Tin từ Tổ Quốc

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Những người tâm huyết với nghệ thuật thứ 7 cùng bàn cách "Thúc đẩy điện ảnh Việt thời hậu Covid-19"

22/09/2020 | 11:30

Ngày 21/9, tại TP.HCM, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng các đơn vị phát hành và nhà sản xuất phim, nhà làm phim... tổ chức buổi họp báo: “Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu Covid-19”.

Tới dự buổi họp báo có PGS-TS, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Tạ Quang Đông; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cùng đông đảo nghệ sỹ, diễn viên, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.

15 phim Việt ra rạp trong nửa đầu năm 2020

"Thúc đẩy điện ảnh Việt thời hậu Covid-19" nhằm tìm giải pháp khôi phục thị trường, kích cầu điện ảnh Việt, đa dạng nội dung phim chiếu rạp, tìm hướng đi mới trong công tác phát hành phim, kích thích thói quen xem phim của khán giả và đưa ra các giải pháp thu hút người hâm mộ trở lại sau thời gian nghỉ dịch.

Báo cáo về tình hình thị trường phim của Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Phát hành của CJ CGV cho biết: "Tính theo thị phần số lượng vé, năm 2019, tại TP.HCM chiếm tới 39%, Hà Nội đạt 23%, đến nửa đầu 2020, TP.HCM chỉ đạt 34% còn Hà Nội là 21%. Trong số phim được mong chờ nhất năm 2019, có một số phim của Việt Nam như: Hai Phượng, Chị chị em em, Bắc Kim Thang…".

Những người tâm huyết với nghệ thuật thứ bảy cùng bàn cách "Thúc đẩy điện ảnh Việt thời hậu Covid-19" - Ảnh 1.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại sự kiện

Nhận định về phim Việt, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Giám đốc Khối Vận hành rạp Galaxy nói: "Phim Việt đã có những bước tiến rất lớn về chất lượng, mỗi tuần có khoảng 1 phim ra rạp (năm 2019 đạt 42 phim), có doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng năm 2019. Một số phim Việt nằm trong top 10 của phim có doanh thu cao nhất thị trường như: Tấm cám chuyện chưa kể, Cô gái đến từ hôm quan, Siêu sao siêu ngố, Hai Phượng…".

Cũng theo bà Hoa thì đầu năm 2020, chỉ có 9 phim ra rạp (tháng 1 đến tháng 3) đạt khoảng 3,6 phim/tháng và 5 phim từ tháng 5 đến tháng 8), đạt 1,4 phim/tháng.

Dù vậy, bà Hoa vẫn nhận định: "Nếu có những bộ phim tốt, khán giả sẵn sàng quay trở lại và chúng tôi sẽ đồng hành cùng với các nhà sản xuất phim. Đồng thời, đây là cơ hội tốt cho phim Việt khi ít phải cạnh tranh với các phim nước ngoài", bà Hoa nói thêm. Trong khi đó, nhà làm phim, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khẳng định: "Chúng tôi cố gắng làm những bộ phim hay hơn và chất lượng hơn".

Kích cầu phim Việt

Theo nhận định của các khách mời, khi các phim "bom tấn" nước ngoài lần lượt dời lịch chiếu đến cuối năm hoặc sang năm sau thì đồng thời, đây là cơ hội để phim Việt chinh phục khán giả trong nước bằng chính chất lượng và nội dung của mình.

Bài học điển hình là hai thị trường điện ảnh lớn của châu Á là Trung Quốc và Hàn Quốc đã khôi phục một cách mạnh mẽ. Điều đáng nói, những bộ phim giải cứu phòng vé là phim nội địa chứ không phải bom tấn nước ngoài. Ở thị trường Hàn Quốc, bộ phim "Ác quỷ đối đầu" (Deliver us from evil) vượt mặt bom tấn nước ngoài ở cuộc đua phòng vé. Trong khi đó, bộ phim "Bát bách" (The eight hundred) được xem là cứu tinh của điện ảnh Trung Quốc chứ không phải phim bom tấn ngoại thời hậu Covid-19.

Những người tâm huyết với nghệ thuật thứ bảy cùng bàn cách "Thúc đẩy điện ảnh Việt thời hậu Covid-19" - Ảnh 2.

Đông đảo khách mời tham dự họp báo và mong muốn Điện ảnh Việt sẽ sớm hồi phục

Tại buổi họp báo, các nhà làm phim cho rằng chúng ta hoàn toàn tin tưởng phim Việt sẽ đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc giải cứu thị trường. Đồng thời, các rạp chiếu sẽ đa dạng được nội dung và khán giả Việt sẽ được thưởng thức những bộ phim chất lượng.

Không ai mong muốn đại dịch thay đổi hành vi và thói quen xem phim của khán giả, do đó, đây là cơ hội để các rạp chiếu, các nhà sản xuất phim giới thiệu những tác phẩm chất lượng, chương trình quảng bá điện ảnh phù hợp và kích thích nhu cầu giải trí, thói quen xem phim của khán giả nước nhà.

Tại sự kiện "Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu Covid-19", nhiều vị khách mời còn thảo luận, khuyến khích các nhà phát hành đưa ra các chương trình ưu đãi và xây dựng những kế hoạch truyền thông hấp dẫn, đa dạng hóa nội dung để thu hút khán giả quay trở lại rạp. Cùng với đó, tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không chủ quan lơ là, tạo môi trường thưởng thức điện ảnh an toàn cho khán giả.

Diễn viên - nhà làm phim Trương Ngọc Ánh khuyến nghị: "Các cụm rạp nên hỗ trợ giảm phí phát hành phim. Bởi các nhà đầu tư phim cũng cân nhắc trong việc đầu tư sản xuất phim trong thời điểm hiện nay, vì vậy, các cụm rạp nên cân đối kỹ lưỡng để các bên hài hòa lợi ích".

Cần sự chung tay góp sức

Điện ảnh Việt Nam trong 5 năm trở lại đây có những bước phát triển vượt bậc về chất và lượng qua từng năm, với tốc độ tăng trưởng toàn thị trường từ 20% - 25%. Nhiều phim Việt gia nhập vào câu lạc bộ những phim có doanh thu trăm tỷ. Trong đó, những tác phẩm điện ảnh được đầu tư xứng đáng về mặt nội dung và chất lượng sẽ được khán giả đón nhận.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ: "Trong ảnh hưởng của đại dịch, chúng ta vẫn thấy các nghệ sĩ, diễn viên, các cá nhân và tập thể lao động trong lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh nỗ lực vượt lên khó khăn, giữ lửa đam mê nghề nghiệp. Đây chính là thời điểm để các đoàn làm phim có thời gian trau chuốt kịch bản, hậu kỳ, nâng cao chất lượng cho tác phẩm".

Những người tâm huyết với nghệ thuật thứ bảy cùng bàn cách "Thúc đẩy điện ảnh Việt thời hậu Covid-19" - Ảnh 3.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông (thứ hai từ phải qua), Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà và diễn viên Trương Ngọc Ánh trao đổi bên lề buổi họp báo

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông: "Xu hướng và cách thức giải trí của khán giả đang thay đổi và ngành điện ảnh cũng cần nắm bắt, tiếp cận nhu cầu đó để chọn hướng phát hành phù hợp, nhiều doanh nghiệp tư nhân kinh doanh ở lĩnh vực điện ảnh đang củng cố lại các khâu: nhân lực, khách hàng, đầu tư...

Các rạp chiếu phim toàn quốc cũng đang có những biện pháp khắc phục thiệt hại như làm việc với các chủ đầu tư cho thuê mặt bằng để thảo luận việc miễn giảm chi phí, dự định chiếu lại những bộ phim "bom tấn" trước đây và đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến chương trình thành viên để kích cầu khán giả quay trở lại rạp sau dịch bệnh" – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bàn về việc khôi phục điện ảnh Việt Nam hậu Covid – 19, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị: "Để điện ảnh Việt khôi phục lại trạng thái ban đầu, chúng ta đang rất cần sự chung tay góp sức của các đơn vị hoạt động trong ngành. Khi các phim "bom tấn" nước ngoài dời lịch, đây là thời điểm vàng để phim Việt ra rạp. Tôi đề nghị các nhà sản xuất cần phối hợp chặt chẽ với nhau, phân bổ lịch khởi chiếu hợp lý, tránh việc phim Việt cạnh tranh trong cùng thời điểm hoặc đối đầu trực tiếp với phim bom tấn nước ngoài".

Những người tâm huyết với nghệ thuật thứ bảy cùng bàn cách "Thúc đẩy điện ảnh Việt thời hậu Covid-19" - Ảnh 4.

Buổi họp báo quy tụ các đơn vị phát hành và nhà sản xuất phim, nhà làm phim, diễn viên, đạo diễn...

Nhấn mạnh đến vai trò của các đơn vị phát hành phim, Thứ trưởng cho rằng: "Các nhà phát hành phim nên hỗ trợ quảng cáo, tăng suất chiếu cho phim Việt, đặc biệt là các suất chiếu trong khung giờ vàng. Đồng thời, triển khai các chương trình ưu đãi để kích cầu phim Việt đến người hâm mộ điện ảnh, thiết lập lại thói quen xem phim của khán giả. Với những tác phẩm điện ảnh chất lượng, kèm theo chương trình ưu đãi hấp dẫn và sự ủng hộ nhiệt thành của khán giả, tôi tin rằng điện ảnh Việt Nam sẽ vững vàng, mạnh mẽ vượt qua những thách thức trong giai đoạn này".

Trong sự kiện hôm nay, Ban tổ chức đã chia sẻ clip "Phía sau hào quang" nhằm ghi nhận đóng góp của những cá nhân để làm nên một bộ phim. Đó là những diễn viên phụ, thiết kế phục trang, trợ lý sản xuất, chuyên viên hóa trang, tổ hậu kỳ, nhân viên bán vé, lao công rạp… Những cống hiến của họ tuy lặng lẽ nhưng không thể thiếu trong ê-kíp làm phim, trong hành trình đưa một tác phẩm điện ảnh đến với người hâm mộ môn nghệ thuật thứ 7.

Trong thời gian cách ly xã hội, nhiều dự án phim phải dừng quay, rạp chiếu ngừng hoạt động để chung tay phòng chống dịch, nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc của mình để khán giả vẫn được tiếp tục thưởng thức những bộ phim yêu thích tại rạp ngay khi có thể.



PV

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×