"Niềm tin và khát vọng" giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa- sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
22/11/2021 | 08:34Tối 21/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt "Niềm tin và khát vọng". Chương trình nhằm chào mừng Đại hội Văn hóa toàn quốc sẽ diễn ra vào ngày 24/11 tới; triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tới dự Chương trình có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lâm Thị Phương Thanh; Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Thanh… cùng đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và TP Hà Nội.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh tầm quan trọng, tính đi trước đón đầu của văn hóa - ngọn lửa soi đường, dẫn lối cho dân tộc đi đến những thắng lợi vinh quang- "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi".
Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Bác viết: "Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và Văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".
Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước của nhân dân ta trong gần thế kỷ qua đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn. Một trong những yếu tố góp phần làm nên điều kì diệu đó chính là đường lối xây dựng và phát triển văn hóa linh hoạt, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta là người trực tiếp vạch ra đường lối và chỉ đạo thực hiện đường lối phát triển văn hóa Việt Nam. Đường lối đó tiếp tục được khẳng định qua các giai đoạn lịch sử của đất nước, qua các kì đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng từ những ngày đầu thành lập cho đến nay.
Chào mừng sự kiện có ý nghĩa đặc biệt này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và biểu diễn chương trình nghệ thuật với chủ đề: "Niềm tin và khát vọng" với sự tham gia biểu diễn của 350 nghệ sỹ, diễn viên thuộc các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp Trung ương và các địa phương trong cả nước.
Đạo diễn Chương trình, NSND Quang Vinh chia sẻ: "Thông qua những tiết mục nghệ thuật, chương trình khẳng định vai trò, đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đặc biệt trong đó phải kể đến đường lối phát triển văn hóa rất phù hợp với thực tiễn cách mạng ở nước ta. Phạm trù văn hóa là rất rộng lớn. không chỉ ở mảng nghệ thuật biểu diễn mà văn hóa còn thể hiện ở nhiều sắc thái, bình diện xã hội khác nhau. Đây là chương trình nghệ thuật hàm chứa nội dung về đường lối văn hóa của Đảng nên ý nghĩa và dung lượng phản ánh của nó là vô cùng. Vì vậy, quá trình xây dựng chương trình chúng tôi tận dụng tối đa một số clip để chuyển tải nội dung, hình ảnh của chương trình tới công chúng khán giả. Về phần trực giác trên sân khấu, ê kíp sáng tạo xây dựng một chương trình nghệ thuật ca múa nhạc thật công phu, hoành tráng, tươi mới, sinh động và hấp dẫn để lôi cuốn người xem".
Chương trình gồm 03 phần: Phần I: Tổ Quốc; Phần II: Đường chúng ta đi và Phần III: Rạng rỡ Việt Nam.
Các tiết mục nghệ thuật ở phần I nhằm tái hiện quá trình văn hóa kiến quốc của dân tộc. Tổ Quốc gồm clip khái quát nội dung và sự ra đời bản Đề cương văn hóa năm 1943 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đề cương xác định văn hóa là một trong ba mặt trận cách mạng (chính trị, kinh tế và văn hóa). Đề cương phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị với cách mạng văn hóa, khẳng định vai trò lãnh đạo tất yếu của Đảng đối với cách mạng văn hóa.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: Dân tộc, Khoa học và Đại chúng. Người còn nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn học nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Người kêu gọi các nhà văn hóa Việt Nam: "Hãy chú ý đặc biệt đến Nhi đồng".
Trong thư gửi các họa sĩ nhân triển lãm hội họa năm 1951 Bác viết: "Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị ". Các loại hình văn hóa phi vật thể như nghệ thuật cổ điển, nghệ thuật truyền thống, các loại hình văn học dân gian như tục ngữ, vè, ca dao là những viên ngọc quí của dân tộc, phải biết trân trọng, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản dân tộc, cái hay, cái đẹp... Tính kế thừa, chọn lọc và phát triển để giữ gìn vốn văn hóa quý báu của dân tộc. "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy".
Ở Phần I gồm hoạt cảnh phức hợp: Bình minh Đất Việt; Hợp xướng và Hòa tấu Nhạc cụ dân tộc; Âm vang nguồn cội; Hòa tấu cồng Mường; Hát múa Hồn Việt… Các tiết mục thể hiện sự đa dạng của truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam, từ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng đến vùng núi biên cương phía Bắc, vượt đại ngàn đến với Tây Nguyên hùng vĩ… Sự thống nhất trong đa dạng là đặc trưng, đồng thời là quy luật phát triển, là tiềm năng, sức mạnh nội sinh, tính hấp dẫn của nền văn hóa Việt Nam.
Phần II Đường chúng ta đi là giai đoạn Văn hóa cách mạng, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII của Đảng xác định Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Nền văn hóa chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nền văn hóa thống nhất và đa dạng. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân.
Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện hướng đến Chân – Thiện – Mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Phần biểu diễn kết hợp giữa ca và múa khắc họa công cuộc đổi mới, tuyên truyền đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, tổ chức phong trào Bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ... đồng thời xây dựng nếp sống văn hóa mới trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ...
Những tiết mục nghệ thuật đưa khán giả theo hành trình không gian dặm dài của đất nước cũng là không gian văn hóa đặc trưng của mỗi vùng đất trên đất nước Việt Nam. Từ hành trình "Đường chúng ta đi"; "Đất nước lời ru" đến với vùng núi cao (Thắm hoa núi rừng; Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi; Ngày hội vùng cao) đến với sân đình của vùng quê Bắc Bộ (Nhịp trống sân đình) hòa vào "Trống hội" để thấy "Quê tôi đổi mới" và "Kể chuyện ngày mùa" ấm no…Hành trình được nối dài đến với miền Trung và phương Nam trong những tiết mục đặc sắc: múa Hoàng hôn trên những cánh buồm; múa Hoa Đăng…Chung một ánh trăng; hát: Gùi nắng gội mưa; tiết mục Dạ khúc đêm trăng; hát múa Đất Phương Nam; hát múa Quê hương tôi Việt Nam.
Phần III: Rạng rỡ Việt Nam gồm các tiết mục như: Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người; Một đời người, một rừng cây; Quê hương Việt Nam; Lời trái tim muốn nói; Tôi yêu Việt Nam
Khép lại Chương trình là liên khúc "Những trái tim Việt Nam"; "Cùng bước đến vinh quang" như gửi gắm một niềm tin, niềm tự hào và khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa- sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.../.