Ninh Bình: Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản để phục vụ du lịch
14/06/2021 | 16:00Những năm qua, công tác bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể luôn được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm, đầu tư, bước đầu đã phát huy được giá trị của tài nguyên du lịch tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo cơ bản đáp ứng được nhu cầu khách du lịch. Đặc biệt, Quần thể Danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014 đã khẳng định kết quả công tác bảo tồn di sản và mở ra cơ hội khai thác giá trị di sản để phát triển du lịch, giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế.
Bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể
Để đảm bảo mục tiêu phát huy giá trị Di sản kết hợp với bảo vệ tài nguyên, môi trường, cảnh quan và bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đảm bảo tính toàn vẹn, xác thực của Di sản, UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Sở Du lịch phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học, các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho công tác bảo tồn di sản và phát triển du lịch. Tổ chức thành công hội thảo khoa học với chủ đề "Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An gắn với phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình".
Cùng với di sản thế giới Tràng An, theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có 1.821 di tích, gồm 298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 hầu hết các hoạt động văn hóa, lễ hội không được tổ chức, các di tích, danh thắng một thời gian dài không mở cửa đón khách.
Tận dụng thời gian này, tỉnh Ninh Bình cũng như các tổ chức, doanh nghiệp đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư tôn tạo, bảo vệ các di tích, di sản văn hóa. Nhiều dự án, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, như: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch sinh thái Tràng An; Dự án tu bổ tôn tạo di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư; Dự án xây dựng quảng trường và sân lễ hội phía trước Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư; Dự án đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đường bao hào nước vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa Lư...
Sở Văn hóa, Thể thao đã phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng các đề án khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân tộc như hát chèo, hát xẩm, hát văn, múa trống dân gian… Tổ chức thường xuyên các buổi sinh hoạt định kỳ, các buổi giao lưu ở các Câu lạc bộ hát chèo, hát xẩm tại các xã, thôn, xóm trên địa bàn tỉnh. Bước đầu đã đưa một số loại hình nghệ thuật dân tộc như hát chèo, hát xẩm, hát văn... vào phục vụ ở một số khu, điểm du lịch như "Chiếu chèo" thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư
Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng: Việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích, di sản đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển du lịch. Bởi văn hóa là nền tảng trong phát triển của xã hội, đặc biệt là nền tảng phát triển du lịch. Ngành du lịch chúng tôi kỳ vọng rất nhiều từ lĩnh vực văn hóa, không chỉ là văn hóa đơn thuần mà phải từng bước trở thành ngành "công nghiệp văn hóa" khi đó chúng ta mới tạo ra sức hút đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Điều đó không chỉ dựa vào nhận thức của người dân mà phải là sự thay đổi tư duy của cả hệ thống chính trị. Việc khai thác và phát triển văn hóa trở thành sản phẩm du lịch phải chú trọng hài hòa giữa bảo tồn bản sắc dân tộc và nét mới tiệm cận với văn minh của nhân loại để hấp dẫn du khách.
Xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng
Bên cạnh việc phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể để phục vụ du lịch, Ninh Bình đã tận dụng khai thác thế mạnh của các giá trị văn hóa vật thể tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng như du lịch làng nghề, du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn.
Thực hiện Đề án mỗi vùng một sản phẩm đặc trưng chất lượng, an toàn (OCOP) tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018-2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp chặt chẽ với các ngành, UBND các huyện thành phố tích cực tuyên truyền về tiềm năng, giá trị của các sản phẩm du lịch nông thôn; lựa chọn và chuẩn hóa 26 sản phẩm OCOP; giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh qua đó nhằm phát huy thế mạnh đặc trưng của địa phương, mang lại giá trị kinh tế bền vững cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.
Công tác xây dựng và phát triển các sản phẩm làng nghề, làng nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch được triển khai theo đúng Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề. Giai đoạn 2010 - 2020 đã có 75 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, gồm: 11 làng nghề trồng hoa, cây cảnh; 04 làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; 11 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 48 làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; 01 làng nghề dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tiến hành khảo sát, nghiên cứu, lập đề án và phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch tại các làng nghề như: làng hoa đào phai Đông Sơn, làng hoa Ninh Sơn, làng nghề thêu Văn Lâm - Ninh Hải, làng nghề đá Mỹ Nghệ Ninh Vân, làng gốm Bồ Bát - Yên Mô, làng nghề cói ở Kim Sơn…
Trong hành trình tìm kiếm, quảng bá Top ẩm thực và Đặc sản Việt Nam do Tổ chức kỷ lục Việt Nam tổ chức, nhiều đặc sản Ninh Bình đã được công nhận là món ăn nổi tiếng của Việt Nam và kỷ lục châu Á như: dê núi Trường Yên, rượu Kim Sơn, nem Yên Mạc, cơm cháy Ninh Bình và mắm tép Gia Viễn ...
Bên cạnh đó, việc xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp có sản phẩm, hàng hóa phục vụ phát triển du lịch được coi trọng: Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp Nông thôn Việt tư vấn và xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ cho 09 kiểu dáng công nghiệp, 50 nhãn hiệu và phát triển nhãn hiệu cho 27 tổ chức; xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây dứa Đồng Giao và dê núi Ninh Bình; xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm: cói mỹ nghệ Kim Sơn, đá mỹ nghệ Ninh Vân, cá Tràu tiến vua, thêu ren Văn Lâm - Ninh Hải, cơm cháy Ninh Bình, mắm tép Gia Viễn, nem chua Yên Mạc, nếp hạt cau Ninh Bình, đào phai Tam Điệp, chè Trại Quang Sỏi, khoai sọ Yên Quang, khoai lang Hoàng Long, khoai sọ Yên Quang, trạch tả Ninh Bình, mật ong Cúc Phương.
Sở Công thương hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề, nghệ nhân trong việc sáng tác mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm, tổ chức các cuộc thi mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình năm 2013, 2017, 2019 và cuộc thi Bàn tay vàng đá mỹ nghệ năm 2020 để lựa chọn các mẫu sản phẩm tiêu biểu xuất sắc sử dụng, trưng bày tại các hội chợ, triển lãm của ngành công thương, du lịch cũng như tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh;
Ngoài ra, tỉnh đang tiến hành xây dựng và triển khai "Kế hoạch khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống trong vùng Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - Quần thể Danh thắng Tràng An" tạo ra các sản phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ làm quà tặng, lưu niệm cho khách du lịch. Đồng thời, hỗ trợ một số doanh nghiệp đầu tư khu trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ; xây dựng các video, clip ngắn, ấn phẩm giới thiệu về doanh nghiệp, làng nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu và đặc sản địa phương phục vụ khách du lịch.
Có thể khẳng định, hệ thống di sản văn hóa phi vật thể và vật thể trên địa bàn tỉnh hiện nay chính là nguồn tài nguyên quý giá góp phần tạo nên sức hút, thương hiệu, giá trị của du lịch Ninh Bình. Đó sẽ là tiền đề để du lịch Ninh Bình bứt phá trong thời gian tới, mang lại những sản phẩm du lịch mới mẻ thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.