Những rủi ro của ngành du lịch Việt Nam trước vấn nạn buôn bán động vật hoang dã
02/08/2019 | 22:46Việt Nam là một trong số các quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới với rất nhiều loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng cao. Tuy nhiên, Việt Nam cũng được xem là quốc gia chuyên cung cấp, trung chuyển, tiêu thụ các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã.
Hội thảo bảo vệ động vật hoang dã và du lịch có trách nhiệm
Ảnh hưởng xấu đến hình ảnh
Tại hội thảo bảo vệ động vật hoang dã và du lịch có trách nhiệm mới đây, các chuyên gia đến từ Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Mạng lưới giám sát thương mại động vật hoang dã (TRAFFIC) đã đưa ra một số cảnh báo đối với ngành du lịch của Việt Nam, trước những diễn biến ngày càng phức tạp của hoạt động buôn bán động vật hang dã.
Theo đó, buôn bán động vật hoang dã có thể mang lại những rủi ro lớn cho hoạt động của ngành du lịch như: Giảm sức hấp dẫn đối với du khách, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, vi phạm luật pháp và các công ước quốc tế mang Việt Nam đã tham gia, ký kết; gia tăng tội phạm, gây mất an ninh, trật tự; làm mất đi hình ảnh về một Việt Nam thanh bình, mến khách; khiến cho doanh thu của ngành du lịch thụt giảm…
Bà Sarah Ferguson – Giám đốc TRAFFIC Việt Nam đã chỉ ra rằng, trên thế giới, loại hình du lịch trải nghiệm, tham quan các khu bảo tồn thiên nhiên, động thực vật hoang dã mang lại nguồn lợi nhuận rất lớn cho ngành du lịch và du lịch cũng có ảnh hưởng ngược trở lại trong vấn đề bảo vệ, chống buôn bán động vật hoang dã.
"Việt Nam được biết đến như một nguồn cung cấp, một điểm trung chuyển động vật hoang dã ở khu vực và trên thế giới. Ở Việt Nam có những điểm tham quan các trại nuôi gấu để lấy mật hay việc cưỡi voi ở Tây Nguyên… đã tạo ra những ý kiến tranh luận trái chiều", bà Sarah Ferguson phân tích.
Có một thực tế là, gần như ở tất cả các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam đều có bày bán các sản phẩm từ động vật hoang dã như ngà voi, thịt thú rừng, sừng tê giác, vẩy tê tê… Mới đây, tại Đà Nẵng, các cơ quan chức năng đã bắt giữ 9,1 tấn ngà voi. Tháng 4/2019, 26 tấn vẩy tê tê cũng đã được bắt giữ khi đang trên đường vận chuyển từ Nigeria về Việt Nam. Trước đó, Singapore cũng đã thu giữ lô hàng 11,9 tấn vẩy tê tê đang trên đường vận chuyển vào Việt Nam.
Hoạt động buôn bán động vật hoang dã hay việc bày bán kinh doanh thịt thú rừng tại các điểm du lịch như hiện nay về lâu về dài sẽ làm mất đi hình ảnh của du lịch Việt Nam. Du khách, đặc biệt là khách đến từ các nước châu Âu sẽ ít quay trở lại Việt Nam nếu chứng kiến những hình ảnh về buôn bán thịt thú rừng công khai, mua bán ngà voi một cách quá dễ dàng…
Các chuyên gia đến từ WWF và TRAFFIC đều cho rằng, việc bày bán công khai thịt thú rừng cùng các sản phẩm có nguồn gốc từ động, thực vật hoang dã tại nhiều điểm tham quan như hiện nay, đang là một điểm trừ khá lớn đối với ngành du lịch của Việt Nam.
Năm 2018, Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) đã ra tuyên bố Buenos Aires để công nhận mối liên hệ bất hợp pháp giữa buôn bán động vật hoang dã và du lịch.
Tuyên bố này khẳng định không khoan nhượng với những hành vi buôn bán động vật hoang dã, không bán sản phẩm từ động vật hoang dã, đào tạo nhân viên nhận diện sản phẩm bất hợp pháp, bảo tồn động vật hoang dã và quan tâm đến vấn đề buôn bán động vật xuyên quốc gia…
Các chuyên gia, đại biểu tham gia thảo luận, bàn và đưa ra các giải pháp để tháo gỡ vấn đề buôn bán động vật hoang dã và du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam
Giải pháp tháo gỡ
Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, phát triển du lịch bền vững là mục tiêu trọng tâm của Việt Nam. Muốn phát triển du lịch bền vừng thì có rất nhiều nội dung và vấn đề trong đó có việc bảo tồn sự đa dạng của sinh học và bảo vệ động vật hoang dã. Về khía cạnh pháp luật, chúng ta đã có luật bảo vệ động vật hoang dã và những chế tài xử phạt nghiêm khắc. Nhưng trên thực tế vẫn có những lỗ hổng về quản lý nên vẫn còn tình trạng bán đồ ăn thức uống từ động vật hoang dã hay bày bán các sản phẩm, mặt hàng có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Cũng theo bà Hương muốn bảo vệ động vật hoang dã, thì phải có sự chuyển biến trong nhận thức từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân và du khách. "ngành du lịch cũng phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa và các doanh nghiệp cần phải khuyến cáo khách du lịch không sử dụng, mua bán các sản phẩm được làm từ động vật hoang dã. Tiến tới, có thể chúng ta sẽ phát động phong trào nói không với các sản phẩm hay dịch vụ có liên quan đến động vật hoang dã không được pháp luật cho phép".
Trong khi đó, các chuyên gia đến từ WWF và TRAFICC cũng đã gợi ý một vài các giải pháp để ngăn chặn tình trạng buôn bán, kinh doanh động vật hoang dã tại Việt Nam hiện nay, góp phần để phát triển du lịch có trách nhiệm – du lịch bền vừng.
Giải pháp mà các chuyên gia nhấn mạnh hàng đầu đó là việc hỗ trợ người dân làm du lịch cộng đồng, từ đó cải thiện cuộc sống, nâng cao nhận thức của người dân để họ chuyển từ việc khai thác, tận diệt các loài động, thực vật hoang dã, thay sang nuôi trồng, bảo vệ. Cùng với đó, có những biện pháp mạnh tay hơn về mặt pháp lý, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, đặc biệt là từ phía Chính phủ./.