Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ninh Bình: Chuyển đổi số tạo đột phá cho ngành Thư viện

06/05/2022 | 08:27

Ngày 11/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (sau đây gọi tắt là Quyết định 206), trong đó đặt ra mục tiêu: ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; đảm bảo cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.

Ninh Bình: Chuyển đổi số tạo đột phá cho ngành Thư viện - Ảnh 1.

Cô giáo Nguyễn Hồng Hạnh, giáo viên môn tiếng Anh, Trường Tiểu học Tân Thành (thành phố Ninh Bình) là người rất chăm chỉ đến thư viện. Tuy nhiên theo cô Hạnh, việc đến thư viện để tìm kiếm thêm tài liệu phục vụ cho công việc dù rất hiệu quả nhưng lại chiếm nhiều thời gian. Mặt khác, nếu nhu cầu tìm kiếm phát sinh ngoài giờ hành chính thì việc tiếp cận dịch vụ là không thể. Nếu hệ thống thư viện tỉnh có kho dữ liệu được số hóa, lưu giữ trực tuyến thì sẽ giúp độc giả tiếp cận dễ dàng, thuận lợi và chủ động hơn tại bất cứ thời gian, địa điểm nào.

Mong mỏi của cô giáo Hạnh cũng như nhiều độc giả có nhu cầu tìm kiếm tài liệu phục vụ cho mục đích nghiên cứu, giảng dạy… đang dần trở thành hiện thực. Quyết định 206 của Thủ tướng Chính phủ được xác định là động lực quan trọng, là cú hích lớn giúp nâng cấp đồng bộ, toàn diện nền tảng công nghệ cho thư viện. Khi đó, thư viện sẽ dễ dàng chia sẻ, đổi mới thông tin để thu hút bạn đọc và từng bước bắt kịp xu thế phát triển trong thời đại số. Để đạt được những mục tiêu này, Sở Văn hóa, Thể thao đã tham mưu với UBND tỉnh đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và phần mềm quản lý thư viện số hiện đại, đồng bộ.

Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với liên danh Công ty TNHH tư vấn và phát triển công nghệ Bách Khoa và Công ty cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L triển khai dự án xây dựng hệ thống quản lý thông tin phục vụ công tác quản lý thư viện tỉnh Ninh Bình.

Theo đó, phạm vi dự án sẽ tập trung vào các hạng mục như: Phần mềm quản lý thư viện, gồm quản lý các nghiệp vụ thư viện, như: bổ sung tài liệu, quản lý báo- tạp chí, bạn đọc, mượn trả tài liệu, cổng thông tin tra cứu; số hóa tài liệu thư viện, các dữ liệu về bạn đọc, giới thiệu-tin tức, văn bản và thiết bị phần cứng bao gồm: Trạm lưu thông công nghệ RFID, Trạm lập trình công nghệ RFID, Chip/thẻ RFID cho tài liệu; Lắp đặt các thiết bị phần cứng, cài đặt phần mềm, hướng dẫn, chuyển giao, vận hành…

Để chuẩn bị cho việc chuyển đổi số ngành Thư viện giai đoạn 2021-2025, Thư viện tỉnh cũng đã chủ động phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 141/KH-UBND ngày 30/08/2021 về việc triển khai thực hiện "Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình".

Chuẩn bị cho kế hoạch chuyển đổi số ngành Thư viện, giai đoạn 2022-2025, Ban giám đốc Thư viện tỉnh đã chỉ đạo Phòng Xử lý tài liệu chủ động tiến hành hồi cố 7.990 bản sách tại kho sách, từ đó tạo nền tảng cho việc tích hợp cơ sở dữ liệu mới với cơ sở dữ liệu sẵn có khi xây dựng hệ thống thư viện số.

Ngoài ra, để bước đầu tiếp cận với kỹ năng tổ chức các hoạt động công nghệ số trong lĩnh vực thư viện, đơn vị cũng cử cán bộ chuyên môn tham gia tập huấn về "Nâng cao năng lực chuyển đổi số và quản trị thư viện số" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Đồng thời tham mưu xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh về từng bước nâng cấp, hoàn thiện và phát triển hạ tầng kỹ thuật theo hướng kết nối mạng lưới hiện đại, số hóa tài nguyên thông tin nhằm sớm hình thành thư viện số.

Bà Lại Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Chuyển đổi số hệ thống thư viện là xu thế tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu tra cứu tài liệu từ xa, đọc sách trên mạng của độc giả. Việc chuyển đổi số còn giúp lưu giữ tài liệu cổ, giá trị, đồng thời tăng cường hiệu quả công việc của người làm thư viện.

Thư viện tỉnh kỳ vọng, chuyển đổi số sẽ là bước tiến quan trọng để hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, tạo đột phá cho công tác phục vụ bạn đọc trong thời kỳ bùng nổ cuộc cách mạng 4.0. Với mục tiêu ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ số, Thư viện tỉnh sẽ từng bước nâng cấp, hoàn thiện và phát triển hạ tầng kỹ thuật theo hướng kết nối mạng lưới hiện đại, số hóa tài nguyên thông tin và sớm hình thành thư viện điện tử, thư viện số.

Khi đó, Thư viện tỉnh sẽ có đủ năng lực để triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và các sản phẩm thông tin thư viện số với quy trình mượn/trả sách tự động, mượn liên thư viện; quản lý ấn phẩm định kỳ, quản lý bạn đọc, mục lục điện tử, trang thông tin điện tử thư viện; số hóa tài liệu và tài nguyên thông tin của thư viện, ưu tiên số hóa tài liệu địa chí, sách cổ, tài liệu quý hiếm, bộ tài liệu có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học của địa phương đang có tại thư viện. 100% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ tài liệu có giá trị đặc biệt sẽ được số hóa và quản lý trên hệ thống thư viện số. Bạn đọc sẽ dễ dàng truy cập, tra cứu mọi lúc, mọi nơi trên các thiết bị điện tử có kết nối Internet.

Theo Báo Ninh Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×