Những dấu tích mở đường khôi phục Kinh đô cổ
28/12/2021 | 10:37Sau 10 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (2011-2021), Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) đã bảo tồn, phát huy giá trị vốn có, thực hiện nhiều cuộc khai quật và đã tìm thấy nhiều dấu tích quan trọng. Cuộc khai quật từ năm 2020 đến nay được đánh giá là cuộc khai quật có quy mô lớn với diện tích 25.000m2.
Những dấu tích tìm thấy có giá trị to lớn, khẳng định các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Thế giới Thành nhà Hồ đã được UNESCO vinh danh. Theo các nhà khoa học, đây là những phát hiện quan trọng có giá trị mở đường cho các dự án khôi phục lại khu di sản.
Cuộc khai quật lớn của khảo cổ học Việt Nam
Cuộc khai quật trong hai năm 2020-2021 tại Thành nhà Hồ với tổng diện tích 25.000m2 được đánh giá là cuộc khai quật lớn nhất lịch sử Khảo cổ học Việt Nam, tính về tổng số diện tích trong một lần khai quật. Điều đặc biệt, cuộc khai quật đã phát hiện được nhiều dấu tích, cụm dấu tích quan trọng, gồm 4 cụm dấu tích có niên đại thời Trần - Hồ, 2 cụm kiến trúc thời Lê sơ, một cụm kiến trúc thời Lê Trung Hưng với trên 20 đơn nguyên kiến trúc có giá trị to lớn, khẳng định các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Thế giới Thành nhà Hồ.
PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, kết quả quan trọng thu được từ cuộc khai quật là việc đã xác định dấu tích kiến trúc độc đáo, có quy mô lớn vào loại nhất cho đến nay trong lịch sử nghiên cứu kiến trúc cổ truyền Việt Nam ở khu vực Trung tâm Thành nhà Hồ (còn gọi là Nền Vua). Theo tính toán ban đầu cộng với địa danh Nền Vua, các nhà khảo cổ học dự đoán đó có thể là dấu tích Chính điện của thành Tây Đô. Nếu đúng như vậy thì đây là dấu tích Chính điện cổ nhất trong lịch sử Kinh đô Việt Nam được phát hiện cho tới ngày hôm nay. Khai quật lần này cũng đã xác định tổ hợp kiến trúc phía Đông Nam khá hoàn chỉnh, được tương truyền đó là Đông Thái Miếu thờ tổ tiên của nhà Hồ. Nếu xác định điều này là chính xác thì đây cũng là một dấu tích Tổ miếu thuộc loại cổ nhất trong lịch sử Kinh đô Việt Nam. Cuộc khai quật cũng bộc lộ lòng đất Thành nhà Hồ đang còn tiềm ẩn rất nhiều các di tích kiến trúc khác. Tất cả đều được quy hoạch, bố trí hết sức quy củ, bài bản, tòa ngang, dãy dọc, nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều loại hình kiến trúc, vật liệu xây dựng… Điều đó làm sâu sắc thêm các giá trị nổi bật toàn cầu đã được thế giới khẳng định và tôn vinh.
Trên cơ sở xác định bước đầu tiềm năng di sản cũng như xác định các giá trị của những di tích đã phát hiện, các nhà khoa học cho rằng rất cần thiết phải có việc quy hoạch nghiên cứu bài bản, xây dựng các kế hoạch bảo tồn và bảo vệ toàn vẹn khu Di sản theo đúng các Công ước Quốc tế đối với một khu Di sản Thế giới.
Khôi phục Kinh đô cổ nhất ở Đông Nam Á
Theo PGS.TS Tống Trung Tín, trên cơ sở xây dựng quy hoạch nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị, từng bước nghiên cứu và dần dần sẽ phát lộ toàn bộ mặt bằng kiến trúc cung điện của Di sản Thành nhà Hồ, từng bước xây dựng kế hoạch phục dựng, khôi phục và bảo vệ cảnh quan, đa dạng hóa các giải pháp bảo tồn như trường hợp cố đô Nara (Nhật Bản). “Nếu làm tốt và khoa học, dần dần chúng ta có thể hiểu được và khôi phục được một Kinh đô cổ nhất ở Đông Nam Á, từng bước biến di sản trở thành một trong những di sản văn hóa có giá trị nổi bật nhất của Việt Nam có sức thu hút mạnh mẽ đối với công chúng trong nước và thế giới...”, PGS.TS Tống Trung Tín khẳng định.
Bài học từ kinh đô Nara của Nhật Bản, các nhà khoa học cho rằng, chúng ta có thể học để khôi phục lại Chính điện. TS Phạm Quốc Quân nhận định, các vấn đề nghiên cứu cần phải đẩy mạnh hơn rất nhiều. Lần khai quật này đã cho thấy điều quý giá là mặt bằng kiến trúc rõ ràng hơn trước đây. Ông Quân cho rằng có thể đẩy mạnh nghiên cứu cũng như đẩy mạnh các vấn đề bảo vệ, tôn tạo. Theo ông, có thể làm từng phần một như kiểu Nhật Bản. Từ mặt bằng nghiên cứu so sánh để tái phục hồi điện, cổng. Cũng theo TS Phạm Quốc Quân, từ tư liệu hóa khảo cổ học, các nhà khảo cổ cần tập trung vào xác định những gì tái hiện trước. Đó là việc có định hướng để tập trung, để ra được một cái gì phục dựng. “Làm để phục hưng văn hóa, biến văn hóa thành ngành công nghiệp thì di sản cũng là một phần cần được phát huy hơn nữa. Thành nhà Hồ có nhiều hứa hẹn”, TS Phạm Quốc Quân chia sẻ.
PGS.TS Phạm Mai Hùng cho rằng, kết quả khai quật lần này tìm ra được nhiều đơn nguyên kiến trúc, bước đầu có cơ sở để nhận diện bình độ bố trí công trình kiến trúc trong nội tự Thành nhà Hồ. Đơn nguyên liên quan đến Chính điện phù hợp với chính sử ghi chép và các nghiên cứu về Thành nhà Hồ. “Qua các công trình này cũng bắt đầu nhận diện được bề thế của khu vực”, theo PGS Phạm Mai Hùng. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, cần chú trọng bảo tồn đi đôi với quảng bá và giới thiệu di sản. PGS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng việc tổ chức khảo cổ học với mặt bằng lớn cho thấy địa phương đang thay đổi nhận thức về di sản này. Ông Bài cho rằng, có thể bảo quản cấp thiết rồi từng bước tôn tạo để diễn giải lịch sử. Có thể thí điểm cái gì dễ thì làm trước. Hình thức diễn giải cũng cần tạo sức hấp dẫn cho du lịch.
Đây là một lưu ý rất quan trọng, bởi các khu di sản thế giới tại Việt Nam trong thời gian qua đã và đang trở thành những điểm tham quan hấp dẫn, thu hút nhiều khách du lịch, trong đó có Thành nhà Hồ. Việc gắn bảo tồn di sản và phát triển du lịch song hành cũng mang lại hiệu quả kép về quảng bá giá trị di tích và phát triển kinh tế. Ông Đỗ Quang Trọng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa cho biết, Sở đánh giá rất cao những phát hiện khảo cổ vừa qua. Trong đó, giá trị quan trọng nhất là đã mở đường cho các dự án khôi phục lại khu di sản này. “Những phát hiện khảo cổ học vừa được tìm thấy là những tài liệu quan trọng giúp UBND tỉnh Thanh Hóa dần dần thực hiện các dự án ở khu di sản thế giới Thành nhà Hồ”, ông Trọng nói.
Ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cho biết, trên cơ sở xác định bước đầu tiềm năng di sản cũng như các giá trị di tích đã phát hiện, cần phải có quy hoạch việc nghiên cứu tổng thể, chuyên sâu. Các kế hoạch bảo tồn và bảo vệ toàn vẹn khu di sản sẽ được xây dựng sao cho phù hợp các Công ước quốc tế. Ông Linh cũng cho biết, các giải pháp bảo tồn đa dạng như trường hợp ở kinh đô Nara (Nhật Bản) là một hình mẫu lý tưởng mà đơn vị của ông muốn đi theo. Trung tâm sẽ xây dựng các bước phục dựng, khôi phục và bảo vệ cảnh quan theo từng bước thận trọng.
Nếu làm tốt và khoa học, dần dần chúng ta có thể hiểu được và khôi phục được một Kinh đô cổ nhất ở Đông Nam Á, từng bước biến di sản trở thành một trong những di sản văn hóa có giá trị nổi bật nhất của Việt Nam có sức thu hút mạnh mẽ đối với công chúng trong nước và Thế giới...
(PGS.TS TỐNG TRUNG TÍN)