Niềm vui đầu năm mới tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam
08/03/2019 | 07:42Thông tin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" đã đem đến niềm vui lớn với cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh hoạt hàng ngày tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam trong những ngày đầu năm mới
Bà Lò Thị Tóm (bên trái) tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Tìm về Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam sau những ngày Đề án được ban hành, chúng tôi cảm nhận rõ được niềm vui, sự hồ hởi hiện lên từng khuôn mặt của đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại "Ngôi nhà chung". Bà Lò Thị Tóm, dân tộc Thái không dấu được vẻ mặt xúc động, bà chia sẻ "Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, từ hồi nhỏ đến giờ tôi vẫn luôn mặc trang phục đồng bào dân tộc mình hàng ngày. Năm nay, tôi đã bước sang tuổi 70, tôi có hai người con dâu, tuy không phải người dân tộc Thái nhưng nhờ vào những lời động viên khuyến khích của tôi, nên cứ có lễ hội dân tộc, các con trai và con dâu đều mặc những bộ trang phục dân tộc Thái".
Bà Tóm còn cho biết, ngày xưa để làm được một bộ trang phục, bà phải tự dệt vải sau đó khâu thành váy, áo rất kỳ công và mất thời gian. "Giờ thì tiện hơn, ngoài thị trường bán sẵn rất nhiều. Tuy nhiên riêng loại vải kẻ caro dân tộc Thái thì vẫn tự dệt, vải đó chủ yếu dành cho nam giới và các cụ bà. Họ rất thích vì nó ấm".
"Tuy nhiên, đa phần giới trẻ ngày nay không còn mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, tôi thấy rất buồn. Bởi vậy, cảm ơn Nhà nước, cảm ơn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có chính sách nhằm bảo tồn trang phục truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi tin rằng, Đề án sẽ bảo tồn và phát huy được trang phục cho thế hệ mai sau", bà Tóm nói.
Cùng như bà Lò Thị Tóm, bà Nguyễn Thị Xuyến, dân tộc Tày, xã Yên Nhuận, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, "Có ngày xưa mới có ngày nay. Thế hệ trẻ bây giờ còn không nói tiếng dân tộc, cũng không còn mặc những bộ trang phục truyền thống nữa, vì thế với trách nhiệm của người đi trước mình cần phải bảo tồn và phát huy những gì đã có từ xưa".
Bà Nguyễn Thị Xuyến (ngoài cùng bên phải).
Bà Xuyến tâm sự, từ khi còn bé bà đã được chứng kiến bố mẹ mình mặc quần áo dân tộc mình. Các con của bà thì mặc trang phục người kinh hàng ngày, nhưng trong các lễ hội tất cả mọi người đều súng sính trong bộ trang phục dân tộc mình. "Đã nhiều lần, ở địa phương, tôi đề nghị mọi người dùng trang phục của dân tộc mình. Bởi khi mình khoác bộ trang phục truyền thống, mình thấy tự hào nhớ về cuội nguồn. Rất là quý giá", bà Xuyến nói.
"Ngày xưa thì trồng bông, dệt vải, tự khâu, may những bộ quần áo. Nhưng giờ thì họ mua vải có sẵn về tự cắt may. Hầu như không còn ai trồng bông, dệt vải nữa, cũng không ai còn quan tâm đến chất liệu để làm nên bộ trang phục của dân tộc mình. Có Đề án hỗ trợ bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào như này thì quá là tốt", bà Xuyến nở nụ cười mãn nguyện.
Bà Xuyến cũng cho biết, hiện bà đang làm công tác tư tưởng cho các con để khôi phục giữ gìn bản sắc, trang phục của dân tộc mình. Bà cũng mong muốn Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyên truyền, hỗ trợ, khôi phục trang phục truyền thống của đồng bào Tày, để các con trẻ nhận thức được truyền thống của mình ngày càng tốt đẹp hơn.
Trong khi đó, chị Triệu Thị Lương, dân tộc Dao, xã Yên Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội chia sẻ: "Tôi bắt đầu mặc trang phục dân tộc Dao từ năm lên 10 tuổi, khi theo Thầy đi làm đám chay. Từ khi xuống chân núi Ba Vì sinh sống, tôi không còn mặc nó thường xuyên nữa, mà chỉ mặc trong các dịp lễ hội. Tuy nhiên, Bố mẹ và các anh chị của tôi họ vẫn mặc hàng ngày".
Chị Lương còn cho biết, hiện nay dân tộc chị vẫn giữ truyền thống thêu thùa. Con gái Dao từ 16 tuổi, mỗi người phải chuẩn bị hai cái áo để đi lấy chồng. Cứ đến tháng 11 hàng năm trở đi là người ta bắt đầu thêu thùa. Theo quan niện của đồng bào, riêng ngày Mùng 1 Tết, con gái Dao không được đến nhà khác chỉ ở nhà thêu thùa.
"Tôi rất vui khi Nhà nước có chính sách bảo tồn trang phục truyền thống của 53 dân tộc thiểu số Việt Nam, tôi mong muốn mình có thể góp một phần nhỏ công sức để bảo tồn và giữ gìn bộ trang phục truyền thống cũng như quảng bá đến các dân tộc anh em về nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình", chị Lương nói.
Chị Triệu Thị Lương, dân tộc Dao (ngoài cùng bên trái).
Có thể thấy, trước xu thế biến mất nhanh chóng của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số như hiện nay, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" là rất cần thiết. Đề án sẽ giúp đồng bào thấy được cái đẹp của trang phục truyền thống dân tộc mình, từ đó có ý thức hơn trong việc bảo tồn trang phục truyền thống của mình trong đời sống, góp phần làm phong phú hơn bức tranh văn hóa đa sắc của Việt Nam.
"Nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc"
Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" là một bước tiến mới nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự coi trọng của các cấp ngành Trung ương và địa phương, khơi dậy sự quan tâm, góp sức của toàn thể xã hội đối với Công tác dân tộc, đặc biệt là bà con đồng bào các dân tộc thiểu số - những chủ thể văn hóa, chủ thể sáng tạo. Qua đó, đáp ứng yêu cầu "di sản văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu" góp phần cho sự phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc.
(Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung)