Niềm vui của những người yêu văn hóa đọc và những người làm công tác thư viện
02/07/2020 | 08:03Luật Thư viện đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2020. Đó là một sự kiện mà những người làm công tác thư viện và yêu văn hóa đọc trong cả nước háo hức đón chờ.
Từ mấy tháng nay, toàn ngành Thư viện đã náo nức chờ đợi ngày Luật Thư viện có hiệu lực. Vẫn biết đó là điều tất yếu nhưng với lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm từ những người tri thức cho đến Nhân dân, những người làm công tác thư viện cảm thấy đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng.
Để góp phần đưa Luật Thư viện vào cuộc sống, ngay từ đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao nhiệm vụ cho Vụ Thư viện tổ chức tập huấn và biên soạn tài liệu phổ biến luật thư viện. 02 lớp tập huấn dành cho đại diện các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao/Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo và nhân viên các thư viện công cộng cấp tỉnh sẽ tổ chức tại 2 miền Bắc và Nam. Các lớp tập huấn phổ biến và hướng dẫn thực thi Luật Thư viện cùng các văn bản quy định cụ thể một số điều của Luật Thư viện. Nhiều Bộ ngành, địa phương cũng đã đưa nội dung phổ biến và hướng dẫn thi hành Luật vào Kế hoạch năm 2020. Ngay sau khi có thông báo, nhiều lãnh đạo Sở và tất cả các thư viện công cộng tỉnh, thành phố đã đăng ký tham dự lớp tập huấn trên.
Tại các Hội nghị, Hội thảo của các Liên hiệp Thư viện các vùng miền khác nhau trong cả nước, nhiều ý kiến thảo luận về việc triển khai Luật Thư viện đã được đặt ra. Một số thư viện đã chủ động phổ biến tới bạn đọc với hình thức hấp dẫn: Thi tìm hiểu về Luật Thư viện và đã được đông đảo bạn đọc hào hứng tham gia. Nhiều cán bộ phụ trách các thư viện tư nhân và thư viện cộng đồng đã thể hiện sự phấn khởi khi có thủ tục đăng ký hoạt động được giảm bớt và thay thế bằng hình thức thông báo.
Không chỉ những người trong ngành thư viện quan tâm đến sự kiện Luật thư viện có hiệu lực mà bạn đọc và những người quan tâm đến văn hóa đọc đều rất vui mừng. Nhiều cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục, những người làm công tác văn hóa, giáo dục, các giáo viên và người sử dụng thư viện đã thể hiện sự phấn khởi và hy vọng.
Bà Nguyễn Thanh Nga - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: "Chúng tôi thực sự vui mừng khi Luật Thư viện chính thức có hiệu lực! Luật quy định đầy đủ, chi tiết các nội dung, thể hiện sự quan tâm đến quyền và lợi ích của tất cả các đối tượng để mọi người dân Việt Nam nhận thức được ý nghĩa của việc đọc sách và cần phải học tập thường xuyên, suốt đời. Luật ra đời là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự đổi mới và phát triển của một đất nước văn hoá, một đất nước hiện đại. Đây là điều kiện rất tốt để ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới và phát triển văn hóa đọc tại các nhà trường, liên thông giữa các thư viện, lan tỏa phong trào đọc sách tới gia đình, cộng đồng nhằm góp phần đưa Luật sớm đi vào cuộc sống".
Cô giáo Phạm Thị Diệu Hiền, giáo viên, tổ trưởng Bộ môn Ngữ văn trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Tiền Giang đã cho biết: "Trong những năm gần đây, văn hóa đọc ở trường Nguyễn Đình Chiểu có nhiều tín hiệu đáng mừng. Năm 2019, Nhà trường có 2 học sinh đạt giải Quốc gia về văn hóa đọc và thư viện nhà trường là điểm đến của rất nhiều học sinh. Trong Luật Thư viện, người đọc là trung tâm với những quyền lợi và trách nhiệm cụ thể sẽ tác động tích cực đến thói quen đọc sách của học sinh. Hơn thế nữa, việc ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ trong lĩnh vực thư viện phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, việc đưa sách đến gần với nhiều đối tượng, xóa khoảng cách vùng miền để việc đọc sách được dễ dàng, từ đó lan tỏa văn hóa đọc đến cộng đồng!".
Bà Đinh Việt Anh-Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam đã tâm sự: "Là những người khiếm thị, chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi khi Luật Thư viện chính thức có hiệu lực. Đặc biệt, Điều 44 của Luật đã có quy định thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước dành cho những đối tượng đặc biệt. Trong đó, người khiếm thị, khiếm thính được tạo điều kiện sử dụng tài liệu in chữ nổi Braille, tài liệu nghe, nhìn, tài liệu ngôn ngữ ký hiệu hoặc tài liệu đặc biệt khác. Bên cạnh đó, những người sử dụng thư viện là người khuyết tật mà không thể tới thư viện được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin tại nhà thông qua dịch vụ thư viện lưu động hoặc gửi qua bưu chính, không gian mạng khi có yêu cầu phù hợp với hoạt động của thư viện.
Chúng tôi hy vọng những quy định hết sức nhân văn này sẽ được thực thi hiệu quả trên thực tế, góp phần tạo điều kiện cho những người khiếm thị và các đối tượng đặc biệt khắc được đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, tài liệu - yếu tố quan trọng để nâng cao kiến thức, kĩ năng cũng như tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục, việc làm, tham gia các hoạt động xã hội… để tự đứng vững trên đôi chân của mình và trở thành những thành viên có trách nhiệm, hòa nhập và đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng".
Nhiều học sinh cũng thể hiện sự vui mừng khi Luật Thư viện có hiệu lực. Em Phan Nguyễn Võ Huân - lớp 12D1 trường PTTH Nguyễn Đình Chiểu nói: "Luật Thư viện đã thật sự đi vào đời sống sẽ giúp mọi người không phân biệt giới tính, độ tuổi, vùng miền có điều kiện tốt hơn trong tiếp cận với tri thức; tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số, người khiếm khuyết, người bị phạt tù... đến gần hơn với sách báo bằng nhiều cách khác nhau. Luật sẽ giúp văn hóa đọc được lan tỏa rộng hơn, giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của việc đọc, hình thành cách ứng xử, đạo đức, lối sống mỗi cá nhân, tạo thói quen tốt cho giới trẻ không thờ ơ với sách. Mong mọi người chúng ta sẽ cùng hưởng ứng và thực hiện Luật Thư viện một các nghiêm túc và có hiệu quả".
Những hoạt động và lời chia sẻ trên đã thể hiện niềm vui của những người làm công tác thư viện, những người yêu văn hóa đọc trước sự kiện Luật Thư viện có hiệu lực, đi vào cuộc sống. Luật Thư viện vừa là điểm tựa vững chắc vừa là tạo niềm niềm hy vọng về sự chấn hưng và phát triển của sự nghiệp thư viện cũng như văn hóa đọc của đất nước trong thời gian tới.