Những phát hiện khảo cổ mới nhất tại di chỉ 3000 tuổi ở Hà Nội
23/10/2019 | 09:07Tại hội thảo đầu bờ sáng 22/10 tại khu di chỉ Vườn Chuối (Lai Xá, Kim Chung, Hoài ĐỨc, Hà Nội), các nhà khoa học, khảo cổ điểm qua một loạt phát hiện mới và quan trọng trong đợt khai quật, thăm dò khu di chỉ Vườn Chuối vừa qua.
GS.TS. Lâm Mỹ Dung là chịu trách nhiệm phụ trách đợt khai quật, thăm dò khảo cổ tại di chỉ Vườn Chuối - di chỉ 3 nghìn tuổi đánh dấu sự có mặt đầu tiên của cư dân Hà Nội ít nhất từ 3.500 năm - 2.000 năm cách ngày nay. GS. Lâm Mỹ Dung đánh giá kế thừa kết quả của 8 đợt khai quật trước, kết quả lần này giúp chúng ta xác định diện tích còn cần nghiên cứu và gìn giữ.
Toàn cảnh nhìn từ trên cao của một hố khai quật tại di chỉ Vườn Chuối. Ảnh: Mạnh Thắng
Khi chúng ta đào rộng ra, các nhà khoa học có thể quan sát rộng hơn, nhận thức rõ hơn về cư dân cổ sinh sống ở đây. Một số hiện vật mộ táng thu được còn ở tình trạng tốt, theo nhận định ban đầu của GS. Lâm Mỹ Dung có thể đủ điều kiện làm ADN, xác định niên đại.
GS. TS. Lâm Mỹ Dung báo cáo sơ bộ tại hội thảo đầu bờ. Ảnh: Mạnh Thắng
Sau khi được Bộ VHTTDL cho phép, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Nhân học (trường ĐH KHXH&NV Hà Nội) tiến hành khai quật, thăm dò tại ba khu vực Gò Vườn Chuối, gò Dền Rắn và gò Mỏ Phượng từ tháng 4/2019 tới nay. Kết quả thu được có ý nghĩa quan trọng đối với nghiên cứu, phát huy di tích.
Khoảng 1 nghìn hiện vật đồ đá
PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học đánh giá di vật thu được có ý nghĩa quan trọng, giá trị thu được trong đợt khảo cổ này cũng có giá trị lớn cho giới nghiên cứu.
Đợt khai quật này các nhà khảo cổ thu được 15 mộ, đều là mộ giai đoạn văn hóa Đông Sơn với hai loại mộ huyệt đất và mộ quan tài gốm. Ngoài ra, các nhà khảo cổ phát hiện ra 7 mộ hiện đại ở các hố H1, H2 và TD45.
Phát hiện thêm nhiều mộ táng ở Vườn Chuối
Các nhà khoa học tiếp tục phát hiện thêm các loại hình di tích sinh hoạt cư trú như các khu bếp đun nấu, vết tích lò nấu đồng, các hố đất đen, hố chân cột, vết tích nền sân hoặc nền kiến trúc thuộc nhiều giai đoạn khác nhau từ Tiền Đông Sơn đến Đông Sơn.
Sơ bộ, các nhà khai quật thu được hơn 1 nghìn hiện vật đá với các loại công cụ lao động, đồ trang sức và các loại hiện vật khác. Công cụ lao động như rìu, bôn, đục, bàn mài, chì lưới. Đồ trang sức như mảnh vòng, mảnh khuyên tai, hạt chuỗi, vật đeo. Khoảng 40 hiện vật đồ đồng như công cụ sản xuất (rìu, dào, kim, lưỡi câu), vũ khí và các hiện vật khác.
Một số mảnh di vật thu được ở Vườn Chuối. Ảnh: Mạnh Thắng
Đồ tre gỗ tìm thấy chủ yếu trong lớp bùn đấy ao hồ, nhiều mảnh có dấu hiệu chặt, đẽo, gọt. Đồ gốm tìm thấy đều là gốm mảnh thuộc các loại hình nồi, vỏ, bát, bát có chân thuộc các giai đoạn từ Đồng Đậu-Gò Mun-Đông Sơn và muộn hơn.
Hố khai quật số 1 tại Di chỉ Vườn Chuối. Ảnh: Mạnh Thắng
“Kết quả thu được qua đợt thăm dò khai quật ghi nhận Cụm di chỉ Vườn chuối là cụm di chỉ cư trú kết hợp mộ táng. Cùng kết quả từ ác lần khai quật trước, các hố thăm dò, khai quật ở gò Vườn Chuối, gò Dền Rắn, gò Mỏ Phượng lần này đã góp thêm nhiều tư liệu góp phần làm rõ hơn giá trị lịch sử văn hóa của cụm di tích Vườn Chuối và thời Tiền Sơ sử ở khu vực thành phố Hà Nội”, PGS.TS. Bùi Văn Liêm nói.
Dưới đây là một số hình ảnh từ di chỉ 3 nghìn tuổi Vườn Chuối:
Nguyên Khánh- Mạnh Thắng