ cần có mặt bằng tốt, nhiều hộ dân đã giàu lên nhờ ngành nghề kinh doanh mới này.
Nghề bảo vệ: Lúc mới phát triển du lịch, các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng thuê một số người dân địa phương làm công việc bảo vệ và giữ gìn an ninh trật tự trong khu, điểm du lịch và các cơ sở lưu trú. Chỉ tính riêng những người làm bảo vệ tại 06 khu du lịch chính hiện có khoảng 220 người, thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng/tháng. Theo quy định, tất cả người làm bảo vệ đều phải tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ bảo vệ và bảo vệ di sản. Hiện nay, ngoài nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an toàn trong khu du lịch, người làm bảo vệ còn có nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ di sản, giữ gìn cảnh quan môi trường trong khu du lịch.
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống: hát chầu văn, hát chèo… hiện ở trong khu di sản QTDT Tràng An có khoảng 5 nhóm nhạc, mỗi nhóm hơn 5-7 người đi hát phục vụ khách du lịch tại các nhà hàng, cơ sở lưu trú, homestays, chi phí cho một buổi biểu diễn có giá từ 700 nghìn đồng đến 3,5 triệu đồng/buổi. Đây là doạt động góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và tạo công ăn việc làm và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ của du lịch Ninh Bình.
Loại hình du lịch trải nghiệm làm nông nghiệp: Doanh nghiệp Ngôi Sao đã phát triển đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch được gần 5 năm, bước đầu đã có những kết quả khá tốt. Hoạt động này được tổ chức theo hình thức liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ dân trong khu di sản. Khách du lịch tham gia tour du lịch này sẽ được tham gia trải nghiệm thực tế các hoạt động nông nghiệp từ cày bừa, gieo mạ, cấy lúa, đánh bắt cá, sau đó về tự chế biến món ăn dưới sự hướng dẫn của người dân địa phương. Bình quân mỗi tháng doanh nghiệp đón được khoảng 10 đoàn khách, mỗi đoàn từ 10 - 15 người. Các hộ gia đình tham gia chương trình được Doanh nghiệp hỗ trợ về chuyên môn, đầu tư một số trang thiết bị và đảm bảo nguồn khách, mỗi gia đình sẽ đảm nhận một công đoạn, được tổ chức thành chuỗi liên kết, ngoài công việc đồng áng, chăn nuôi còn có thêm thu nhập và được gặp gỡ giao lưu với khách du lịch, nên rất hào hứng và nhiệt tình tham gia.
Về chính sách phát triển du lịch bền vững, đảm bảo sinh kế người dân trong khu di sản.
Nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế về du lịch, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Du lịch phát triển, đặc biệt hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành: Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13/7/2009 về phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020; Kết luận số 07-KL-TU ngày 12/5/2021 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Ban chấp Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Quyết định quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
Xây dựng Kế hoạch quản lý di sản theo khuyến nghị của tổ chức UNESCO, các chuyên gia đã nghiên cứu, xác định một cách toàn diện những vấn đề về tầm nhìn, nguyên tắc định hướng cơ bản của việc quản lý, bảo vệ, các mục tiêu cùng các chính sách và hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng bền vững, giữ gìn và phát huy các giá trị của khu di sản, đặc biệt là giải quyết tốt các vấn đề về phát triển du lịch bền vững, đảm bảo sự tham gia của cộng đồng địa phương (trong đó, chủ trương chỉ khuyến khích phát triển các loại hình du lịch sinh thái bền vững, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch dựa vào cộng đồng như chèo thuyền, đi xe đạp, đi xe trâu…).
Từ năm 2018, Ninh Bình đã tiến hành thăm dò, khoanh vùng, xác định tọa độ, tổ chức cắm mốc giới vùng lõi, vùng đệm của di sản; phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Trường Đại học Cambridge, Trường Đại học Queens (Vương quốc Anh) tiến hành khảo cổ một số điểm đã được thám sát trong vùng di sản để làm phong phú hơn các căn cứ khoa học, bằng chứng về quá trình tương tác của người tiền sử với cảnh quan thiên nhiên và nỗ lực thích ứng của họ với những biến cố môi trường trong hơn 30.000 năm trước.
Bên cạnh đó, các ngành, các cấp tập trung khôi phục, phát triển các ngành, nghề thủ công mỹ nghệ, phục dựng làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội truyền thống của cư dân trong vùng di sản, góp phần làm phong phú sản phẩm và văn hóa phục vụ du khách; đa dạng hóa công tác tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế về di sản.
Quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới, nơi tập trung nhiều tài nguyên du lịch độc đáo, rất co giá trị, nên di sản giữ vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, du lịch của tỉnh Ninh Bình, đặc biệt là đảm bảo sinh kế bền vừng cho người dân địa phương. Do vậy, để vừa bảo tồn, gìn giữ nguyên vẹn các giá trị di sản, vừa khai thác, phát triển du lịch góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư địa phương, nhóm nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị:
Xây dựng chính sách, cơ chế khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa sinh kế truyền thống, nghề truyền thống của cư dân địa phương; Bồi dưỡng, phát triển nguồn lực con người hình thành hệ thống giá trị định hướng, chuẩn mực, hành vi sinh kế phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch bền vừng trong khu di sản; Phát triển các loại hình du lịch dựa vào cộng đồng, khai thác giá trị văn hóa để tạo văn hóa sinh kế bền vững cho người dân địa phương; Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản và nguồn lực tự nhiên của di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An;Xây dựng môi trường du lịch văn hóa văn minh tại các thôn xóm trong khu di sản.
Nghiên cứu tác động của Quần thể danh thắng Tràng An đến sinh kế của người dân địa phương cho thấy: Các nguồn vốn sinh kế của hộ đã có những thay đổi đáng kể; các hoạt động sinh kế của hộ dân đã có những thay đổi tích cực, xuất hiện nhiều mô hình sinh kế mới. Sinh kế từ nông nghiệp đang bị thu hẹp. Sinh kế từ thương mại, dịch vụ của hộ tăng và tập trung chủ yếu vào hoạt động kinh doanh nhỏ và dịch vụ du lịch. Hoạt động của khu du lịch đã trực tiếp và gián tiếp tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần đa dạng hóa các hoạt động tạo thu nhập, thúc đẩy nhu cầu học tập của người dân; góp phần giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng phụ cận. Tuy nhiên, diện tích đất của hộ ngày càng bị thu hẹp, đặc biệt là diện tích đất nông nghiệp. Chất lượng lao động của chủ hộ cũng như các lao động khác còn hạn chế. Việc sử dụng tiền đền bù của hộ chưa đảm bảo cho một sinh kế bền vững, trong khi nguồn lực đất đai sản xuất còn ít. Mức hỗ trợ tư vấn việc làm từ các tổ chức còn hạn chế. Một số tệ nạn xã hội xuất hiện làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Do đó, Chính quyền các xã, phường trong Quần thể danh thắng Tràng An cần nghiên cứu giải pháp liên quan đến công tác tuyên truyền và giáo dục người dân, nâng cao trình độ cho người dân hay các giải pháp cụ thể cho từng nhóm hộ nhằm cải thiện sinh kế cho các hộ dân ở địa phương theo hướng bền vững.
Phát triển du lịch ở các khu vực di sản phải tuân thủ nghiêm các quy định chặt chẽ của UNESCO, các quốc gia và địa phương có di sản, trên tinh thần tôn trọng tối đa các giá trị nổi bật toàn cầu, tính nguyên vẹn, chân xác của di sản Một trụ cột quan trọng trong hoạt du lịch di sản bền vững là đảm bảo sự tham gia của người dân địa phương thông qua sinh kế, việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương và gia đình của họ. Chỉ khi nào người dân được hưởng lợi từ di sản, tham gia vào các hoạt động bảo tồn, khai thác du lịch, trở thành một phần của di sản thì họ mới gắn bó máu thịt và đồng hành cùng với di sản. Sự cân bằng trong vấn đề bảo tồn và phát triển du lịch di sản sẽ bị phá vỡ, nếu lợi ích, sinh kế của cộng đồng địa phương không được đảm bảo./.