Những nét mới từ lễ hội vùng cao Thừa Thiên Huế
05/07/2022 | 14:47
Thay vì cảnh đâm trâu rùng rợn, những năm gần đây ở các dịp lễ lớn, đồng bào Cơ Tu tại huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế sử dụng con trâu giả tượng trưng để thực hiện các nghi lễ truyền thống. Đây là một trong những nét thay đổi mới để phù hợp hơn, thích ứng với đời sống hiện đại.
Nam Đông là một trong 2 huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi đây người dân đồng bào Cơ Tu chiếm 43% dân số toàn huyện. Từ xưa, người dân đồng bào Cơ Tu đã hình thành nên những nét đẹp văn hóa độc đáo và lâu đời, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Mới đây, người dân và du khách đến tham quan huyện Nam Đông vào dịp địa phương đăng cai tổ chức Ngày hội VHTT&DL các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022 đã có cơ hội chứng kiến những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu đang sinh sống nơi đây.
Tại đây, người dân và du khách được xem tái hiện các lễ hội truyền thống của đồng bào Cơ Tu, được thưởng thức các món ẩm thực đậm đà hương vị núi rừng Nam Đông.
Một trong những phần đặc sắc của ngày hội năm nay là du khách được xem tái hiện lễ hội "Mừng lúa mới" của người dân đồng bào Cơ Tu.
Những lễ vật chuẩn bị cho lễ hội "Mừng lúa mới".
Được tận mắt chứng kiến, nhiều người ngạc nhiên, thích thú không chỉ bởi những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu mà còn là những đổi thay từ các lễ hội vùng cao.
Những năm gần đây, thay vì cảnh đâm trâu rùng rợn ở các dịp lễ lớn, đồng bào Cơ Tu tại huyện Nam Đông đã sử dụng con trâu giả bằng xốp tượng trưng thay thế để thực hiện các nghi lễ truyền thống.
“Mọi thứ dần thay đổi, cuộc sống thay đổi nên lễ hội cũng phải thay đổi cho phù hợp, thích ứng với đời sống hiện đại”, các già làng và bà con đồng bào Cơ Tu chia sẻ khi được hỏi về việc không có cảnh đâm trâu như trước.
Theo tìm hiểu được biết, nghi lễ đâm trâu của người Cơ Tu xưa chỉ được tổ chức vào những dịp trọng đại như mừng lúa mới, lễ tạ ơn, đám cưới hay mừng nhà Gươl mới... mang ý nghĩa tạ ơn các vị thần đã phù hộ cho dân làng một năm qua làm ăn được mùa, con cháu khỏe mạnh. Đây cũng là dịp để đồng bào chung vui, gặp gỡ nhau và dâng đầu trâu để tế thần linh nhằm thông báo tình hình buôn làng mình.
Với đồng bào Cơ Tu, người đâm trâu phải là người có uy tín trong làng, có sức khỏe tốt với những nhát đâm vô cùng chính xác. Con trâu phải là con vật may mắn mới được chọn để làm vật tế, giúp dân làng thể hiện được tình cảm với thần linh, mong thần linh phù hộ cho dân làng một vụ mùa mới tiếp tục ấm no, hạnh phúc.
Tuy nhiên, nghi thức này ngày nay không còn phù hợp với đời sống cộng đồng. Việc thay trâu thật bằng trâu mô hình tượng trưng là nét thay đổi mới để lễ hội phù hợp hơn, thích ứng với đời sống hiện đại.
Chỉ tay về phía con trâu giả chuẩn bị trước cột lễ cho nghi lễ tái hiện, ông A Lăng Kơ Lói (80 tuổi, người Cơ Tu xã Thượng Long, Nam Đông) cho hay, tục lệ đâm trâu thật nay không còn phù hợp, không đẹp mắt và khi được chính quyền vận động bà con đã thay đổi. Lâu nay, các già làng, trưởng bản người có uy tín cũng là cầu nối để truyền tải, thuyết phục người dân thấy được việc đâm giết trâu tại lễ hội là hành động thiếu nhân văn, cần được xóa bỏ.
Rất nhiều du khách đến tham dự lễ hội tỏ ra bất ngờ và hài lòng với sự thay đổi này. Cảnh đâm trâu phản cảm được dẹp bỏ, nhưng vẫn có một con trâu mô hình thay thế đã đáp ứng nhu cầu lễ hội vừa hợp tình, hợp lý. Mọi nghi lễ vẫn được giữ nguyên, chỉ có đâm trâu thật là không còn. Nhưng lễ hội vẫn diễn ra một cách trang nghiêm, đáp ứng nhu cầu chuyển tải nét văn hóa đặc trưng của người đồng bào Cơ Tu.
Theo ông Dương Thanh Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, nghi thức đâm trâu của người đồng bào Cơ Tu trên địa bàn đã chính thức loại bỏ từ năm 2016. Ban đầu việc tuyên truyền người dân, đồng bào bỏ nghi thức này gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người có ý kiến phản đối, thậm chí bị phản ứng lại. Huyện Nam Đông đã tổ chức nhiều hội nghị, cuộc gặp gỡ với già làng, trưởng bản, những người có uy tín để tuyên truyền, vận động, giải thích về việc cần thiết phải bỏ tục đâm trâu này. Thông qua những người này, qua một thời gian vận động, đồng bào đã hiểu và thay đổi, tiến tới không còn tục này nữa.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính nguyên bản, hiện nay bà con đồng bào thay thể con trâu thật bằng con trâu mô hình để thực hành nghi lễ. Việc này vừa đảm bảo tính văn minh, vừa để cho con cháu thế hệ sau biết được nội dung lễ hội cũng như hiểu biết được nguồn cội lịch sử, văn hóa.
Lê Chung