Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Những đêm ngày không Tết trên “cao tốc” của ngành VHTTDL

14/02/2022 | 09:07

Khi những kỹ sư, công nhân ngành Giao thông vận tải phải chấp nhận xa gia đình trong những ngày Tết Nguyên đán để xây dựng từng mét đường giao thông thì những người đang công tác trong lĩnh vực VHTTDL cũng có những đêm ngày xuyên Tết, trăn trở, miệt mài để thực hiện những “mét đường cao tốc” mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đề ra cho ngành.

Trong những ngày Tết Nguyên đán, khi người dân đang đắm say với hương vị đầm ấm của gia đình, tình thân và bạn bè thì người đứng đầu Chính phủ lại đang bận rộn với hành trình "xuyên Tết, xuyên Việt" để thị sát, kiểm tra tiến độ tại nhiều dự án trọng điểm quốc gia.

Trong các ngày từ mùng 3 đến mùng 6 Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính xuất hiện ở nhiều tuyến cao tốc như Cao Bồ - Mai Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu hay Nha Trang - Cam Lâm - Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây. Đây đều là những dự án "mảnh ghép" quan trọng của cao tốc Bắc Nam.

Giao thông được xác định là "huyết mạch" của nền kinh tế, nên có thể thấy, người đứng đầu Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt đến tiến độ thực hiện của những tuyến đường nằm trong dự án cao tốc Bắc Nam. Cũng dễ hiểu, trong bối cảnh nhân dân đang rất khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 thì việc đẩy nhanh tiến độ các dự án này có ý nghĩa hết sức quan trọng. 

Những đêm ngày không Tết trên “cao tốc” của ngành VHTTDL - Ảnh 1.

Nếu những kỹ sư, công nhân ngành Giao thông đã hy sinh những ngày Tết Nguyên đán không ở bên cạnh gia đình để thực hiện các dự án trọng điểm đó thì những người đang công tác trong ngành VHTTDL cũng vậy. Họ cũng đã có những ngày không Tết để làm từng "mét cao tốc" mà "Tư lệnh" ngành VHTTDL đã "thiết kế" ra cho toàn ngành.

Điều đó được được minh chứng qua hình ảnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xuất hiện trên Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình để cổ vũ, động viên thầy trò HLV Park Hang-seo sau chiến thắng của Đội tuyển bóng đá nam Việt Nam trước Đội tuyển Trung Quốc đúng vào tối mùng 1 Tết Nhâm Dần.

Không lâu sau đó, Người đứng đầu Chính phủ cũng đã dành thời gian chờ đợi để gặp mặt, chúc mừng chiến công lớn của thầy trò HLV Mai Đức Chung sau những đêm ngày không Tết ở "xứ người", vượt muôn vàn khó khăn để giành tấm vé dự World Cup lịch sử.

Không chỉ ngành Thể thao đã bước đầu khánh thành những "đoạn đường cao tốc" cho riêng mình, ngành Du lịch trong Tết Nguyên đán vừa qua cũng đã nỗ lực hết sức để từng bước thực hiện mục tiêu lớn trong năm nay.

Trước yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ phải mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế chậm nhất vào ngày 30/4/2022 thì những người đang công tác trong ngành Du lịch trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua cũng đã miệt mài để chuẩn bị kế hoạch cụ thể cho "Ngày trở lại".

Và trong những ngày Tết ngắn ngủi vừa qua, nhiều địa phương trong cả nước thuộc diện thí điểm mở cửa đón khách quốc tế có hộ chiếu vắc xin cũng đã được nhiều khách du lịch quốc tế đến "xông đất", đây là tín hiệu hết sức vui mừng đối với toàn ngành sau thời gian dài "im ắng" bởi dịch bệnh. Theo thống kê, chỉ trong 9 ngày của dịp Tết 2022, tổng lượng khách du lịch đạt hơn 5,5 triệu lượt, trong đó có 467 khách du lịch quốc tế.

Đối với riêng ngành Văn hóa, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương đó là: "Phải nghiên cứu để xây dựng thiết chế văn hóa, bảo vệ di tích và di sản; xây dựng môi trường văn hóa và văn hóa gia đình", Bộ VHTTDL đã đặt lên hàng đầu nhiệm vụ của năm 2022 là tập trung xây dựng hệ sinh thái văn hóa, làm môi trường văn hóa từ cơ sở. Trong đó, Bộ xác định chủ đề công tác của năm là "Năm xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ".

Có thể thấy rằng, nếu cao tốc Bắc Nam là nhiệm vụ quan trọng của ngành Giao thông thì "cao tốc" quan trọng của ngành VHTTDL lại chính là Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030, Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026 và đối với ngành Thể thao sắp tới sẽ là Chiến lược phát triển Thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030.

Tầm quan trọng của cao tốc mà ngành Giao thông được ví là huyết mạch của nền kinh tế thì "cao tốc" của ngành VHTTDL cũng có ý nghĩa vô cùng to lớn, không chỉ đóng góp vào nền kinh tế mà đó còn là "huyết mạch" của tinh thần, đời sống xã hội của nhân dân, qua đó tạo  nên những sức mạnh nội sinh, động lực cho phát triển của đất nước.

Xác định được tầm quan trọng đó, với khí thế mới, quyết tâm mới, trong buổi gặp mặt các đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ vào ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức xây dựng kỷ luật đơn vị từ đầu năm mới với nét riêng, dấu ấn riêng trên trục xuyên suốt là chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa. 

Ông cũng bày tỏ tin tưởng: "Với những chiến lược dài hạn, cộng với quyết tâm cao, sức bật mới, toàn ngành sẽ triển khai công việc thuận lợi nhất, đạt hiệu quả cao, đưa ngành đạt được vị thế xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân".

Hy vọng, phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" sẽ tiếp tục được lan tỏa, là động lực để giúp toàn ngành VHTTDL làm việc "không mệt mỏi" để hoàn thành thêm những "đoạn đường cao tốc" trong năm 2022, qua đó góp phần giúp ngành VHTTDL thực hiện thành công "tuyến cao tốc" đã được đề ra từ đầu nhiệm kỳ./.


Thế Công
Minh Khánh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×