Ninh Bình: Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể góp phần nhận diện, giữ gìn và phát huy giá trị di sản
25/11/2020 | 14:0110 năm triển khai thực hiện Thông tư số 04/TT-BVHTTDL ngày 30/06/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, tổ chức thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó góp phần nhận diện, giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2011 các huyện, thành phố bắt đầu tiến hành việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Phạm vi kiểm kê được tiến hành tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Kết quả: 8/08 huyện, thành phố hoàn thành việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể theo kế hoạch. Nhìn chung, các huyện, thành phố đều phát hiện và thống kê được các di sản tiêu biểu của địa phương.
Theo kết quả tổng hợp, toàn tỉnh có 312 di sản được kiểm kê, cụ thể như sau: Huyện Nho Quan: 50 di sản (7 loại hình); Huyện Gia Viễn: 72 di sản (6 loại hình); Huyện Hoa Lư: 23 di sản (7 loại hình); Thành phố Ninh Bình: 15 di sản (5 loại hình); Huyện Yên Khánh: 52 di sản (5 loại hình); Huyện Yên Mô: 45 di sản (5 loại hình); Huyện Kim Sơn: 43 di sản (5 loại hình); Thành phố Tam Điệp: 12 di sản (6 loại hình).
Các di sản được kiểm kê bao gồm đầy đủ các loại hình quy định tại Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL là : Nghệ thuật trình diễn dân gian: 91; Tri thức dân gian: 24; Nghề thủ công truyền thống: 39; Lễ hội truyền thống: 106; Tập quán xã hội: 46; Tiếng nói, chữ viết: 02; Ngữ văn dân gian: 04.
Qua đợt kiểm kê, bước đầu phát hiện một số di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu, đặc sắc sau: nghề làm bánh giầy (xóm Bắc, xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh), hát Xẩm (địa bàn huyện Yên Mô), lễ hội làng Bình Hải (xã Yên Nhân, huyện Yên Mô), nghề thêu ren (Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư), nghề trạm khắc đá (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư), nem Dê, thịt Dê, cơm cháy (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư), mắm tép (địa bàn huyện Gia Viễn), lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn), tiếng nói - chữ viết Mường (tập trung địa bàn một số xã huyện Nho Quan), lễ hội đền Dâu, Quán Cháo (thành phố Tam Điệp)…
Trên cơ sở kết quả kiểm kê, UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đối với các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, đã lập Hồ sơ khoa học đề nghị đưa di sản văn hóa nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư) vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2019). Ngày 20/12/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký và ban hành Quyết định số 4607/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân.
Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan lập hồ sơ khoa học "Nghệ thuật hát Xẩm ở Ninh Bình" và "Lễ hội làng Bình Hải, xã Yên Nhân, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình" trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Trong 10 năm triển khai thực hiện Thông tư số 04/TT-BVHTTDL, dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, tổ chức thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh, lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 02 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, góp phần nhận diện, giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.
Qua công tác kiểm kê cho thấy hệ thống di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh phong phú và đa dạng, nhiều loại hình, thuận lợi cho công tác nhận diện các di sản. Quá trình thực hiện kiểm kê, các cấp chính quyền địa phương nhận thức được tầm quan trọng của công tác kiểm kê và đã dành sự quan tâm, nguồn lực để thực hiện công tác kiểm kê. Các địa phương đã nắm vững và triển khai đúng tinh thần của hoạt động kiểm kê di sản.
Tuy nhiên, kết quả việc kiểm kê mới dừng ở việc nhận diện di sản, kiểm đếm, ghi nhận các thông tin ban đầu, lập danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, chưa lập được hồ sơ kiểm kê. Nguyên nhân là do kinh phí dành cho công tác kiểm kê di sản văn hóa chưa thật sự đảm bảo nên không thể kéo dài thời gian tìm hiểu, sưu tầm ở các thôn, làng do vậy kết quả thu thập được là chưa nhiều, chất lượng còn thấp và đặc biệt là những di sản có nguy cơ bị mai một thì việc thu thập càng khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, tìm hiểu, nghiên cứu về các giá trị di sản văn hóa phi vật thể là một lĩnh vực khó bởi tính đặc thù, đa dạng và vô cùng phong phú của nó, do đó đòi hỏi người thực thi phải có những am hiểu nhất định về đặc trưng của văn hóavùng miền, từng loại hình di sản, các vấn đề tiềm ẩn trong mỗi thể loại, những quy chuẩn cơ bản trong khi tác nghiệp.
Trong khi đó, tại một số xã, thị trấn đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa và cán bộ lãnh đạo năng lực hiểu biết về văn hóa truyền thồng còn hạn chế, việc giúp cộng đồng sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn di sản địa phương mình còn có những bất cập.
Việc xác định loại hình, nhận diện di sản còn khó khăn nên khi tiến hành kiểm kê, điền phiếu còn nhiều sai sót và sơ sài, lẫn lộn giữa di sản vật thể và phi vật thể hoặc nhầm lẫn về loại hình. Mặt khác, chính chủ thể của các di sản văn hóa phi vật thể cũng không nhận thức hết được những giá trị di sản mà họ đang nắm giữ. Văn hóa phi vật thể chủ yếu được lưu giữ trong trí nhớ của con người theo phương pháp truyền miệng, truyền nghề.
Thực tế hiện nay, những di sản văn hóa phi vật thể thường chỉ còn nằm trong trí nhớ của những bậc cao tuổi, mà các bậc cao tuổi này còn sống rất ít hoặc trí nhớ cũng không còn minh mẫn nên việc ghi chép, sưu tầm gặp trở ngại. Nguy cơ mai một của toàn bộ di sản văn hóa dân tộc ngày càng rõ và vì thế, việc điều tra, sưu tầm, lưu giữ chúng ngày càng trở nên cấp bách.
Căn cứ vào thực tế công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, đặc biệt là những khó khăn gặp phải trong công tác kiểm kê, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản hướng dẫn cụ thể về loại hình di sản văn hóa phi vật thể, các tiêu chí đánh giá, phân biệt. Đồng thời có hướng dẫn cụ thể về lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ về kinh phí để tỉnh tiếp tục triển khai việc kiểm kê chuyên sâu về từng loại hình di sản văn hóa phi vật thể, tiến tới tư liệu hóa một số di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.